Nữ dân quân miền biển. Tranh sơn dầu của danh họa Trần Văn Cẩn hiện

được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam.
Đây là một trong những tác phẩm còn tương đối nguyên vẹn, chưa bị ảnh hưởng

của thời gian, môi trường tuy nhiên rất nhiều tác phẩm không may mắn như vậy

đang cần được phục chế. Ảnh HươngCinet



(Cinet) – Công việc phục chế tranh ở Việt Nam những năm gần đây tuy đã có những khởi sắc song để đạt tới sự chủ động và chuyên nghiệp thì vẫn còn một con đường dài phía trước.

Mỹ thuật Việt Nam sở hữu hàng nghìn các tác phẩm nghệ thuật có giá trị trong số đó có không ít những tác phẩm của các danh họa được thế giới đánh giá cao. Những tác phẩm này phần nhiều đang được lưu giữ và trưng bày tại các bảo tàng, nhiều nhất là tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tuy sở hữu khối tài sản lớn như vậy song phương thức bảo quản tranh, đặc biệt là việc phục chế tranh tại Việt Nam lại rất sơ sài và thiếu chuyên nghiệp. Trước đây, các bức tranh xuống cấp cần phục chế nói chung chỉ được thực hiện theo kiểu tô lại màu rồi sau đó một thời gian ngắn tác phẩm lại trở lại trạng thái hỏng hóc bong chóc, rạn như chưa từng được phục chế.

Còn nhớ vào khoảng thời gian năm 2002-2003, khi bức tranh Em Thúy ( nay đã được công nhận là Bảo Vật Quốc Gia) của danh họa Trần Văn Cẩn bị hư hỏng nặng mà không tìm được ai có đủ năng lực phục chế, không chỉ Bảo tàng Mỹ Thuật lo ngại mà ngành văn hóa cũng đã nhận thấy những bất cập khi thiếu đội ngũ phục chế tranh chuyên nghiệp. Sau đó có một người nước ngoài đã ngỏ ý đưa tác phẩm Em Thúy ra nước ngoài để phục chế nhưng việc này cũng không thực hiện được bởi đây là hiện vật của bảo tàng, lại là một tài sản quốc gia để có thể đưa ra nước ngoài phải thông qua ý kiến không chỉ của Bảo tàng mà còn cần sự thông qua của Bộ Văn hóa và quyết định của Chính phủ.

May mắn là kiệt tác của hội họa Việt Nam cũng đã được cứu với sự hỗ trợ của một tổ chức đến từ Australia. Sau ba tháng làm việc với những kỹ thuật hiện đại cũng các chuyên gia đầy kinh nghiệm, kiệt tác đã “khỏe lại” và được trở lại diện mạo ban đầu.






Nhờ có sự giúp đỡ của một tổ chức Australia mà tác phẩm Em Thúy của danh họa Trần Văn Cẩn đã 'khỏe lại', hiện nay tác phẩm đã chính thức trở thành Bảo Vật Quốc gia.





Khi việc này kết thúc, Bộ Văn hóa – Thông tin ( nay là Bộ VHTTDL) đã ra quyết định thành lập Trung tâm bảo quản tu sửa và Trung tâm thẩm định tác phẩm mỹ thuật. Từ đó đến nay, công tác phục chế tranh ở Việt Nam đã có ít nhiều chuyển biến, mặc dù vậy vẫn còn xa để công việc này trở thành một “nghề” thực thụ. Phục chế tranh tại các nước Châu Âu từ lâu đã có trường đào tạo chuyên sâu trong khi đó ở nước ta thì các trường mỹ thuật còn chưa có khoa, ngành đào tạo về công việc này. Không chỉ có vậy, tuy đã có Trung tâm bảo quản tu sửa song nhân lực của trung tâm vẫn còn thiếu, điều kiện cơ sở vật chất thì thiếu thốn rất nhiều.

Trung tâm Bảo quản tu sửa tác phẩm mỹ thuật hiện nay có 12 thành viên gồm các tổ sơn dầu, sơn mài, điêu khắc và tranh giấy. Tuy nhiên các thành viên tại Trung tâm chưa được đào tạo chuyên nghiệp, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và thực hiện theo lối truyền nghề. Họa sĩ Trần Mạnh Hùng – chuyên viên về chất liệu sơn dầu cho biết: Tổ sơn dầu gồm 5 người, mỗi năm chỉ có thể phục chế được 2-4 tác phẩm, nếu so với 600 tác phẩm sơn dầu tại Bảo tàng thì phải 20 năm mới phục chế, tu sửa được hết trong khi đó nhiều tác phẩm đã hư hại khá nặng. Chưa kể đến, trong số các tác phẩm đó có những kiệt tác mà kỹ thuật phục chế trong nước cũng như nguyên liệu trong nước không thể thực hiện được.

Hơn chục năm qua, nhiều cán bộ của Việt Nam cũng được được ngành văn hóa cử đi học tập kinh nghiệp ở nước ngoài song số lượng vẫn còn hạn chế và cũng chưa thể đạt tới mức thành thục. Những năm gần đây, các tổ chức quốc tế cũng giúp đỡ Việt Nam nhiều về việc đào tạo nhân lực cho việc phục chế. Mặc dù vậy, thực tế khả năng chủ động trong việc phục chế tranh của chúng ta vẫn còn rất hạn chế. Hơn nữa cũng chỉ làm được với tranh sơn mài và tượng, còn tranh sơn dầu và lụa thì hầu như không có biện pháp can thiệp. Chỉ nói đơn cử Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiên nay có hàng trăm bức tranh lụa quý giá, trong đó có cả một bộ sưu tập tranh lụa của danh họa Nguyễn Phan Chánh. Nhiều tác phẩm tranh lụa đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn chưa biết đến bao giờ mới có thể phục chế. Tranh lụa là loại tranh tiêu biểu cho Á Động và cũng là niềm tự hào của hội họa Việt Nam, vậy nhưng khối tài sản vô giá này sẽ giữ được bao năm nữa và sẽ được phục chế thế nào vẫn còn là câu hỏi mà chưa ai dám trả lời chắc chắn.

Mới đâu, câu chuyện các chuyên gia Đức bằng đã phải mang vật liệu, công nghệ từ Đức sang để “chữa bệnh” cho hai bức tranh sơn dầu Việt Nam là tác phẩm Mẹ con của họa sĩ Lê Thị Kim Bạch và Rượu cần của họa sĩ Kà Kha, càng làm cho những người quan tâm đến hội họa và những người làm trong nghề cảm thấy lo lắng, trăn trở: Bao giờ chúng ta mới đạt được sự chuyên nghiệp và bao giờ chúng ta mới có thể chủ động bảo quản, phục chế các tài sản của chúng ta? ( Còn tiếp…)









Hai tác phẩm Mẹ con và Rượu cần mới được phục chế thành công với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế. Ảnh internet





Bài & ảnh: NLH















Theo cinet.vn