Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chỉ huy dàn nhạc tại Lễ khai mạc

Festival âm nhạc mới Á - Âu ngày 08/10 vừa qua



(Cinet) – Khí nhạc Việt Nam vài năm gần đây đã dần khẳng định được vị thế và ngày một tỏa sáng, góp phần khẳng định sự đa dạng của âm nhạc Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.

Tại các quốc gia có lịch sử âm nhạc phát triển như Anh, Pháp, Thụy Điển…sự phát triển của khí nhạc là điều tất yếu. Nhưng ở Việt Nam, khí nhạc mới xuất hiện cách đây khoảng 60 năm. Số tuổi đó nếu so sánh với lịch sử 300 năm của nền giao hưởng thình phòng thế giới thì còn quá non trẻ. Mặc dù vậy, song song với sự phát triển của thanh nhạc thì khí nhạc Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt. Việc định hướng phát triển đúng hướng của ngành văn hóa cũng như việc lựa chọn đào tạo bài bản về sáng tác nhiều năm qua của Việt Nam đã đánh dấu vị trí âm nhạc Việt Nam trên bản đồ âm nhạc khu vực. Bằng chứng rõ nhất là Việt Nam đã được lựa chọn để tổ chức “Festival Âm nhạc mới Á – Âu lần thứ 12”. Đây là lần đầu tiên một quốc gia Châu Á có thể đăng cai tổ chức một sự kiện âm nhạc mang tầm quốc tế, điều này cho thấy sự tin tưởng của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam. Không chỉ tin tưởng ở khâu tổ chức sự kiện mà tin tưởng vào trình độ của các nghệ sĩ nói riêng và nền âm nhạc Việt Nam nói chung.

Ngay trong lễ khai mạc “Festival Âm nhạc mới Á – Âu lần thứ 12” được tổ chức ngày 08 tháng 10 tại Nhà Hát Lớn, Hà Nội. Việt Nam đã chứng tỏ sự trưởng thành cũng như khả năng phát triển khi lựa chọn kết hợp nhạc cụ dân tộc cùng giàn nhạc để tạo hướng đi riêng cho khí nhạc Việt Nam với tác phẩm “Đối thoại”. “Đối thoại” được Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân viết cho đàn bầu và dàn nhạc giao hưởng.









Nghệ sĩ đàn bầu Hoàng Anh Tú trình diễn tác phẩm 'Đối thoại' cùng giàn nhạc giao hưởng tại lễ khai mạc





Các quốc gia như Anh, Pháp, Thụy Điển, Mỹ…có lịch sử âm nhạc rất phát triển, đồng thời có cả sự phát triển về công nghệ âm thanh, thường lựa chọn chú trọng tìm hiệu quả âm thanh trong các nhạc cụ sống. Việt Nam lại có kho tàng âm nhạc truyền thống vô cùng đồ sộ, cùng với đó là sự đa dạng của các nhạc cụ dân tộc, việc lựa chọn kết hợp nhạc cụ dân tộc với giàn nhạc là một lựa chọn không chỉ mới mà còn vô cùng khôn ngoan trong định hướng phát triển khí nhạc Việt Nam.

“Đối thoại” (tên quốc tế Dialogue) được biểu diễn trong lễ khai mạc với sự thể hiện của nghệ sĩ đàn bầu Hoàng Anh Tú cùng dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đã ngay lập tức đã gây xúc động và tạo dấu ấn trong lòng khán giả.

Nói về tác phẩm này, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ: “Đối thoại” là tác phẩm viết cho đàn bầu và dàn nhạc giao hưởng. Đây là một tác phẩm dài hơi gồm nhiều khúc đoạn với những trạng thái âm nhạc khác nhau, có những đoạn sôi nổi, có những đoạn trữ tình, có những đoạn mang tính chất lễ hội. Giai điệu của tác phẩm như sợi dây nối bằng âm thanh của tiếng đàn bầu – một nhạc cụ dân tộc của Việt Nam và cũng độc nhất vô nhị trên thế giới. Ý tưởng của “Dialogue” chính là sự đối thoại, giao hòa giữa âm hưởng của nhạc cụ dân tộc và dàn nhạc quốc tế, giữa nhạc cụ độc tấu với tập thể dàn nhạc, giữa giai điệu dân gian Việt Nam với những cấu trúc về âm nhạc, hòa thanh, tiết tấu của một dàn nhạc tiêu biểu phương Tây. Qua tác phẩm này, tôi muốn vẽ nên một bức tranh phong phú về giai điệu, về màu sắc và có sự đối thoại. Trong tác phẩm cũng có nhiều giai điệu của các vùng miền như dân ca miền Trung, dân ca Bắc bộ, hát Xoan… tạo thành một con đường gắn kết giữa văn hóa và âm nhạc của 2 châu lục.

Mặc dù cho đến nay, khí nhạc của Việt Nam vẫn còn rất non trẻ song với một hướng đi mới, cùng kho tàng âm nhạc dân gian đồ sộ, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng, kỳ vọng vào sự phát triển mạnh mẽ của khí nhạc Việt Nam trong tương lai gần.

NLH







Theo cinet.vn