Tác phẩm Thiếu nữ và hoa sen của danh họa Nguyễn Sáng



>> Bài liên quan : Hai bộ tứ của Hội họa Việt Nam - Phần 1

(Cinet) – Nếu như các danh họa trong bộ tứ thứ nhất là những người tiên phong trong làng mỹ thuật Việt Nam thì các danh họa của bộ tứ thứ hai là những nhân vật có nhiều thành tựu và các tác phẩm quan trọng khi còn rất trẻ.

Bộ tứ thứ 2 mà của mỹ thuật Việt Nam gồm có danh họa Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm và Bùi Xuân Phái. Người đời thường gọi ngắn lại với tình cảm và sự tôn trọng là “nhất Sáng, nhì Liên, tam Nghiêm, tứ Phái”.

Bốn danh họa trong bộ tứ thứ 2 được biết đến bởi họ đã có những tác phẩm vô cùng quan trọng và những thành tựu rất đáng nể ngay khi còn rất trẻ. Tồn tại với thời gian đã hơn nửa thế kỷ thử thách, mỗi danh họa, mỗi con người đều có một cuộc đời dữ dội, một định mệnh của thiên tài. Trong bộ tứ 2 này đến nay chỉ còn có Nguyễn Tư Nghiêm, còn lại cả 3 người bạn của ông đã đều về với thiên cổ. Nguyễn Tư Nghiêm lừng danh với Điệu múa cổ; Thúy Kiều; Kim Trọng; Những con giáp…Bên cạnh đó, trong bộ tứ, danh họa Dương Bích Liên là cái tên đã có thời gian bị lung lay bởi những người khó tính. Không bởi họ chê tác phẩm của ông mà bởi số lượng tác phẩm ông để lại cho đời không đủ sức thuyết phục. Thậm chí có một cuốn sách của phương Tây khi viết về các danh họa Việt Nam đã gạt bỏ tên ông mà chỉ nêu tên 07 nhân vật còn lại. Mặc dù vậy, người đời vẫn không thể phủ nhận và chối bỏ sự đóng góp của ông. Các tác phẩm của ông có thể không nhiều về số lượng như giá trị mà nó để lại thì không thể đo đếm được. Bởi vậy mà dù đã từng có những ý khác nhau vậy nhưng vị trí của ông là không thể thay đổi và cũng không có thể lựa chọn ai xứng đáng hơn ông.

Nguyễn Sáng

Nguyễn Sáng (1923-1988), là cái tên đầu tiên được nhắc đến trong danh sách bộ tứ thứ 2. Ông tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1942. Tranh của ông được thể hiện ở nhiều thể loại và thể loại nào cũng thành công, từ thể loại chiến tranh, chân dung cho đến các đề tài như phụ nữ, hoa, phong cảnh…Ông cũng là họa sĩ đa tài có thể sử dụng mọi chất liệu nhưng chất liệu mà ông ưa thích nhất chính là sơn mài. Ông đã từng làm cuộc cách tân đáng kể trong cách ứng dụng đưa sơn dầu và nhất là sơn mài vào các tác phẩm hội họa. Cùng với Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm, ông được coi là cây đại thụ của sơn mài Việt Nam. Nếu như Nguyễn Gia Trí đưa sơn mài đến đỉnh cao của những cảnh thần tiên, thì Nguyễn Sáng đẩy sơn mài đến đỉnh cao với những hình ảnh rất đời thường, dung dị. Cũng chính ông là người bổ sung vào sơn mài những mảng màu như vàng, xanh, diệp lục để tạo thêm sự sinh động cho tác phẩm. Những tác phảm nổi tiếng của ông như: Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ; Hành quân đêm mưa; Tháp Phổ minh; Thiếu nữ bên hoa sen; Chọi trâu…









Là cái tên được nhắc đến đầu tiên trong danh sách bộ tứ thứ 2 của mỹ thuật Việt Nam. Nguyễn Sáng được coi là cây đại thụ của sơn mài Việt Nam cùng với Nguyễn Gia trí và Nguyễn Tư Nghiêm. Hai trong số những tác phẩm tiêu biểu của ông hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ ( ảnh trên); Chùa tháp Phổ Minh ( ảnh dưới). Ảnh Hương-Cinet





Dương Bích Liên

Dương Bích Liên (1924-1988), ông tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1945. Là người sống thầm lặng, ông đã chọn cách cống hiến lặng lẽ cho nghệ thuật. Có lẽ cũng vì lý do đó mà đã có những giai đoạn, người ta nghi ngờ vị trí của ông trong “tứ kiệt”. Mặc dù vậy, nếu nhìn vào cuộc đời và sự nghiệp của ông, người ta mới thấy hết được những hy sinh, những cống hiên quên cả bản thân mình mà ông đã dành cho hội họa Việt Nam. Dương Bích Liên là người họa sĩ cách mạng đầu tiên trong làng hội hoạ Việt Nam. Năm 1949, ông là một trong số rất ít họa sĩ đầu tiên được kết nạp Đảng tại vùng kháng chiến. Không chỉ tài ba, tâm huyết, danh họa Dương Bích Liên rất say mê vẽ, ngay cả trong những ngày chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ diễn ra ác liệt nhất, ông cũng không rời giá vẽ. Sự nghiệp hội hoạ của ông đã để lại khối tài sản quý của kho tàng Mỹ thuật Việt Nam dù rằng các tác phẩm của ông không nhiều về số lượng. Tuy sáng tác nhiều đề tài, nhưng có đến 2/3 trong số các tác phẩm của ông được vẽ về phụ nữ. Chẳng thế mà người trong giới hội họa thường nói “phố Phái, gái Liên”. Người phụ nữ trong các sáng tác của ông luôn được thể hiện dưới nét vẽ trìu mến, biểu cảm dung dị. Dù là người phụ nữ trung tuổi hay chân dung một thiếu nữ..đều được ông thể hiện một cách nhuần nhuyễn, siêu thoát và chân thực . Những tác phẩm đáng chú ý của ông có: Bác Hồ ở Chiến khu Việt Bắc; Mùa Lúa chín; Thiếu nữ và hoa cúc trắng; Thiếu phụ…









Trong số những danh họa được xếp vào tứ kiệt của hội họa Việt Nam, danh họa Dương Bích Liên là người ít được biết đến bởi ông sống lặng lẽ và các tác phẩm của ông không nhiều về số lượng. Một trong số ít những tác phẩm ông để lại: Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc ( ảnh trên); Mùa lúa chín ( ảnh dưới). Ảnh Hương-Cinet





Nguyễn Tư Nghiêm

Nguyễn Tư Nghiêm sinh năm 1922, tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1946. Ngay từ khi đang học năm thứ 3, ông đã gây chú ý trong giới hội họa với tác phẩm Người gác Văn Miếu, tác phẩm này đã dành được giải nhất tại Salon Unique năm 1944. Nếu như nói Dương Bích Liên lặng lẽ thì có lẽ ông chính là người bạn đồng hành trên con đường nghệ thuật lặng lẽ này. Suốt hơn nửa thế kỷ lao động, sáng tác, cống hiến cho nghệ thuật, ông không mấy khi xuất hiện ở những nơi chốn đông người, chẳng mấy khi tham gia các sự kiện kể cả trong lĩnh vực mỹ thuật, hội họa. Chẳng thế mà nói đến tên ông, người đời tưởng như ông đã là “người của muôn năm cũ”. Các tác phẩm của ông luôn được giới sưu tầm tìm kiếm, và tất nhiên được trả giá rất cao. Vậy nhưng ông không bán mà giành cả những tác phẩm đó cho người vợ - tình yêu duy nhất của đời ông sau hội họa. Không bán tranh để lấy tiền phục vụ nhu cầu cuộc sống, vì thế mà đến nay ông vẫn sống rất giản dị trong căn nhà trong ngõ tại Hà Nội. nay đã hơn 90 tuổi, ông vẫn dành từng ngày trong cuộc đời mình để vẽ tranh, để sáng tác. Các tác phẩm nổi tiếng của ông có thể kể đến như: Người gác Văn Miếu; Cổng làng Mông Phụ; Xuân Hồ Gươm; Điệu múa cổ; Kim Vân Kiều; Mười hai con giáp; Gióng…









Hơn nửa thế kỷ sáng tác, cống hiến cho nghệ thuật.,nay dù đã ngoài 90 tuổi, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm vẫn dành từng ngày trong cuộc đời mình để sáng tác. Các tác phẩm của ông phần nhiều được lưu giữ tại nhà và bảo tàng cá nhân.. Một số tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam như: Gióng ( ảnh trên); Xuân Hồ Gươm ( ảnh dưới). Ảnh Hương-Cinet





Bùi Xuân Phái

Bùi Xuân Phái (1920-1988), ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1946 cùng năm với danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Nếu chỉ bàn về tính phổ cập thì có lẽ trong danh sách cả hai bộ tứ, Bùi Xuân Phái là nhân vật được biết đến nhiều nhất. Sở dĩ như vậy là bởi ông nổi tiếng với tranh Phố, một đề tài vô cùng gần gũi, thân thuộc với người Hà Nội. Bên cạnh đó, những tác phẩm của ông cũng được sử dụng để làm hình ảnh cho các bài hát, minh họa cho các bài viết về Hà Nội hay cho những gì thuộc về ký ức, về hoài niệm nhiều nhất… cõ lẽ vì vậy mà người ta biết nhiều đến tên ông. Tranh phố của Bùi Xuân Phái vừa cổ kính lại rất hiện thực, thể hiện rõ hồn cốt của phố cổ Hà Nội những thập niên 50, 60, 70. Các mảng màu trong tranh phố của ông thường có đường viền đậm nét, phố không những trở thành chính nó mà còn gần hơn với con người, từ bề mặt đến cảnh quan đều có chiều sâu bên trong. Không chỉ có những tác phẩm về phố cổ, ông còn sáng tác những đề tài khác như: chèo, chân dung, tĩnh vật…trên các chất liệu vải, giấy, bảng gỗ, thậm trí cả giấy báo cũ. Tuy nhiên những tác phẩm được yêu thích nhất của ông vẫn là đề tài về phố. Những tác phẩm nổi tiểng được nhắc đến nhiều nhất của ông như: Phố hàng Mắm; Trước giờ biểu diễn; Sông Đà; Đền Phất Lộc; Phố cổ Hà Nội…









Được biết đến nhiều nhất với các tác phẩm về phố cổ Hà Nội. Đến nay những tác phẩm tiêu biểu của ông được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng có nhiều tác phẩm về đề tài phố. Tác phẩm Phố hàng Mắm ( ảnh trên); Đền Phất Lộc ( ảnh dưới). Ảnh Hương-Cinet





Có thể nói, 8 danh họa trong danh sách 02 bộ tứ của hội họa Việt Nam đều là những huyền thoại được sinh ra trong thế kỷ 20. Dù được sinh ra khi đất nước đang chiến tranh, bom đạn nhưng tài năng và tinh thần của họ đã trở thành “bất tử’. Kể từ năm 1975 đến nay đã gần nữa thể kỷ, mỹ thuật Việt Nam chưa có thêm bất kỳ nhân vật nào thực sự kiệt xuất chứ đừng nói rằng chúng ta sẽ có bộ tứ thứ 3. Nhiều người cho rằng có lẽ khi cuộc sống yên bình hơn, hiện đại hơn với nhiều tiện nghi đầy đủ, khát vọng sáng tạo của người nghệ sĩ có chiều hướng giảm bớt. Vì lý do gì thì chưa biết, chỉ biết rằng hơn nửa thế kỷ trôi qua, “hai bộ tứ” của làng hội họa Việt Nam vẫn là những cái tên còn sống mãi trong lòng công chúng. Không chỉ dừng ở tầm vóc quốc gia, 08 danh họa đều là những huyền thoại mang tầm vóc quốc tế và là niềm tự hào của mỹ thuật, hội họa Việt Nam.

Lan Hương









Theo cinet.vn