“Tâm tình Ví Dặm” - là trải nghiệm nghệ thuật khó quên đối với công chúng

thủ đô Hà Nội. Ảnh minh họa/internet



(Cinet)- Nhằm mang đến cho khán giả một không gian âm nhạc đặc sắc cùng tất cả những tinh hoa của loại hình di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại của đồng bào 2 tỉnh Nghệ - Tĩnh, đêm nhạc “Tâm tình Ví, Dặm” diễn ra tối 22/5 sẽ là trải nghiệm nghệ thuật khó quên đối với công chúng thủ đô Hà Nội.

“Tâm tình Ví, Dặm” có sự tham gia của nhóm nghệ sĩ đến từ Câu lạc bộ UNESCO di sản dân ca xứ Nghệ. Câu lạc bộ tiền thân là Câu lạc bộ Dân ca ví, dặm xứ Nghệ tại Hà Nội, được bảo trợ bởi Liên hiệp Unesco Việt Nam. Đồng thời, có sự tư vấn, chỉ đạo nghệ thuật của Trung tâm phát triển âm nhạc nghệ thuật Việt Nam và Trung tâm bảo tồn phát huy di sản dân ca xứ Nghệ.

Hiện nay, CLB có gần 100 thành viên bao gồm các nghệ sỹ biểu diễn chính thức, các hội viên liên kết từ các hội, nhóm khác cũng như các bạn trẻ đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh và cả những người đam mê loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Đến với “Tâm tình Ví, Dặm”, khán giả sẽ có cơ hội được tìm hiểu và trải nghiệm những nét đẹp độc đáo riêng có, những làn điệu, lời ca đằm thắm của di sản văn hóa này, như là một cách bảo tồn, phục hồi và phát huy các giá trị âm nhạc cổ truyền của dân tộc, để không bị mai một dần trong xã hội hiện đại ngày nay.

Chúng ta đều biết, những khúc ca dao, dân ca là tiếng hát của nỗi lòng. Tiếng hát đó có nói đến thế giới bên ngoài nhưng chẳng qua là để cho thế giới nội tâm được ngân nga. Vì thế, nó là tiếng hát của cái “tôi”. Hát Ví, Dặm cũng vậy, đó chính là nỗi lòng của người dân Nghệ Tĩnh, là ý chí vững vàng muốn sống của con người, kích thích người ta chống lại thực tế, chống lại sự đàn áp. Nó rất lành mạnh, trong sáng và bình dị vì nó là tâm hồn trí tuệ của bà con qua bao thế kỷ.






Dân ca Ví, Dặm là nỗi lòng, là tâm hồn trí tuệ của người dân Nghệ Tĩnh qua bao thế kỉ. Ảnh minh họa/internet





Người nông dân Nghệ Tĩnh vốn sống trên một mảnh đất chẳng lấy gì làm phì nhiêu, thời tiết không thuận hoà. Ngoài vật lộn với thiên nhiên, con người xứ Nghệ đã phải trải qua biết bao gian nan vất vả của nhiều cuộc chiến tranh, chính điều kiện thiên nhiên và lịch sử đã hun đúc nên cuộc sống và tính cách con người Nghệ Tĩnh, những con người gan dạ, cần cù, rắn rỏi nghị lực, đặc biệt còn rất dồi dào tình cảm, yêu đời và hăng say lao động. Cuộc sống vất vả khó khăn cũng không làm cho họ nhụt chí mà ngược lại họ vẫn rất can đảm, bền bỉ.






Đồng thời là một bộ phận tâm hồn, một bộ phận tinh thần không thể thiếu của nhân dân lao động. Ảnh minh họa/internet





Dù tạo hóa không dành cho mảnh đất này những ưu ái nhất định nhưng những con người nơi đây luôn giữ cho mình tâm hồn lạc quan, phải chăng vì vậy mà người dân xứ Nghệ có một tinh thần, tình cảm hết sức phong phú. Cuộc sống của họ luôn gắn với lời ca tiếng hát. Hát Ví, Dặm đã cùng với họ cả trong lao động và trong sản xuất, họ vừa lao động vừa hát, hát cả trong lúc đi cấy, đi gặt, chèo đò, kéo sợi, dệt vải, xuôi ngược trên sông... Bởi tiếng hát sẽ không chỉ làm cho tinh thần của con người sảng khoái, hăng say lao động, chiến thắng mọi khó khăn gian khổ mà còn là cách để thổ lộ tâm tình.

Hát Ví, Dặm là vốn cổ truyền thống của nhân dân Nghệ Tĩnh, nó là một thể loại dân ca do nhân dân lao động xứ Nghệ sáng tạo, được hình thành, tồn tại và phát triển qua bao thế hệ, ghi chép những tâm tư tình cảm, nguyện vọng của tuổi trẻ, kể cả những diễn biến của lịch sử phát triển xã hội nói chung. Đồng thời cũng là một bộ phận tâm hồn, một bộ phận tinh thần không thể thiếu được của nhân dân lao động Nghệ Tĩnh.






Việc gìn giữ, bảo tồn loại hình nghệ thuật đặc sắc này cũng chính là bảo tồn nét văn hóa truyền thống quý giá của

dân tộc. Ảnh minh họa/internet






Được ví như ở giữa hai đầu đòn gánh của đất nước, Nghệ An và Hà Tĩnh là mảnh đất có khí hậu khắc nghiệt, kinh tế - xã hội đang thời kỳ phát triển, cuộc sống người dân các vùng miền còn nhiều khó khăn. Nhưng trong đó, vẫn sáng lên niềm tự hào về kho tàng dân ca ví, dặm được cả thế giới tôn vinh. Có thể khẳng định, vùng “núi Hồng, sông Lam”, mạch nguồn dân ca ví, dặm đã, đang và sẽ chảy mãi không ngừng, như câu ca: Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây/ Sông Lam hết nước/ Thì đó với đây mới hết tình... Ấy cũng là thông điệp, là văn hóa, là cốt cách của người Nghệ trong cuộc sống xưa nay và mãi mãi về sau.

CN (Ảnh: internet)









Theo cinet.vn

View more random threads: