Kiệt tác tranh lụa 'Chơi ô ăn quan' của danh họa Nguyễn Phan Chánh



>>>Bài liên quan: “Thiếu nữ bên hoa huệ” – kiệt tác hội họa Việt Nam đang ở đâu?

(Cinet) – Cùng với tác phẩm “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Tô Ngọc Vân còn có 1 kiệt tác khác của hội họa Việt Nam cũng có số phận long đong đó là tác phẩm “Chơi ô ăn quan” của danh họa Nguyễn Phan Chánh.

Danh họa Nguyễn Phan Chánh sinh năm 1892 tại Hà Tĩnh. Năm 1922, ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm thuộc trường Quốc học Huế. Năm 1925, ông tiếp tục học tại Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Năm 1928, ông bắt đầu sáng tác tranh sơn dầu với tác phẩm đầu tay “Mẹ bầy cho con đan len”, cùng trong năm, ông bắt đầu học vẽ trên lụa Vân Nam. Năm 1931, tác phẩm nổi tiếng “Chơi ô ăn quan” ra đời. Tiếp sau đó là những tác phẩm như: “Cô gái rửa rau”; “Em bé cho chim ăn”; “Lên đồng”; “Vo gạo”...Năm 1955, Nguyễn Phan Chánh được mời giảng dạy tại Trường Mỹ Thuật Hà Nội. Thời điểm này ông tiếp tục sáng tác tranh lụa, nhiều tác phẩm được vẽ trong giai đoạn này sau đó được đánh giá cao như: “Sau giờ trực chiến”, “Rê lúa”; “Bữa cơm mùa thắng lợi”…

Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, danh họa Nguyễn Phan Chánh có 173 tác phẩm hoàn chỉnh, 1/3 số tác phẩm đó hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và gia đình ông. Số còn lại cái đã được bán, cái thì lưu lạc và mất tung tích, đáng tiếc là trong số những bức tranh bị lưu lạc có kiệt tác “Chơi ô ăn quan”. Theo giáo sư sử học Nguyễn Phan Quang (con trai danh họa Nguyễn Phan Chánh) chia sẻ với báo chí: Năm 1938, danh họa Nguyễn Phan Chánh có gửi 14 tác phẩm của ông sang Nhật để triển lãm nhưng vì lý do loạn lạc nên toàn bộ số tranh đã biến mất không còn tung tích. Trong số những tác phẩm sang Nhật triển lãm ngày đó có kiệt tác tranh lụa “Chơi ô ăn quan”.

Nói đến “Chơi ô ăn quan” các nhà phê bình kể cả những người khó tính nhất cũng không thể tìm lấy một lỗi nhỏ. Trên nền lụa mịn màng, trong veo, hình ảnh những chiếc khăn mỏ quạ nâu sòng, bốn đứa trẻ chăm chú, lặng lẽ vào trò chơi của mình. Tất cả những ánh mắt đều tập trung vào bàn tay nhỏ đang bỏ những viên sỏi nhỏ. Chẳng cần phải là người yêu hội họa mới biết đến “Chơi ô ăn quan”, người ta có thể không biết tới “Lên đồng”; Rê lúa”; “Bữa cơm mùa thắng lợi”…nhưng ai cũng đã từng 1 lần nghe nhắc đến hoặc nhìn thấy các phiên bản “Chơi ô ăn quan”. Nhẹ nhàng, bay bổng, trầm ấm và thanh thoát, “Chơi ô ăn quan” gợi cho người xem cảm giác về quá khứ xa xôi, về sự thanh bình, yên ả.

Nhà phê bình Trang Thanh Hiền khi nói về tranh của Nguyễn Phan Chánh đã nhận định: Tranh của ông thể hiện sự chính xác tuyệt vời cho những nghiên cứu hình thể của các em bé, thiếu phụ, cô dân quân. Không gian thấy thị đúng kiểu phương Tây nhưng lại được trải ra trên nền lụa theo lối mặt phẳng hai chiều khái quát như tinh thần phương Đông. Cái tài của Nguyễn Phan Chánh là tạo nên không gian nửa hư, nửa thực..Sự chính xác tuyệt đối về hình thể, cái nửa hư, nửa thực đó được thể hiện hoàn hảo trong “Chơi ô ăn quan”.

Chia sẻ về tác phẩm “Chơi ô ăn quan”, danh họa Nguyễn Phan Chánh từng nói: Một lần tình cờ, thấy các em bé ngồi đánh ô ăn quan, tôi tò mò đứng xem và lấy phác thảo. Sau đó tôi nhờ bà mẹ nói với cô con gái nhỏ ngồi cho tổi làm mẫu. Bố trí các em ngồi chơi là vấn đề bố cục. Ít nhất phải có 04 em chia thành hai phe. Tôi đặt một em bé khoảng chừng hơn mười tuổi ngồi một phía, còn ba cô còn lại ngồi một phía. Bố trí lệch như thế mới phải, không thể chia đều mỗi bên hai em sẽ thành ra bố cục rời rạc. Bố cục bên 01, bên 03 như vậy để cả bốn tập trung vào chơi…Tôi cho cô nhỏ nhất đánh đầu tiên…






Danh họa Nguyễn Phan Chánh cùng với tác phẩm Chơi ô ăn quan





Sự tỉ mỉ trong cách tạo hình, bố cục, lựa chọn màu sắc và sự khéo léo, tinh tế tuyệt đối trong việc sử dụng chất liệu, biến hóa màu sắc đã mang đến cho “Chơi ô ăn quan” giá trị nghệ thuật đặc biệt.

Không quá khi nói rằng, bức tranh bị thất lạc là một tổn thất không chỉ với gia đinh danh họa Nguyễn Phan Chánh mà còn đối với ngành mỹ thuật Việt Nam.

Kể từ khi bị thất lạc trên đường sang Nhật triển lãm năm 1938 cho đến tận năm 1953, bức tranh đã ở đâu, lưu lạc nơi nào, do ai sở hữu không ai biết. Mãi đến khi nhà sưu tập Đức Minh sang Paris (năm 1953), trong một ngày đi dạo thăm quan cửa hàng đồ cũ, ông đã vô tình nhìn thấy một bức tranh có xuất xứ Việt Nam. Ông đã mua ngay và trở thành chủ nhân của tác phẩm “Chơi ô ăn quan” kể từ đó.

Nhà sưu tập Đức Minh nổi tiếng là một người yêu nghệ thuật và là nhà sưu tập lớn. Phòng trưng bày tranh(Gallery) Đức Minh nổi tiếng từ hồi Pháp thuộc. Ông Đức Minh (Bùi Đình Thản, 1920 –1983) bắt đầu chơi tranh từ năm 23 tuổi. Trong suốt cuộc đời mình ông đã sưu tập được hơn 1.000 tác phẩm của 50 danh họa Việt Nam với nhiều tên tuổi bậc thầy trong làng hội họa như: Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm… Vốn là một thương gia nổi tiếng ở Hà Nội, ông giao du rộng với các họa sĩ, và sớm có ý thức sưu tập tranh. Những năm 1960, khi các họa sĩ nổi tiếng có cuộc sống khá chật vật, không đủ màu để vẽ thì ông Đức Minh bỏ tiền ra mua tranh. Nhiều bức được vẽ tại chỗ, bên bàn cà phê và chưa kịp ký tên. Ông sưu tập tranh đúng nghĩa của một nhà sưu tập, vì chưa bao giờ ông bán một bức nào.

Với tình yêu lớn dành cho nghệ thuật, hội họa, năm 1965, ông Đức Minh đã đề nghị nhượng toàn bộ số tranh, trong đó có kiệt tác “Chơi ô ăn quan” cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chỉ với điều kiện: Bảo tàng phải lập một gian trưng bày riêng, nói rõ xuất xứ tranh của nhà sưu tập Đức Minh tặng bảo tàng. Tuy nhiên, do quan niệm thời kỳ đó tranh là tài sản của nhà tư sản nên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã không nhận.

Năm 1983, khi nhà sưu tập Đức Minh qua đời, bộ sưu tập tranh vô giá của ông trở thành tài sản thừa kế được chia cho các con của ông. Có người giữ tranh, có người đã bán đi những bức tranh vô giá trong bộ sưu tập của cha mình với giá dễ mua vì thế mà nhà sưu tập Hà Thúc Cẩn ( Việt kiều ở Hồng Kông) đã mua được rất nhiều tranh trong đó có 2 kiệt tác là “Chơi ô ăn quan” và “Thiếu nữ bên hoa huệ”.

Năm 2003, khi ông Hà Thúc Cẩn mất, con trai ông tiếp tục bán lại bộ sưu tập của cha mình. Được biết ngày đó, kiệt tác “Thiếu nữ bên hoa huệ” của danh họa Tô Ngọc Vân đã được bán với giá 75.000 USD. Còn kiệt tác “Chơi ô ăn quan” có được bán hay chưa? giá bao nhiêu?...cho đến nay vẫn chưa có lời giải.

Từ nhiều năm qua, những người yêu hội họa Việt Nam vẫn dõi tìm thông tin về các kiệt tác của Việt Nam với hy vọng rằng, những kiệt tác này sẽ sớm được trở lại với công chúng...

Lan Hương







Theo cinet.vn