Phần thân trên và nắp Thạp đồng Đào Thịnh. Ảnh Hương Cinet



(Cinet) – Thạp đồng Đào Thịnh là hiện vật cổ độc nhất, chưa có chiếc thạp nào có kích thước và kiểu dáng cũng như đề tài trang trí tương tự. Bảo vật này là thông điệp gửi từ quá khứ của nền văn hóa Đông Sơn khi mà xã hội thời kỳ đó chưa hình thành chữ viết.

Được phát hiện sau một vụ lở sông đầu những năm 1960, Thạp đồng Đào Thịnh đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều nhà khảo cổ học và các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Năm 1963, trong cuốn 'Những vết tích đầu tiên của thời đại đồ đồng thau ở Việt Nam', các tác giả Lê Văn Lan, Phạm Văn Kỉnh, Nguyễn Linh đã ghi nhận: 'Đây là chiếc thạp đồng có kích thước lớn nhất trong sưu tập thạp Việt Nam hiện nay'. Đến nay dù đã hơn nửa thế kỷ, thạp đồng Đào Thịnh vẫn là chiếc thạp có kích thước lớn nhất, có giá trị độc bản được tìm thấy ở Việt Nam và những vùng thuộc văn hóa Đông Sơn.

Trong tài liệu về Bảo vật quốc gia Thạp đồng Đào Thịnh của Cục Văn hóa Cơ Sở - Bộ VHTTDL có ghi: Bộ sưu tập hiện vật văn hóa Đông Sơn, ngoài trống đồng thì thạp đồng Đào Thịnh có kích thước lớn nhất trong những thạp đồng được biết cho đến nay. Kiểu dáng và đề tài trang trí trên thạp độc đáo, thể hiện nghệ thuật quân thủy và kỹ thuật đóng thuyền của người Việt xưa. Đặc biệt nắp thạp là 4 khối tượng đôi nam nữ giao cấu là tiêu bản duy nhất của nghệ thuật Đông Sơn, thể hiện đậm nét tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Thạp đồng Đào Thịnh là bản thông điệp của quá khứ gửi cho thế hệ mai sau về cuộc sống vật chất và quan niệm phồn thực, khát vọng sinh sôi nẩy nở của con người và vạn vật của cư dân nông nghiệp lúa nước.

Theo tài liệu của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thì thạp đồng Đào Thịnh có niên đại khoảng 2.500 năm. Thạp cao 96cm; đường kính nắp: 64cm; đường kính đáy: 60cm; đường kính thân nơi rộng nhất: 70cm. Thạp là loại hình di vật được phát hiện khá nhiều và khá tiêu biểu trong văn hóa Đông Sơn. Thạp là một trong những đồ đựng của cư dân Đông Sơn, ngoài ra nó còn được dùng trong nghi thức chôn cất người chết. Thạp còn đầy đủ cả thân và nắp.






Bảo vật Quốc gia Thạp đồng Đào Thịnh hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ảnh Cinet





Thạp đồng Đào Thịnh được trang trí từ nắp cho tới chân với hai mô típ chủ đạo: hình người, động vật và hình học. Nắp thạp trang trí bốn khối tượng người gồm 4 cặp trai gái đang giao phối. Trai thì tóc xõa, ngang hông đeo dao găm, đóng khố. Gái thì vận váy ngắn. Có thể người xưa có ý đồ khi đặt các khối tượng ở vị trí trang trọng, trung tâm để nói lên khát vọng sinh sôi, sự phồn thịnh của con người và vạn vật. Thạp đồng Đào Thịnh với bốn cặp tượng nam nữ đã dẫn chúng ta đến kết luận về tín ngưỡng phồn thực của tổ tiên ta vào những thế kỷ trước Công nguyên, và những nghi thức rước Nõ Nường cũng đã xác định sự tồn tại của tín ngưỡng này trong nhân dân ta cho đến những thế kỷ gần đây. Ngoài ra, trên nắp thạp còn trang trí 8 hình chim mỏ dài chia thành 4 đôi bay ngược chiều kim đồng hồ và một số hoa văn dạng hình học.

Thân thạp có hình khắc sáu chiếc thuyền mũi cong có nhiều người mặc y phục cài lông chim đứng trên sàn thuyền. Giữa lòng thuyền đựng một pháo đài, trên có một người đang cầm cung trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Những người còn lại đều đứng trên sàn thuyền với các loại vũ khí: cung, giáo, lao, rìu chiến, dao găm theo thứ tự ai sử dụng vũ khí đánh xa thì đứng đằng trước, vũ khí đánh gần đứng giữa và vũ khí phòng vệ đứng sau cùng. Ngoài hoa văn trang trí người và thuyền, thân thạp còn trang trí một số hoa văn động vật như: chim đang bay, cá sấu cặp đôi và nhiều băng hoa văn hình học…

Khi được phát hiện, thạp nằm nghiêng, miệng quay ra sông, ở độ sâu 5 mét, trong thạp có 1 thạp nhỏ chứa đinh đồng, quặng đồng; 1 miếng gỗ mục nát, một vật 'lầy nhầy'. Về sau quặng xỉ đồng được xác định là những mảnh của vòng đồng bị gỉ vón kết lại, chất 'lầy nhầy' được xem là dấu vết của hài cốt ( tuy nhiên điều này chưa được xác định rõ) Ở đây còn tìm thấy 1 răng người rơi ra ngoài cạnh thạp còn xanh xỉ đồng bám vào. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là một mộ táng quan tài bằng thạp đồng, được chôn cất theo lối hỏa táng.

Cho đến nay vẫn còn những giả thuyết được đặt ra về sự hình thành những chiếc thạp đồng, tuy nhiên đa số các nhà nghiên cứu đều cho rằng: Thạp đồng được tạo ra để chứa những vật phẩm quý. Khi chủ nhân của chiếc thạp qua đời, thạp được dùng làm quan tài chôn xác…

Nếu như trống đồng thời kỳ Đông Sơn được tìm thấy phân bố ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác (nguồn gốc trống từ Việt Nam) thì Thạp đồng chỉ được tìm thấy ở Việt Nam và rất ít ở Trung Quốc. Cho tới nay, theo thống kê thì có tổng cộng 250 chiếc thạp được tìm thấy, trong đó có 235 chiếc tại Việt Nam còn lại 15 chiếc được tìm thấy ngoài Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy thạp đồng là hiện vật vô cùng quan trọng thuộc về cư dân văn hóa Đông Sơn. TS.Phạm Quốc Quân – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết: Có 3 lý do chính để thạp đồng Đào Thịnh trở thành bảo vật quốc gia. Thứ nhất, nó là độc bản. Thứ hai, nó có giá trị thẩm mỹ cao. Thứ ba, nó là hiện vật tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử. Thạp đồng Đào Thịnh tiêu biểu cho văn hóa Đông Sơn ở Bắc Việt Nam.












Cận cảnh các phần của Thạp đồng Đào Thịnh..





Bài & ảnh: Lan Hương

Theo cinet.vn

View more random threads: