Tác phẩm 'Lo lắng số 2' của Đào Tiến Đạt

đoạt HCV FIAP 2013-Thụy Điển và HCV PSA 2013-Phần Lan



(Cinet)- Vừa qua, website chính thức của Hội Nhiếp ảnh Hoa kỳ đã công bố danh sách những nhiếp ảnh gia xuất sắc thế giới năm 2013, trong đó có hai tác giả Việt Nam là Đào Tiến Đạt và Trần Phong. Sự kiện này lại một lần nữa khẳng định vị thế của nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam trên thế giới.

Từ những năm đầu thế kỷ 20, nhiếp ảnh được du nhập từ bên ngoài vào Việt Nam và quá trình phát triển luôn luôn gắn liền với sự phát triển của khoa học công nghệ như quang học, cơ học, tin học... Tuy nhiên, bộ môn nghệ thuật này lại dễ hiểu, gần gũi và đến với công chúng nhanh nhạy và phổ cập nhất, đồng thời số lượng người tham gia sáng tác cũng tương đối lớn. Trong tất cả các bộ môn nghệ thuật của nhân loại, có lẽ nhiếp ảnh là ngôn ngữ nghệ thuật chung nhất, không phân biệt tiếng nói, màu da, chữ viết, dân tộc và chế độ chính trị...

Ngày 15/3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 147/SL thành lập Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam với mục đích: 'Tuyên truyền chính sách, chủ trương của Chính phủ; nêu cao những thành tích, những gương chiến đấu anh dũng của quân và dân Việt Nam; giới thiệu đời sống và thành tích đấu tranh, kiến thiết của nhân dân nước bạn; giáo dục văn hóa và chính trị cho nhân dân'. Đây là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự phát triển và định rõ hướng đi cho nhiếp ảnh Việt Nam, đồng thời tạo nền móng cho sự phát triển rực rỡ của ngành nhiếp ảnh và điện ảnh Việt Nam sau này.

Từ chỗ chỉ có một vài cơ quan nhiếp ảnh trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đến nay, chúng ta đã có đội ngũ nhiếp ảnh tương đối hùng hậu với hàng nghìn hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, hội viên chuyên ngành nhiếp ảnh của các tỉnh, thành phố, phóng viên, biên tập viên ảnh của các báo, các bảo tàng, các nhà xuất bản, các cơ quan đơn vị và hàng trăm câu lạc bộ nhiếp ảnh ở khắp các địa phương... Hàng năm, có tới hàng chục nghìn bức ảnh về đất nước con người Việt Nam được xuất bản trên khắp các châu lục, phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền đối ngoại...






Tác phẩm 'Bạn số 2'





...và 'Đường phèn kết tơ' của Nhiếp ảnh gia Đào Tiến Đạt





Chất lượng các tác phẩm ngày một nâng cao, phù hợp đời sống văn hóa đất nước, đậm đà tính dân tộc và hội nhập một cách tích cực trong sự phát triển chung của nhiếp ảnh thế giới. Nhiều tác giả nhiếp ảnh Việt Nam đã đoạt các Huy chương vàng, bạc, đồng tại các cuộc thi ảnh quốc tế. Trong những năm 2006, 2008 và năm 2010, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đều nhận được Cúp thế giới, Giải thưởng Ðặc biệt xuất sắc và Huy chương vàng của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế (FIAP). Cho đến nay, nhiếp ảnh nước ta đã có hai hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam được phong tước hiệu Nghệ sĩ Nhiếp ảnh bậc thầy quốc tế (MFIAP), hơn 40 hội viên được phong Nghệ sĩ Ưu tú quốc tế các hạng (EFIAP), hơn 100 người được phong Nghệ sĩ Nhiếp ảnh quốc tế (AFIAP).

Quả thực, nhiếp ảnh Việt Nam tiến bộ rất nhanh và đã mang lại những thành quả đáng tự hào. Ví như chỉ tính riêng trong năm 2013 đã đạt đến 120 giải thưởng, đó là nghệ sĩ Đào Tấn Đạt ở Bình Định. Đây là sự nỗ lực rất lớn cũng như niềm say mê nghệ thuật và cống hiến hết mình vì nghệ thuật của các tác giả.

Hiện nay, các tổ chức quốc tế khi tổ chức cuộc thi đều gửi thể lệ thi và mong muốn Việt Nam tham gia vào các cuộc thi này. Điều đó cho thấy, nhiếp ảnh nước ta hội nhập, phát triển rất tốt, bạn bè quốc tế cũng trân trọng tài năng và các tác phẩm của chúng ta.









Hai tác phẩm 'Đua voi' và 'Giúp mẹ' của tác giả Trần Phong





Qua thực tế phải khẳng định rằng, với bất cứ loại hình nghệ thuật nào, để đạt được thành tích, có được tác phẩm tốt, người nghệ sĩ đều phải đầu tư nhiều công sức sáng tạo, phải đổ nhiều mồ hôi, thậm chí cả máu và nước mắt. Nghệ thuật nhiếp ảnh không nằm ngoài đòi hỏi ấy. Để có được tác phẩm tốt, nhà nhiếp ảnh phải đầu tư rất nhiều: từ tiền bạc đến trí tuệ. Không những thế, họ còn phải có được “may mắn trời cho”, để ống kính “bắt kịp” những “khoảnh khắc” vô giá...

Trong từ điển, đẳng cấp thế giới (world class) hay còn gọi là đẳng cấp quốc tế có nghĩa là: “được xếp hạng trong số những gì tốt nhất, lỗi lạc nhất, được coi là hàng đầu trên toàn thế giới”. Từ định nghĩa đó có thể suy ra, với chuyên ngành nhiếp ảnh, các tác phẩm được giải thưởng tại các cuộc thi ảnh quốc tế là đạt ngưỡng đẳng cấp quốc tế.

Điểm qua một số tác phẩm nhiếp ảnh Việt Nam đoạt giải quốc tế trong năm 2013 có thể thấy rằng thành tích qua một năm phấn đấu thật đáng để tất cả mọi người cùng nhìn lại và tôn vinh: “Giai điệu Tây Nguyên” - HCB FIAP trong cuộc thi Orhan Holding tại Thổ Nhĩ Kỳ; “Mùa khô” - Giải đồng hạng Asahi Shimbun tại Nhật Bản; “Chung lối về” - HCV PSA cuộc thi ảnh quốc tế lần thứ 1 tại Serbia; “Thiếu nữ” - HCĐ FIAP cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 15 tại Trung Quốc; “Dáng quê” - HCV cuộc thi ảnh mang tên Tiến sĩ Gibson Hill tại Singapore; “Đón ánh bình minh” - HCV ISF; “Đưa cháu đến trường” - Bằng Danh dự FIAP; “Quán ăn trên sông” - HCĐ FIAP cuộc thi ảnh “Du lịch lữ hành 2013” tại Hungary; “Thu hoạch muối” - Bằng Danh dự FIAP tại Ukraina, Huy chương đồng hạng trong cuộc thi lần thứ 60 tại Singapore, HCB cuộc thi lần thứ 3 VNUSPA tại Mỹ; “Cánh diều” - HCB UPI salon Zesu trong cuộc thi quốc tế lần 1 Olympic tại Hy Lạp...



[IMG]/userfiles/image/2014/nh 1. ho+áng hiß+çp.jpg[/IMG]


'Bão' của Nguyễn Hoàng Hiệp





'Lễ hội Tây Nguyên' của Nguyễn Nho Giang





'Chung sức' của Lê Duy Hoàng





Trong nội hàm khái niệm “đẳng cấp quốc tế”, Việt Nam có nhiều cái tên đạt tầm đẳng cấp như: Lê Hồng Linh, Hoàng Quốc Tuấn, Duy Anh, Đào Tiến Đạt, Vương Quốc Kim, Hương Vượng, Trần Thiết Dũng, Trần Cao Bảo Long, Hoàng Trung Thủy, Đặng Ngọc Thái, Nguyễn Dần, Lại Diễn Đàm, Phạm Hùng Cường... với các bộ “sưu tập” giải thưởng lên đến vài chục, vài trăm, trong đó có nhiều giải thưởng tại các cuộc thi, tổ chức nhiếp ảnh danh giá.

Không những thế, nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam được các Bảo tàng quốc tế về nhiếp ảnh nghệ thuật danh giá của Tây Ban Nha, Ấn Độ chọn vào bộ sưu tập trưng bày như: “Lớp học vùng cao”, “Con đầu lòng”, “Mẹ và con” (Lê Hồng Linh), “Nón Gò Găng”, “Đơn chiếc”, “Đồ nho” (Đào Tiến Đạt), “Lối về”, “Xuân thì” (Thái Phiên). FIAP cũng từng lựa chọn các tác phẩm của nghệ sĩ Đào Hoa Nữ và Hoàng Quốc Tuấn và mang đi triển lãm luân phiên các nước.

Mong ước của tất cả các nhiếp ảnh gia trên toàn thế giới nói chung cũng như Việt Nam nói riêng là được “so kè”, khẳng định tay nghề, tài năng trong các cuộc thi ảnh tầm cỡ quốc tế bởi việc “mang chuông đi đánh xứ người” luôn mang lại nhiều cung bậc cảm xúc khó tả, đặc biệt, khi đoạt giải quốc tế không chỉ là niềm vui, niềm vinh dự cho mỗi cá nhân mà còn là vinh dự cho cả quốc gia. Hiện nay, kỹ thuật nhiếp ảnh Việt Nam đã có nhiều phát triển vượt bậc nhưng có một điều hạn chế là việc tìm kiếm những bức ảnh mang tầm quốc gia, tầm thời đại vẫn còn hơi khó. Điều đó lý giải vì sao với các sân chơi tầm cỡ như Giải báo chí thế giới (WPP), giải thưởng báo chí Pulitzer... Việt Nam chưa hề có giải. Tuy nhiên, với những thành quả như trên, dư luận cũng cần có cái nhìn thiện chí hơn về thành tích đạt được của các nhà nhiếp ảnh, từ đó tạo động lực thúc đẩy sự sáng tạo không ngừng của các tác giả để họ có thêm nhiều đóng góp xuất sắc, từng bước ghi tên Việt Nam trên tấm bản đồ nhiếp ảnh quốc tế.

T.T









Theo cinet.vn