Danh họa Dương Bích Liên và người bạn thân của ông - danh họa

Bùi Xuân Phái




(Cinet) – Mặc dù là một trong bốn tên thuộc “tứ kiệt” của nền hội họa Việt Nam, danh họa Dương Bích Liên có lẽ là người nghệ sĩ cống hiến một cách lặng lẽ và âm thầm nhất.

Dương Bích Liên sinh ra tại Hà Nội trong một gia đình trí thức quan lại. Ông là con trai duy nhất của một quan tri phủ. Với xuất thân từ một gia đình quyền thế và giàu có, ông không theo đuổi con đường chính trị như cha mà lại đam mê nghệ thuật và quyết định theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Ông là một trong những sinh viên cuối cùng của trường, khóa XVIII (1944-1945). Năm 1946, ông cùng nhiều tri thức, văn nghệ sĩ Hà Nội tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1949, ông là một trong số những họa sỹ đầu tiên được kết nạp Đảng tại vùng kháng chiến cùng với họa sỹ Mai Văn Hiến.

Năm 1952, ông được giao trọng trách lên chiến khu sống gần và vẽ về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác phẩm Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc mà ông sáng tác thời gian đó sau này đã đoạt giải nhất tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc và hiện nay được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Dương Bích Liên là người họa sĩ cách mạng đầu tiên trong làng hội hoạ Việt Nam. Không chỉ tài ba, tâm huyết, danh họa Dương Bích Liên rất say mê vẽ, ngay cả trong những ngày chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ diễn ra ác liệt nhất, ông cũng không rời giá vẽ. Sự nghiệp hội hoạ của ông đã để lại khối tài sản quý của kho tàng Mỹ thuật Việt Nam.






Tác phẩm Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc đạt giải nhất tại cuộc thi Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam. Ảnh Hương-Cinet





Tác phẩm Mùa lúa chín được danh họa sáng tác năm 1954 trên chất liệu sơn dầu hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh Hương-Cinet





Trong suốt cuộc đời sáng tác của mình ông đã để lại cho nền mỹ thuật Việt Nam hàng trăm tác phẩm có giá trị. Mặc dù vậy, trong bộ tứ của nền hội họa Việt Nam, có lẽ ông là người ít được biết đến nhất, cũng là người họa sĩ cách mạng lặng thầm nhất.

Người ta nói rằng, trong nhóm tứ kiệt “Sáng, Nghiêm, Liên, Phái” ( Nhất Sáng, nhì Nghiêm, tam Liên, tứ Phái), danh họa Dương Bích Liên đã tự chọn tiếng im lặng trong hội họa làm bạn thân. Ông sống cô đơn, thu mình, lặng lẽ, không gia đình, không vợ con, ít bạn hữu. Sinh thời, ông có rất ít bạn ngoài trừ một vài người thân như danh họa Nguyễn Sáng và Bùi Xuân Phái. Năm 1984, Nhà nước chính thức mời “tứ kiệt” tổ chức triển lãm cá nhân. Nhưng danh họa Dương Bích Liên đã từ chối, vì vậy ông là một họa sĩ không có cuộc triển lãm nào cho riêng mình khi sinh thời.

Có lẽ, niềm đam mê hội họa của Dương Bích Liên đã khiến công quên cả bản thân mình để cống hiến cả đời cho nghệ thuật. Ông tạ thế năm 1988, hưởng thọ 64 tuổi. Năm 2000, Nhà nước đã quyết định phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật cho ông.












Mặc dù sáng tác nhiều đề tài, nhưng đề tài được ông thể hiện nhiều nhất là hình ảnh về phụ nữ. Một số tác phẩm nối tiếng của ông: Thiếu nữ và hoa cúc trắng; Tuyết Mai; Thiếu phụ ( ảnh từ trên xuống)





Mặc dù sáng tác nhiều đề tài, nhưng có đến 2/3 trong số các tác phẩm của ông được vẽ về phụ nữ. Chẳng thế mà người trong giới hội họa thường nói “phố Phái, gái Liên”. Người phụ nữ trong các sáng tác của ông luôn được thể hiện dưới nét vẽ trìu mến, biểu cảm dung dị. Dù là người phụ nữ trung tuổi hay chân dung một thiếu nữ..đều được ông thể hiện một cách nhuần nhuyễn, siêu thoát và chân thực.

Nhưng tác phẩm của ông để lại cho nền hội họa Việt Nam cho đến nay, dù vẽ về thiên nhiên, về cảnh quan hay con người cũng đều đầy chất lãng mạn được thể hiện với niềm say mê hội họa cháy bỏng. Tuy vậy, ông lại không dày công cất giữ các tác phẩm của mình, ông đã mong muốn được đốt hết những bức tranh đã vẽ khi chết. May mắn rằng, những người bạn gần gũi và yêu quý ông đã không làm như vậy mà nâng niu cất giữ những tuyệt tác mà danh họa để lại. Chính vì thế mà hàng trăm tác phẩm của danh họa Dương Bích Liên đến nay vẫn còn được lưu giữ cho hậu thế.




Ngày 16 tháng 7, Hội Mỹ thuật Việt Nam long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh danh họa (17/7/1924-17/7/2014). Có thể nói, ông không chỉ là một người nghệ sĩ tài năng, một danh họa của Việt Nam mà còn là một họa sĩ cách mạng đầy tâm huyết. Những tác phẩm nổi tiếng của ông có thể kể đến như: Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, Thiếu nữ và hoa cúc trắng, Thiếu nữ và hoa phong lan, Thiếu phụ, Hai em bé bên sông Hồng, Đi cấy sau mùa lũ…





NLH

Theo cinet.vn