Chiếc máy bay MIG 21 số hiệu 4324 đang được trưng bày tại Bảo tàng

Lịch sử Quân sự Việt Nam.



(Cinet)- Tròn 40 mùa xuân đã qua kể từ ngày chiến thắng 30/4/1975. Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ nhưng những kí ức, hiện vật về cuộc chiến hào hùng của dân tộc vẫn gợi nên nhiều cảm xúc trong mỗi người chúng ta. Đặc biệt, những hiện vật từ cuộc chiến thống nhất đất nước đã được công nhận là “Bảo vật quốc gia” sẽ sống mãi cùng lịch sử dân tộc…

Những chú chim sắt dũng mãnh

Đó là hai chiếc máy bay MIG 21 số hiệu 4324 và 5121 từng khiến không quân Mỹ khiếp sợ. Cả hai chiếc máy bay này đã cùng lực lượng không quân Việt Nam lập nhiều chiến công xuất sắc. Máy bay MIG 21 số hiệu 4324 do Liên Xô (cũ) sản xuất và viện trợ cho Việt Nam năm 1967. Chiếc máy bay này đã 69 lần xuất kích, 22 lần gặp địch, xạ kích 16 lần. Chỉ trong năm 1967, có 9 phi công thuộc Trung đoàn không quân 921 thay nhau trực chiến, lần lượt lái chiếc 4324 không chiến, bắn rơi 14 máy bay Mỹ các loại. 8 trong số 9 phi công từng lái máy bay này đã được tuyên dương và phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Cũng do Liên Xô sản xuất, bảo vật quốc gia - máy bay MIG 21 mang số hiệu F96-5121 đã bắn rơi 5 máy bay Mỹ và đặc biệt gắn liền với chiến công của anh hùng Phạm Tuân trong chiến dịch phòng không đánh bại cuộc tập kích chiến lược của Mỹ vào Hà Nội và một số địa phương khác ở miền Bắc năm 1972. Đêm ngày 27/12/1972, phi công Phạm Tuân xuất kích cùng MIG 21 F96-5121 và tiêu diệt được máy bay B52. Tại sở chỉ huy của quân đội ta, trên màn hình hiện sáng đã ghi lại hình ảnh chiếc “Siêu pháo đài bay” B52 của Mỹ bốc cháy. Ngay đêm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã khen ngợi bộ đội không quân lập công xuất sắc.

Hiện hai bảo vật này đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Cuốn sổ trực ban và tấm bản đồ ghi dấu ấn lịch sử

Cuốn sổ trực ban chiến dịch Hồ Chí Minh được sưu tầm tại nhà ông Nguyễn Hoàng Vỵ (phường 13, Quận Tân Bình, Thành Phố Hồ Chí Minh). Ông Vỵ là trợ lý tác chiến Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, người đã ghi chép sổ trực ban chiến dịch, theo sát từng diễn biến của những ngày đại thắng mùa xuân 1975.

Cuốn sổ được làm bằng loại giấy karô, dày 300 trang, bìa nhựa màu nâu, trong đó đã ghi chép lại toàn bộ diễn biến chiến dịch Hồ Chí Minh, tình hình cụ thể từng đơn vị của 5 cánh quân từ ngày 25/4/1975 đến ngày 01/5/1975 gồm 53 trang.






Cuốn sổ trực ban Chiến dịch Hồ Chí Minh.



Suốt những ngày diễn ra chiến dịch, ông Vỵ đã ở căn cứ Căm Xe, tỉnh Bình Dương với nhiệm vụ trực ban tác chiến, ghi chép, tổng hợp tình hình mới nhất để phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo của cấp trên. Đó là những đêm gần như không ngủ, đặc biệt là khi các đơn vị ngày càng áp sát Sài Gòn, tất cả mọi người hầu như thức trắng đêm bởi lo lắng trước con số thương vong của bộ đội khi gặp sự phản kháng quyết liệt của địch, hay vì vui sướng khi quân ta báo tin thắng trận.

Khi các các đơn vị chưa kịp báo cáo, ông lại chủ động gọi điện, xem đã hành quân đến đâu, đánh những khu vực nào. Trong đó, có những số liệu cụ thể, thời gian cụ thể và những thời điểm giải phóng từng mảnh đất, từng địa phương. Ông đã cùng đồng đội ghi lại những giờ khắc thiêng liêng nhất. Cứ như vậy, có hôm đến tận sáng vì 6 giờ phải có đầy đủ thông tin báo cáo Bộ Chỉ huy vạch phương án tác chiến.

40 năm sau ngày đất nước thống nhất, ông Nguyễn Hoàng Vỵ tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ tại nhiều đơn vị khác nhau. Người lính năm xưa, nay chân đã chậm, mắt đã mờ, sức khỏe giảm sút bởi những vết thương chiến tranh để lại, nhưng ký ức về chiến thắng 30/4 trong ông vẫn vẹn nguyên. Mỗi lần nhớ lại, kể lại hoặc trở lại căn cứ Năm Xe, ông đều cảm thấy tự hào biết bao khi mình được sống trong những giây phút lịch sử hào hùng của đất nước.

Bởi vậy, ông luôn trân trọng những kỷ vật đã gắn bó với ông trong suốt thời gian công tác bằng việc lưu giữ nhiều kỷ vật liên quan đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đến năm 2006, ông đã bàn giao toàn bộ số kỷ vật ấy cho Bảo tàng Quân khu 7, nay là Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ.






Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh.



Sau Chiến thắng Tây Nguyên và đặc biệt sau Chiến thắng Huế-Đà Nẵng, tình hình chiến trường miền Nam thay đổi nhanh chóng theo hướng có lợi cho Quân Giải phóng. Trong tình thế khẩn trương, nắm bắt thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đã thực hiện bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh trong thời gian từ ngày 15/4 đến ngày 22/4/1975. Bản đồ Quyết tâm này đã thể hiện được ý chí quyết chiến quyết thắng, mà cũng rất nhân văn của Bộ chỉ huy chiến dịch, Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị và tài cầm quân thao lược của vị Tư lệnh chiến dịch, Đại tướng Văn Tiến Dũng. Trong cuốn hồi ký “Đại thắng mùa Xuân”, Đại tướng Văn Tiến Dũng viết: “Đánh vào Sài Gòn như thế nào cho nhanh, chắc thắng, làm sụp đổ cả chế độ phản động… Nhưng phải đánh vào Sài Gòn như thế nào để thành phố ít bị tàn phá nhất, giải phóng được mấy triệu đồng bào không dẫn tới chỗ làm cho đồng bào bị thiệt hại nhiều về tính mạng, mất mát nhiều tài sản và cuộc sống mau trở lại bình thường”.

Hình ảnh Đại tướng Văn Tiến Dũng trăn trở bên bản đồ quyết tâm chiến đấu vừa trí tuệ vừa nhân văn đó đã được nhiều đồng đội của ông ghi lòng. Cách đánh được Đại tướng Văn Tiến Dũng từng nói là “khiến địch không tưởng tượng được” đã được thực tế chiến trường khẳng định là một kế hoạch chiến đấu tuyệt vời, vừa giữ được thương vong tối thiểu của cả hai bên, vừa tránh hủy hoại một thành phố lớn từng được ví như “hòn ngọc Viễn Đông”.

Tấm bản đồ này được Đại tướng Văn Tiến Dũng lưu giữ từ năm 1975 cho đến năm 1990. Nhân kỷ niệm 15 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1990), ông đã trao tặng cho Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam). 40 năm sau, ngày 14/1/2015, bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

Hôm nay, tấm bản đồ này được trưng bày trang trọng ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để lớp lớp cháu con và bè bạn quốc tế đến tham quan, chiêm ngưỡng. Đó chính là vật chứng xác thực minh chứng cho tài năng, trí tuệ và lòng nhân đạo của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Đòn “sấm sét” từ xe tăng T54 số hiệu 843 và xe tăng T59 số hiệu 390

Xe tăng T54 số hiệu 843 thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 203, Quân đoàn 2 đã tham gia giải phóng Huế, Đà Nẵng, sau đó tiếp tục hành quân tham gia giải phóng các tỉnh ven biển miền Trung và thẳng tiến về Sài Gòn với tinh thần “thần tốc và quyết thắng”. Từ ngày 26 - 29/4/1975, xe tăng 843 đã tham gia chiến đấu đập tan tuyến phòng thủ của địch ở căn cứ Nước Trong. Ngày 30/4/1975 xe tăng này đã dẫn đàu đội hình vào Sài gòn, trên đường đến Dinh Độc Lập đã bắn cháy 3 xe tăng và bọc thép của địch, 11h ngày 30/4/1975, xe tăng này húc vào cổng phụ của Dinh Độc Lập, bị chết máy, đồng chí Đại đội trưởng Đại đội 4 Bùi Quang Thận, chỉ huy xe tăng 843, nhảy ra khỏi xe và cắm lá cờ lên nóc Dinh Độc Lập. Đây là sự kiện đánh dấu giờ phút thiêng liêng của dân tộc, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh xe tăng 843 luôn dẫn đầu đội hình binh đoàn, phá vỡ các tuyến ngăn chặn của địch góp phần cùng quân và dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Hiện chiếc xe tăng này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.






T54B - số hiệu 843 là chiếc xe tăng đã húc vào cổng Dinh Độc Lập đầu tiên.



Cũng như xe tăng T54 số hiệu 843, xe tăng T59 số hiệu 390 (đang được lưu giữ tại Bảo tàng Tăng thiết giáp) đóng vai trò quan trọng trong thời khắc lịch sử quyết định của chiến dịch Hồ Chí Minh. Đó là chiếc xe đầu tiên húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975, mở đường cho quân ta vào bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh và nội các của ông ta.

Hiện vật có ý nghĩa tuyền truyền, giáo dục sâu sắc truyền thống cách mạng đối với các tầng lớp nhân dân và khách quốc tế, là vật chứng xác thực ghi dấu chiến công to lớn của quân và dân ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh, trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 lịch sử.

T.H









Theo cinet.vn

View more random threads: