Tác phẩm Tháng Năm của họa sĩ Nguyễn Việt Anh. Ảnh Lan Hương-Cinet



(Cinet) – “Sơn ta” là một chất liệu truyền thống của Việt Nam được dùng để vẽ tranh sơn mài. Nhiều năm nay với những lý do khác nhau chất liệu này ít được dùng đến. Tuy nhiên, tại cuộc triển lãm mới được tổ chức gần đây, sơn ta lại một lần nữa tỏa sáng qua những tác phẩm sơn mài ấn tượng.

Để có những cái nhìn toàn diện, cần phải hiểu sơn ta là một chất liệu dùng để vẽ tranh sơn mài, nhưng khác với những loại sơn khác, sơn ta hoàn toàn thuần Việt. Thực tế, tranh sơn mài Việt Nam ra đời bắt đầu từ sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật của nghề sơn ta truyền thống tại Việt Nam. Năm 1930, một nhóm họa sĩ Việt Nam học tại trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi và phát hiện thêm các vật liệu khác như: vỏ trứng, ốc, cật tre…và đặc biệt có thể kết hợp với kỹ thuật mài để tạo nên những bức tranh sơn mài thực sự. Thuật ngữ sơn mài và tranh sơn mài cũng được định hình từ đó.

Nhiều năm nay, tranh sơn mài sử dụng nguyên liệu là sơn Nhật bởi sơn ta có nhiều hạn chế trong đó có việc dễ gây tác động phụ cho người sử dụng như bị “sơn ăn”. Bên cạnh đó, sơn ta còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khi không khí có độ ẩm cao thì sơn nhanh khô còn khi thời tiết khô ráo thì lại lâu khô. Trong khi đó, sơn Nhật lại rất nhanh khô và có thể sử dụng trong mọi môi trường, thời tiết vì vậy sơn ta ngày càng ít được lựa chọn sử dụng. Tuy nhiên, nếu xét về yếu tố nghệ thuật thì sơn ta vẫn được ưa chuộng hơn bởi sự công phu trong quá trình thực hiện và khi hoàn thành, tác phẩm từ sơn ta luôn có chiều sâu cũng như độ sắc nét hơn so với các loại sơn khác.

Với mong muốn gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị của chất liêu sơn ta thuần Việt. Tháng 5 năm 2013, một nhóm các họa sĩ chuyên sáng tác tranh sơn mài bằng chất liệu thuần Việt đã tự nguyện liên kết và lập nên Nhóm Họa sĩ Sơn ta Việt Nam. Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 1 năm thành lập, nhóm Sơn ta đã tổ chức triển lãm “Triển lãm nhóm họa sĩ sơn ta lần thứ II” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Hầu hết các họa sĩ tham dự triển lãm đều có tuổi đời rất trẻ nhưng họ đã sớm định hình được phong cách của riêng mình. Mỗi người một cá tính, một phong cách, một quan điểm nghệ thuật khác nhau những đã đều tìm thấy một tình yêu chung đó là “sơn ta”.

29 tác phẩm tham dự triển lãm sơn ta lần thứ II này đã mang lại cho người xem ấn tượng mạnh cũng như hiểu hơn về giá trị của chất liệu sơn ta truyền thống.















Ảnh từ trên xuống: Sen của họa sĩ Nguyễn Nghía Đậu; Nhịp Nẵng của Nguyễn Văn Nghĩa; Một chút quê của Đỗ Đức Khải và Lên Đồng của Nguyễn Trọng Toàn.. Ảnh Lan Hương-Cinet





Đến với triển lãm, người xem đều ngỡ ngàng và rung động trước những hình ảnh rất đời thường, rất gần gũi những đã biến hóa trở nên ấn tượng và có chiều sâu khi được chuyển tải trên tranh sơn mài từ chất liệu sơn ta như: phố phường Hà Nội qua tác phẩm Cầu Thê Húc của họa sĩ Trần Thị Ngọc Anh và Tháng Năm của Nguyễn Việt Anh; hình ảnh làng quê với Phong cảnh của họa sĩ Chu Việt Cường và Nhịp nắng của Nguyễn Văn Nghĩa; rất gắn bó, gần gũi với người dân Việt Nam từ thành thị đến nông thôn là hình ảnh Cổng làng của Lê Tiến Trường và Một Chút Quê của Đỗ Đức Khải; cảnh lao động sinh hoạt đời thường của người dân Việt Nam được thể hiện qua tác phẩm Đi đâu, Về Đâu của họa sĩ Nguyễn Đức Việt và Vó Đêm của Trần Tuấn Long; các loại hình nghệ thuật dân tộc đặc sắc của Việt Nam cũng được thể hiện qua tác phẩm Vở Rối nước của họa sĩ Công Quốc Thắng và Lên Đồng của Nguyễn Trọng Toàn, loài hoa vô cùng gần gũi và gắn bó với người Việt đó là hoa sen cũng được thể hiện tài tình, duyên dáng trên tác phẩm Sen của họa sĩ Nguyễn Nghĩa Đậu và Hoa Sen của Nguyễn Hải Nam.…









Những phần được dát vỏ trứng, rắc thếp vàng, bạc...sau đó được mài vô cùng tinh tế trên các tác phẩm. Ảnh Lan Hương - Cinet





Có thể nói nét độc đáo của tranh sơn mài chính là ở chỗ: Tranh sơn mài có hội đủ Ngũ hành, trong đó “Kim” là vàng và bạc; “Mộc” là vóc gỗ và nhựa sơn; “Thủy” là nước để mài tranh; “Hỏa” là lửa để nướng vỏ trứng và vỏ trai; và cuối cùng “Thổ” là khoáng chất tự nhiên như đất, đá được nghiền ra và được chế biến thành các màu như son nhì, son trai, son tươi, son thắm...Quá trình vẽ tranh sơn mài, từ trên nền vóc (tấm gỗ được hom, bó, sơn phủ sơn ta), họa sĩ gắn những lớp vỏ trứng, trai và những lớp màu được pha với Sơn ta chồng lên nhau kèm theo những công đoạn rắc, thếp vàng, bạc... rồi ủ trong môi trường ẩm, để khô sơn sau đó mới đem mài. Khi mài tranh cũng là quá trình sáng tác của người họa sĩ, bởi người họa sĩ cần phải biết mài có chỗ nông hay sâu để hiện lên các lớp mảng màu, hình, nét... mà người họa sĩ cần giữ để có tác phẩm đẹp. Quá trình này đôi khi tạo ra nhiều hiệu quả bất ngờ, những vỏ trứng, son, màu, vàng, bạc chìm nổi trong một thứ ánh sáng hổ phách tạo nên sự kỳ ảo của màu sắc.

Các tác phẩm tham gia triển lãm sơn ta lần thứ II này, tuy không đa dạng về chủ để mà đa phần xoay hình ảnh của làng quê, khai thác vẻ đẹp của người thiếu nữ và của hoa, những phong cảnh đẹp và nét truyền thống của dân tộc. Song, triển lãm vẫn mang lại những điều thú vị, đặc sắc, hấp dẫn với người xem bởi các tác phẩm tham gia triển lãm ngoài giá trị về mặt mỹ học, đó còn là tâm huyết của nhiều họa sĩ muốn gìn giữ chất liệu truyền thống của dân tộc. Đồng thời qua triển lãm, người xem có thể có cái nhìn sâu sắc hơn về tranh sơn mài nói chung và chất liệu sơn ta nói riêng. Bên cạnh đó, qua cách sử dụng chất liệu vô cùng tinh tế khi kết hợp cả vỏ trứng, son, bạc chìm…cùng với kỹ thuật mài công phu, các tác phẩm tại triển lãm đã đưa người xem đi qua những mảng sáng tối, sắc nét từ cái nhìn ban đầu để hiểu được hết ý tưởng, nội dung mà tác phẩm gửi gắm..

Được biết, sau khi triển lãm “Nhóm họa sĩ sơn ta lần thứ II” kết thúc vào ngày 30 tháng 5. Đầu tháng 6 tới, nhóm Sơn ta sẽ tham gia triển lãm giao lưu văn hóa tại Liên Bang Nga; và triển lãm tại bắc Kinh vào tháng 8/2014. Dự kiến nhóm sẽ thực hiện “Triển lãm nhóm họa sĩ sơn ta lần thứ III” vào tháng 5/2015.

NLH



Theo cinet.vn