Bức ảnh gốc Sắc phục Chăm của Đỗ Hữu Tuấn

tham dự cuộc thi ảnh quốc tế ISF 2014



(Cinet)- Những năm gần đây, không chỉ trên các lĩnh vực âm nhạc, văn học, điện ảnh… mà tình trạng vi phạm tác quyền nhiếp ảnh cũng ngày một gia tăng. Điều này đã gióng lên hồi chuông về sự xâm phạm bản quyền tác phẩm, gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình sáng tạo của các nghệ sĩ.

Hồi đầu tháng 9/2014, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã phát hiện vụ xâm phạm tác quyền nghiêm trọng về nhiếp ảnh. Theo đó, đây là số ảnh nghệ thuật đã được các hội viên Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Hội An công nhận tác quyền nay bị in phóng trái phép. Số ảnh lên tới 72 bức với khổ 30x45cm và khổ 60x90cm, chưa kể đến còn 96 bức ảnh khác đang được trưng bày. Trong số đó sơ bộ có ảnh của các nhiếp ảnh Thái Tuấn Kiệt, Trần Đại, Thái Bích Thuận…

Cũng trong tháng 9 lại thêm trường hợp của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Quốc Ân với bức ảnh “Non nước Ba Vì” bị một doanh nghiệp chụp lại rồi sao chép, bán ra thị trường.

Một thực trạng đáng buồn là những vụ việc vi phạm tác quyền nhiếp ảnh gần đây tuy không phải là đầu tiên nhưng mức độ nghiêm trọng đáng để cảnh báo bởi số lượng in phóng các tác phẩm quá nhiều. Phải chăng ngoài mục đích tuyên truyền, tình trạng vi phạm bản quyền ảnh còn có cả mục đích… thương mại?

Cách đây nhiều năm, tại Bạc Liêu, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Thanh Cường là một trong số những “nạn nhân” của hành vi thiếu tính trung thực này, tác phẩm của anh từng bị nhân ra nhiều bản để gửi bán, trong khi chính anh không hề hay biết và tác phẩm cũng không được xác nhận tác quyền. Một NSNA khác cũng bị sử dụng hình ảnh khi chưa có sự đồng ý. Không những thế, các tác phẩm đều dưới dạng khuyết danh. Cũng trong đầu năm 2014, nhiếp ảnh Bá Hân đã từng lên tiếng về việc Công ty Unilever sử dụng bức ảnh “Nụ cười trẻ thơ” của anh trên một chương trình truyền hình.






Bức ảnh đã được cắt cúp có tên Ruminant của ông Bùi Vy Vân tham dự cuộc thi ảnh quốc tế ISF 2014





Tình trạng đạo ảnh, vi phạm bản quyền tác phẩm ảnh hiện nay đã trở thành chuyện khá phổ biến. Thông qua nhiều hình thức như: sao chép trên mạng, chụp lại từ các ấn phẩm... những sáng tác của người cầm máy đã bị sử dụng một cách cẩu thả. Dẫu người sử dụng dùng vì nhiều mục đích khác nhau, có thể chỉ là để tuyên truyền nhưng không thông qua ý kiến tác giả là điều khó chấp nhận được. Hơn nữa, việc sử dụng một cách tùy tiện các tác phẩm được sao chép trên mạng trong khi những tác phẩm này có chất lượng kém đã làm mất giá trị thẩm mỹ thực có của tác phẩm.

Theo quy định của pháp luật thì nhiếp ảnh là một trong những loại hình tác phẩm được bảo hộ bản quyền và bản quyền nhiếp ảnh phát sinh ngay từ khi tác phẩm được sáng tạo ra mà không phải thông qua bất kỳ một trình tự thủ tục pháp lý nào. Do đó về mặt nguyên tắc bạn có thể nhân danh tác giả để đứng ra đòi lại quyền lợi chính đáng của mình bằng cách yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm.



[IMG]/userfiles/image/2014/2 (5).jpg[/IMG]


Bức ảnh Lễ hội khất thực Huyền Không từng gây tranh cãi gay gắt xung quanh vấn đề bản quyền

tác phẩm liên quan đến 3 nghệ sĩ nhiếp ảnh






Tuy nhiên có những trường hợp khi tác giả phát hiện ra tác phẩm của mình bị vi phạm, nhiều người trong số đó đã bỏ qua mặc dù rất bức xúc nhưng không biết kêu ai, một số ít tác giả thì trực tiếp đến gõ cửa các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng ảnh trái phép của mình để đòi quyền lợi chính đáng của mình nhưng bị từ chối.

Truớc tình trạng này, vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị tập huấn các quy định pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan nhằm nâng cao ý thức trong công tác thực thi quyền tác giả đồng thời hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan cho các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương.

Hội nghị đã phổ biến nhiều vấn đề liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan như: các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; tình hình thực thi quyền tác giả, quyền liên quan; tình hình đăng ký về quyền tác giả, quyền liên quan…Bên cạnh đó giới thiệu về các điều ước quốc tế và tình hình hội nhập, hợp tác quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan và phổ biến hướng dẫn thực hiện Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan…






Vụ xâm phạm tác quyền nghiêm trọng về nhiếp ảnh tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam





Hy vọng với những động thái tích cực của các cơ quan quản lý, quyền tác giả, quyền liên quan nói chung cũng như tác quyền lĩnh vực nhiếp ảnh nói riêng sẽ đạt được những kết quả tiến bộ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể.

Nhiếp ảnh là quá trình dùng một thiết bị đặc biệt để ghi lại hình ảnh của vật thể thông qua ánh sáng được phản chiếu từ các vật thể lên giấy hoặc phim nhạy sáng bằng cách canh thời gian phơi sáng. Quá trình này được thực hiện bằng các thiết bị cơ học, hóa học hay kỹ thuật số thường được gọi là máy ảnh hay máy chụp hình. Tuy nhiên, không phải bất kỳ ai sở hữu một chiếc máy ảnh thì đều có thể trở thành một nhiếp ảnh gia. Để có được những bức ảnh đẹp mắt và mang tính nghệ thuật cao, các nhà nhiếp ảnh đã phải đánh đổi bằng cả tâm huyết, thời gian và sự sáng tạo không mệt mỏi của mình. Và mục đích cuối cùng mà tác giả hướng đến là khẳng định tính… độc quyền. Vì vậy, trân trọng tác quyền nhiếp ảnh chính là cách ghi nhận thành quả lao động, những đóng góp của tác giả trong quá trình lao động trí óc. Từ đó, tạo niềm tin và động lực cho người cầm máy tiếp tục cống hiến.

T.T

Ảnh: internet





Theo cinet.vn

View more random threads: