Đình Hàng Kênh, 55 Nguyễn Công Trứ, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng



(Cinet) – Ca trù còn có tên gọi khác là Hát cửa đình- một hình thức sinh hoạt được xem như cổ điển nhất của thể loại đã được Unesco vinh danh Di sản thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp. Trải qua bao thăng trầm, sinh hoạt hát cửa đình vẫn tồn tại cùng lịch sử để đến hôm nay những nghệ nhân và những người tâm huyết với giá trị di sản này đã dần làm sống dậy kho tàng nghệ thuật vô giá này.

Trong quá khứ thẳm sâu, nghệ thuật Ca trù được xem như thể loại nhạc chuyên nghiệp đầu tiên của người Việt. Theo dòng sử liệu, từ 1000 năm trước, đã hình thành giới đào kép sinh hoạt trong một tổ chức nghề nghiệp gọi là giáo phường. Người đứng đầu là quản giáp- một chức sắc được nhà nước phong kiến ghi nhận, có nhiệm vụ coi sóc công việc làm ăn của các đào kép trong giáo phường. Cho đến khoảng trước thế kỷ XX, từ các tỉnh miền Bắc đổ vào đến Nghệ An, Hà Tĩnh, cứ trung bình mỗi huyện lại có từ một đến 2 làng Ca trù quần tụ sinh sống. Từ bao đời, họ có nhiệm vụ thực hành phần nhạc lễ nơi đình làng Việt. Chính vì thế, Ca trù còn có tên gọi khác là Hát cửa đình- một hình thức sinh hoạt được xem như cổ điển nhất của thể loại. Bản thân chữ Ca trù vốn cũng để chỉ việc chi trả thù lao nghệ thuật cho các nghệ sĩ thông qua phương thức thưởng thẻ (trù). Trong một chầu hát nghi lễ cửa đình, cứ mỗi đoạn đàn ngọt hát hay, quan viên làng sở tại lại gõ dùi “cắc” một tiếng vào tang trống báo hiệu, phía bên kia, một quan viên khác đánh một tiếng cồng đối ứng, lập tức người giữ thẻ ném một chiếc vào cái chậu đồng để phía sau lưng đào kép trình diễn. Cứ thế, sáng hôm sau khi kết thúc công việc, đào kép chỉ việc đếm thẻ để tính công với làng sở tại. Giá trị mỗi thẻ thưởng có thể quy ra tiền hay vật phẩm tùy theo khế ước mà đôi bên đã thống nhất từ trước. Có thể nói, đây là thiết chế văn hóa cung/cầu nghệ thuật đầu tiên của người Việt được ghi nhận trong sử liệu. Điều đó cho thấy bên cạnh chức năng thờ tự, mỗi đình làng Việt xưa có giá trị như một “nhà hát nhân dân”. Các giáo phường chia nhau quyền hát cửa đình trong mỗi vùng, không bao giờ xâm phạm đất diễn của nhau. Quyền hát cửa đình cùng giá trị mỗi thẻ thưởng thường được đục trên văn bia hay ghi thành văn bản và được làng xã tôn trọng.

Trải bao thăng trầm, sinh hoạt hát cửa đình vẫn tồn tại cùng dòng chảy lịch sử. Chỉ đến khoảng thập kỷ 50 của thế kỷ XX, do nhiều nguyên nhân khác nhau, cùng với hình thức ca quán Cô đầu, hình thức Hát cửa đình đã chấm dứt đời sống sinh hoạt của mình. Đây được xem như thời kỳ đen tối của thể loại. Do cái nhìn khắc nghiệt trong xã hội, các đào kép, người thì chuyển sang nghề khác, người thì giấu nhẹm tung tích, bỏ hẳn nghiệp tổ nghìn đời. May thay, khoảng 20 năm trở lại đây, trong thời kỳ phục hồi các giá trị di sản, chúng ta đã dần làm sống dậy từng phần kho tàng nghệ thuật vô giá đó. Xã hội cũng đã có cái nhìn khác với Ca trù, đặc biệt sau khi bộ môn được vinh danh Di sản thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp. Trong số những nghệ nhân lão thành còn lại hôm nay, cụ Nguyễn Phú Đẹ (91 tuổi) được xem là kép đàn duy nhất từng thực hành Hát cửa đình vùng Hải Dương thời xưa. Bố ông nguyên là quản giáp hàng tổng, mẹ ông vốn là một đào ngự- từng vào kinh thành Huế hát chúc thọ vua Nguyễn.

Vừa qua, giữa tháng 9/2014, CLB Ca trù Hải Phòng đã tổ chức một chương trình điền dã dài kỳ về với thầy Nguyễn Phú Đẹ. Dự án được thực hiện hoàn toàn do tình yêu tự thân của CLB Ca trù Hải Phòng với di sản cha ông. Trong khoảng hai tháng ròng, cứ mỗi tuần từ 1-2 buổi, các đào kép lại dắt díu nhau về nhà nghệ nhân để học lại toàn bộ trình thức hát cửa đình. Mọi thể cách, ngón nghề ca- múa- nhạc cổ xưa được truyền dạy trực tiếp. Đến ngày 14/11/2014, CLB đã long trọng tổ chức lễ báo cáo tại nhà nghệ nhân để ông kiểm định chất lượng.

Và, ngày 14/1/2015, tại đình Hàng Kênh- Hải Phòng, nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ cùng các học trò sẽ chính thức ra mắt chầu hát cửa đình phục dựng đầu tiên trong lịch sử.




Thông cáo Lễ phục dựng trình thức hát cửa đình người Việt
Vào hồi 14h ngày 14 tháng 1 năm 2015

Địa điểm : Đình Hàng Kênh, 55 Nguyễn Công Trứ, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng

I. Chương trình Lễ tân của buổi lễ : từ 13:30 – 14:30 gồm (đón tiếp đại biểu; giới thiệu đại biểu; báo cáo kết quả dạy và học lối hát Cửa Đình, phát biểu của lãnh đạo cấp trên; tặng hoa nghệ nhân – kép đàn lão thành Nguyễn Phú Đẹ)

II. Chương trình biểu diễn :

Với 14 thể cách chia làm 5 lớp diễn

Lớp 1 :

- Múa tứ linh : CLB múa rối Bảo Hà – Vĩnh Bảo

- Dàn nhạc bát âm : Hội văn nghệ dân gian Hải Phòng

Lớp 2 : Hát đứng

- Giáo hương : NNDG Nguyễn Phú Đẹ

- Hát giai : NNDG Nguyễn Phú Đẹ

- Dâng hương : 4 ca nương thể hiện

- Thét nhạc : Đào nương Hải Phượng

Lớp 3 : Hát ngồi

- Hát nói : NSUT Đỗ Quyên

- Cung bắc : Đào nương Thuỳ Linh

- Gửi thư : Đào nương Thu Hương

Lớp 4 : Hát đứng

- Dồn đại thạch (Ca Vũ) : NSUT Đỗ Quyên

- Đào luồn kép vói: Kép đàn Hoàng Khoa, đào nương Thu Hằng

- Hát phú : Kép đàn Hoàng Khoa thực hiện

- Hát sử : Kép đàn Hoàng Khoa thực hiện

Lớp 5 : Hát ngồi

- Hãm ba bậc : Đào nương Thu Hằng

- Dựng giở : Đào nương Thu Hằng

- Bỏ bộ : 6 ca nương thực hiện

III. Chương trình họp báo :

Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ cùng các học trò sẽ trả lời mọi câu hỏi của cơ quan thông tấn báo chí và người tham dự.

Chỉ đạo chương trình : NSƯT Đỗ Quyên





Theo cinet.vn

View more random threads: