(Cinet) - Vượt lên mọi lời khen ngợi, “Hướng về Hà Nội” đích thực là một giai phẩm tình yêu: buồn da diết nhưng không sợ hãi, uỷ mị, thao thiết vật vã nhưng không chết đuối, ấm và trầm lặng, có trường độ và có cao trào tạo nên cảm xúc đột biến đối với người thưởng ngoạn bài hát này.

“Hướng về Hà Nội” là một giai phẩm hào hoa từ giai điệu trầm và mềm mại đến ca từ sang trọng và quý phái. Nó mang dấu ấn sâu đậm của người nghệ sĩ- một người đã sống chết với Hà Nội, một trí thức dòng dõi, một cello, một người làm giao hưởng nổi tiếng.
















Có lẽ sự ám ảnh của giao hưởng đã làm cho “Hướng về Hà Nội” đa dạng như một tổng phổ.

Giai điệu và ca từ của “Hướng về Hà Nội” có ánh sáng (đèn, áo màu, ánh trăng mơ…), có hình, có dáng (dáng huyền tha thiết đê mê, tóc thề thả gió lê thê, dáng chiều ủ bóng thiên nga…), có tiếng động (mây gió đong đưa, tả tơi hoa lá, tiếng guốc reo vui…). Và hơn hết thấy không gian và thời gian trôi qua tâm hồn nhạc sĩ một nỗi niềm Hà Nội, một chia ly, một buồn thăm thẳm, một nuối tiếc tơi bời.

Nghe “Hướng về Hà Nội”, bỗng lắng thấy những ô cửa của phố cổ, thấy 5 cửa ô rêu phong, lắng lòng với những kỷ niệm bám riết vào trí nhớ. Không ở nơi nào rảo bước trên những con đường của 36 phố phường Hà Nội, dưới những tán cây hoa sữa, những tán cây sấu già lại thấy âm vang lịch sử thiêng liêng của 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội.

Trong một tình ca, nhạc sĩ Hoàng Dương có đến 12 lần tả cảnh. 12 lần tả cảnh đúng ảnh Bờ Hồ. Những ca từ tưởng như sáo mòn bỗng thăng hoa một cách thần tiên, cung kính và cổ điển.

  • <li style='text-align: justify;'>Áo màu tung gió chơi vơi;
    <li style='text-align: justify;'>Phố phường dải ánh trăng mơ;
    <li style='text-align: justify;'>Liễu mềm nhủ gió ngây thơ;
    <li style='text-align: justify;'>Dáng huyền tha thướt đê mê;
    <li style='text-align: justify;'>Tóc thề thả gió lê thê;
    <li style='text-align: justify;'>Tả tơi hoa lá;
    <li style='text-align: justify;'>Nước hồ là ánh gương soi;
    <li style='text-align: justify;'>Nắng hè tô thắm lên môi
    <li style='text-align: justify;'>Não nùng mây gió đong đưa;
    <li style='text-align: justify;'>Mái trường phượng vĩ dâng hoa;
    <li style='text-align: justify;'>Chiều ủ bóng thiên nga;
    <li style='text-align: justify;'>Những chiều sương gió dâng khơi;


Ca từ có gió, có mây, có hoa, có lá. Có đến 4 chữ gió mà vẫn không lả lướt, lả lơi. Tả cảnh nhưng thực ra là tả tình người, giãi bày tâm trạng một cách hoa mỹ và tài tình.

Nhạc sĩ Hoàng Dương rõ ràng đã làm bạn với Nguyễn Đình Thi trong “Đất nước” (sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ những phố dài xao xác heo may/ người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy). Ông cũng làm bạn với nhà thơ Quang Dũng (Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ quân xanh màu lá dữ oai hùm/ mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm).

Tôi sinh ra chậm hơn mấy năm sau khi “Hướng về Hà Nội” ra đời. 3 tuổi, nếu gặp may đã được nghe “Hướng về Hà Nội”, 7 tuổi đã là một đứa trẻ lang thang trong 36 phố phường. Nhớ từng mái ngói sóng xô, những con đường nhỏ, nhớ những tổ chim trên nóc phố cổ, cái rạo rực và nóng nực của ve sầu. Cho mãi đến năm 1995, tôi mới may mắn được gặp tác giả của bài hát này- nhạc sĩ Hoàng Dương. Một tài tử vạm vỡ có vẻ đối nghịch với giai phẩm dịu dàng đến thế về tâm hồn Hà Nội. Một người có giọng trầm, hóm hỉnh và đa cảm. Một người cha sinh ra nhiều nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng .

Những năm 1953-1954, Hà Nội chỉ có 53 nghìn người. Có thể đếm được từng người đi qua đường. Có văn hoá đi bộ, đi xe đạp và văn hoá tàu điện. Hà Nội yên bình như một cái hôn. Nhạc sĩ Hoàng Dương chắc là đã phải lòng một dáng huyền nào đấy để trào dâng cảm xúc trong Hướng về Hà Nội. 1 trong tỷ lệ 53 nghìn người quả là đi tìm một cõi hồn quá đỗi hiếm hoi, một thất tình quá đỗi xót thương…

Tài hoa đấy cũng là định mệnh đấy…

Nhà thơ Mai Linh



Theo cinet.vn