Mỹ thuật ứng dụng là 'phương tiện' để nhận diện bản sắc văn hóa mỗi quốc gia.

Ảnh minh họa/internet



(Cinet)- Trước những biến đổi từng ngày của đời sống nghệ thuật hiện đại, sự tồn tại và phát triển của ngành mỹ thuật ứng dụng là xu thế tất yếu của lịch sử. Tuy nhiên, để hoạt động mỹ thuật ứng dụng có hướng đi đúng đắn, gìn giữ được bản sắc dân tộc và những giá trị nhân văn lại là một thử thách không dễ dàng.

Nói về Mỹ thuật ứng dụng, bà Đoàn Thị Thu Hương, Phó cục Trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) cho biết: “Trong xu hướng toàn cầu hóa, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin tiếp tục phát triển với những bước tiến nhảy vọt sẽ đưa thế giới từ kỷ nguyên công nghiệp sang kỷ nguyên thông tin và kinh tế tri thức. Mỹ thuật ứng dụng là một trong những nhóm nhành công nghiệp sáng tạo đã được một số quốc gia trên thế giới xem như là “kim chỉ nam” cho Nhà nước để định hướng phát triển kinh tế tri thức. Ngành mỹ thuật ứng dụng luôn đồng hành và gắn chặt với nền kinh tế cơ bản của mỗi quốc gia và đang ngày càng trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế hiện đại dựa vào tri thức hậu công nghiệp. Không chỉ ngành này được xem là sẽ giúp tăng trưởng cao hơn với tốc độ tăng trưởng trung bình và tạo việc làm, mà ngành còn là phương tiện để nhận diện bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia”.

Trên thực tế, những năm qua, quá trình đổi mới, hội nhập đã mở ra nhiều hướng đi và du nhập các luồng nghệ thuật mới cho sáng tạo mỹ thuật. Tuy nhiên, sự giao lưu luôn có tính hai mặt. Nếu như văn hóa truyền thống không có đủ sức “đề kháng” chống lại những trào lưu ngoại lai thì sẽ dẫn đến xói mòn, suy thoái. Chính vì vậy mà đôi khi các nghệ sĩ làm nghệ thuật đương đại đã hầu như “bỏ quên” vốn di sản của cha ông để lại thay vì việc đưa nó vào trong sáng tạo nghệ thuật mới.










Những năm qua, quá trình đổi mới, hội nhập đã mở ra nhiều hướng đi và du nhập các luồng nghệ thuật mới cho sáng tạo mỹ thuật





Giới mỹ thuật cả nước từng có nhiều cuộc hội thảo để bàn về tính dân tộc hiện đại và cách đây nhiều năm đã đưa ra định nghĩa khá thuyết phục với đại ý “…Tính dân tộc có thể được coi là mùi hương của chất mật ong mà “con ong - nghệ sĩ” đã lặn lội, miệt mài để hút nhụy của muôn loài hoa, tích lũy để truyền vào trong tác phẩm của chính mình thứ tinh hoa dường như chất mật ong và mùi hương tuyệt vời ấy…” Chính tính dân tộc là tinh hoa tuyệt vời mà mỗi nghệ sĩ đều suy tư, miệt mài tìm kiếm trong kho tàng văn hóa dân tộc, vốn sống và mong muốn thể hiện được nó bằng ngôn ngữ thị giác trên tác phẩm của mình.

Mỹ thuật ứng dụng bao gồm ba lĩnh vực chuyên sâu: Nghệ thuật Trang trí, Nghệ thuật Thủ công và Nghệ thuật Thiết kế. Đó là những mảnh đất có thể làm bật dậy cái riêng, cái cá tính của mỗi nghệ sĩ và hàm chứa, ẩn tàng tính dân tộc rõ nét khi họ sử dụng ngôn ngữ, chất liệu truyền thống để chuyển tải đề tài, ý tưởng cùng với việc kết hợp các kỹ thuật thể hiện hiện đại. Do vậy, việc nâng cao ý thức thẩm mỹ cho nghệ nhân trong các loại hình nghệ thuật truyền thống chính là góp phần giữ gìn, bảo vệ, phát huy những bản sắc văn hóa dân tộc phong phú độc đáo.

Bản sắc dân tộc trong tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được hiểu là hồn của tác phẩm, vừa mang tính trừu tượng vừa được thể hiện cụ thể. Những thập niên trước đây, tính dân tộc trong mỹ thuật ứng dụng đã được các nghệ nhân, nghệ sĩ ngành thủ công mỹ nghệ quan tâm theo quan niệm truyền nghề của cha ông. Họ vận dụng từ trong tinh hoa văn hóa dân tộc để đưa vào sản phẩm. Chẳng hạn tìm chất liệu của gốm Phù Lãng, gốm Bát Tràng, điêu khắc gỗ Đồng Kỵ, men Pháp Lam, tranh sơn mài Tương Bình Hiệp, gốm Biên Hòa…






Tuy nhiên, bản sắc dân tộc trong nhiều tác phẩm mỹ thuật ứng dụng dường như bị “xâm thực” hay chìm vào quên lãng





Kinh nghiệm từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc đã cho chúng ta tìm thấy sự quan tâm của họ về việc giữ gìn bản sắc dân tộc mang tính chiến lược và được thực hiện liên tục, đầy ý thức trong suy nghĩ của mỗi công dân. Giáo sư Erwinn Andrea, một chuyên gia nổi tiếng của Đức về bộ môn Design (thiết kế) khi sang thăm và giảng dạy tại Khoa Mỹ thuật công nghiệp tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng ở TPHCM vào năm 2009, đã nhấn mạnh đến việc chú trọng bản sắc dân tộc trong mỹ thuật ứng dụng. Đó cũng chính là “căn cước” của nền mỹ thuật công nghiệp dài lâu của một đất nước.

Thế nhưng, với tốc độ phát triển “chóng mặt” của khoa học công nghệ và sự bùng nổ thông tin, bản sắc dân tộc trong nhiều tác phẩm mỹ thuật ứng dụng dường như bị “xâm thực” hay chìm vào quên lãng. Thay vào đó là thương mại hóa mỹ thuật. Chính điều này sẽ gây ra những hệ lụy không nhỏ, đặc biệt là khó khăn trong việc khẳng định “thương hiệu” Việt, “hương sắc” Việt. Các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng hiện nay đang sử dụng hình ảnh từ các điển tích Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; các đồ thờ truyền thống đã bị thay thế bởi đồ mỹ nghệ ngoại nhập; các sản phẩm phục vụ du lịch chưa thể hiện đặc trưng văn hóa dân tộc…, trong khi lịch sử và văn hóa Việt Nam không thiếu những truyền thuyết, điển tích hào hùng, đẹp đẽ.









Chính vì vậy, cần kế thừa, phát huy một cách sáng tạo hình thái nghệ thuật truyền thống để góp phần giữ gìn,

bảo vệ, phát huy những bản sắc văn hóa dân tộc






Cuối tháng 10/2014, Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và Trường ĐH Văn Lang đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Mỹ thuật ứng dụng trên đường tìm về bản sắc Việt”. Cùng với đó là triển lãm “Bản sắc Việt” giới thiệu hàng trăm sản phẩm mỹ thuật ứng dụng mang hồn Việt như: các mẫu lịch thuần Việt, gốm Bát Tràng, tượng danh nhân lịch sử…Tiếp đến tháng 11/2014, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức hội thảo “Mỹ thuật ứng dụng hiện nay và vấn đề biểu tượng trang trí trong quá trình hội nhập ở Việt Nam”. Tất cả những bài nghiên cứu được tập hợp tại các Hội thảo là nỗ lực của Ban tổ chức nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, tìm giải pháp cho thực trạng của mỹ thuật ứng dụng đương đại.

Ngày nay, việc kế thừa, bảo vệ các hình thái nghệ thuật dân gian truyền thống và phát huy, sáng tạo những hình thái nghệ thuật thị giác hiện đại là điều vô cùng cấp thiết để thay thế cho những sản phẩm mỹ thuật, tư tưởng thẩm mỹ ngoại lai đã và đang làm loãng, làm nhạt phai hồn Việt. Nếu làm tốt được điều đó thì các sản phẩm truyền thống đậm đà bản sắc Việt và phong cách đương đại của chúng ta mới chiếm lĩnh được thị phần lớn trong môi trường toàn cầu và hứa hẹn chắc chắn những thành công trong tương lai.

T.T

Ảnh: internet





Theo cinet.vn