Tác phẩm Vệ quốc quân 1946



(Cinet) – Là một trong bốn danh họa hàng đầu của Việt Nam, Danh họa Tô Ngọc Vân còn được biết đến như là người thầy lớn của nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, danh họa Tô Ngọc Vân học khóa II Trường Mỹ thuật Đông Dương ( 1922-1931), ông là người có công đầu trong việc ứng dụng sử dụng chất liệu sơn dầu ở Việt Nam. Thường được nhắc đến trong danh sách “bộ tứ” hàng đầu của nền hội họa Việt Nam là: nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn nhưng họa sĩ Tô Ngọc Vân còn được biết đến như là một người thầy lớn của nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam.

Sở dĩ ông được coi là người thầy lớn của nền cách mạng Việt Nam bởi ông đã có rất nhiều đóng góp trong trận chiến Điện Biên Phủ. Sau cách mạng tháng Tám thành công, trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam được mở cửa lại và họa sĩ Tô Ngọc Vân đã được bổ nhiệm vị trí Hiệu trưởng của trường.

Năm 1946, đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, họa sĩ Tô Ngọc Vân cùng nhiều nghệ sĩ đã lên chiến khu tham gia kháng chiến trường kỳ. Năm 1950, sau những nỗ lực vận động, Trường Cao đẳng Mỹ thuật tiếp tục khai giảng với khóa 21 sinh viên, khóa học này đặc biệt được gọi là Khóa Kháng chiến.

Trong suốt quãng thời gian làm thầy giáo, ông đã dạy dỗ, đào tạo cho Việt Nam nhiều họa sĩ tài hoa trong đó có thể kể đến những tên tuổi như: Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Mai Văn Hiến, Dương Bích Liên, Phan Kế Anh, Ngô Mạnh Lân, Trần Lưu Hậu…

Đến bây giờ, các hệ thầy trò tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam vẫn kể lại cho nhau nghe về sự đóng góp cũng như hoàn cảnh hy sinh của ông trên chiến trường. Sau chiến thắng lẫy lừng của quân đội nhân dân Việt Nam tại Điện Biên Phủ, trên chiến tuyến thời điểm đó, quân địch vẫn chưa rút quân hoàn toàn mà vẫn tiếp tục bắn phá về phía ta. Lúc đó trên đường đi làm nhiệm vụ, họa sĩ Tô Ngọc Vân được phép sử dụng ô tô nhưng ông đã khước từ quyền lợi đó để đi cùng đoàn bộ đội. Ông muốn có được cái nhìn chân thực nhất về một nghệ sĩ cách mạng để phục vụ cho công việc ký họa và ông đã hy sinh trong một cuộc dội bom của địch tại Ba Khe, Sơn La.






Tác phẩm Hồ Chủ tịch làm việc tại Bắc Bộ Phủ 1946





Với những kiến thức được học tại trường và tài năng bẩm sinh, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã sáng tác những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao và là nền tảng vững chắc của nền mỹ thuật Việt Nam.

Cùng với Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn, ông là bộ tứ danh họa hàng đầu của nền hội họa Việt Nam. Ông cũng là một trong những họa sĩ đầu tiên được vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay tại Bắc Bộ Phủ. Các sáng tác của ông tập trung vào 2 mảng chính đó là hình ảnh người chiến sĩ, tinh thần chiến đấu trong kháng chiến và hình ảnh thiếu nữ Việt Nam.






Tuyệt tác Hai thiếu nữ và em bé của danh họa Tô Ngọc Vân đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2013





Những tác phẩm tiêu biểu được biết đến rộng rãi của danh hoa Tô Ngọc Vân gồm: Hồ Chủ tịch làm việc tại Bắc Bộ Phủ ( sơn dầu 1946); Nghỉ đêm bên đường ( sơn mài 1948); Hai Chiến sĩ ( màu nước 1949); Xưởng quân giới ( sơn dầu 1951); Vệ quốc quân ( bột màu 1954); Thiếu nữ bên hoa huệ ( sơn dầu 1943); Hai thiếu nữ và em bé ( sơn dầu 1944); Thiếu nữ bên hoa sen ( sơn dầu 1951);



Những giải thưởng của danh họa Tô Ngọc Vân

Bằng danh dự của triển lãm Thuộc địa Paris năm 1931

Bằng khen danh dự tại triển lãm của Hội họa sĩ Pháp, Paris năm 1932

Giải nhất triển lãm Mỹ thuật Toàn Quốc năm 1954

Huân chương Độc lập Hạng Nhất

Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận tác phẩm “Hai thiếu nữ và em bé” do danh họa Tô Ngọc Vân sáng tác là Bảo vật quốc gia năm.







NLH



Theo cinet.vn