Hát Xẩm - nghệ thuật của cội nguồn dân gian.



(Cinet)- Sau một thời gian dài vắng bóng trên các sân khấu nghệ thuật, vào những ngày đầu năm 2015, Xẩm trở lại với công chúng Thủ đô và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ khán giả.

Hát Xẩm - 1 thời vang bóng

Hát Xẩm là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo, ra đời đã hơn 700 năm và đã có mặt ở nhiều địa phương miền Bắc. Bên cạnh giá trị nghệ thuật, hát Xẩm còn là loại hình âm nhạc dân gian mang đậm tính nhân văn, thẩm mỹ và giáo dục về đạo đức, lối sống của mọi tầng lớp trong xã hội.

Từ khi ra đời đến khoảng nửa đầu thế kỷ XX, hát Xẩm được gọi với những tên khác nhau như hát rong, hát dạo… Nhưng trên thực tế, hát Xẩm là thể loại âm nhạc dân gian chuyên nghiệp, một lối diễn xướng dân gian độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc ta, với lối kể tích sâu sắc, khéo léo và hấp dẫn. Thời phong kiến, hát Xẩm là tiếng nói phản kháng lên án những bất công cường quyền, áp bức, những thói hư tật xấu của xã hội, cất lên tiếng nói bênh vực những số phận bất hạnh nghèo khổ bị chà đạp.

Riêng tại Hà Nội, có một dòng Xẩm rất đặc trưng mà không đâu có được đó là Xẩm tàu điện, vì nó thường được hát trên tàu điện. Khi xưa, các nghệ nhân Xẩm từ chốn thôn quê khi ra Hà Nội biểu diễn, để làm vừa lòng nhu cầu thẩm mỹ của người dân chốn đô thị, vốn am hiểu và có trình độ trong việc thưởng thức văn hóa, nên các gánh Xẩm đã khéo léo lồng những bài thơ của các thi sỹ như “Anh khóa”, “Cô hàng nước” (của Á Nam Trần Tuấn Khải), “Giăng sáng vườn chè”, “Em đi tỉnh về” của Nguyễn Bính… vào các điệu Xẩm, đưa Xẩm trở thành loại hình âm nhạc đường phố vô cùng độc đáo, góp phần tạo nên nét đặc sắc riêng văn hóa phố phường của Thăng Long - Hà Nội.






Hát Xẩm - một thời vang bóng.



Trong một thời gian dài, Xẩm đã là món ăn tinh thần của quần chúng lao động. Nó đề cập đến nhiều vấn đề ở mọi khía cạnh, trong mọi tình huống của cuộc sống, từ công cha nghĩa mẹ, tình yêu, tình vợ chồng, tình huynh đệ cho đến những tình cảm riêng tư của mỗi con người, hay những vấn đề mang tính thời sự cập nhật, đả kích và phê phán những thói hư tật xấu của xã hội đương thời… Không chỉ phục vụ cho đám đông ngoài xã hội, người nghệ sĩ Xẩm còn sẵn sàng phục vụ theo yêu cầu như trong dịp cưới xin, ma chay, giỗ kỵ... và thậm chí nhiều khi chỉ đơn giản là “nhờ bác Xẩm đánh tiếng dùm” với cô nàng thôn nữ đang đứng bên đàng...

Tuy nhiên, những năm 70 của thế kỷ trước, do quan niệm sai lầm khi đánh đồng nghệ thuật hát Xẩm với những người hành khất nên hát Xẩm không được tôn vinh đúng như giá trị nghệ thuật của nó.

Sự tái ngộ ngọt ngào

Nhận thấy giá trị nghệ thuật to lớn cũng như nguy cơ thất truyền của nghệ thuật hát Xẩm, các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân đã cùng nhau phục dựng thành công loại hình âm nhạc độc đáo này.

Phố phường Hà Nội những ngày Tết Nguyên đán 2015 rộn rã trong những câu hát dí dủm xuân tình của các loại hình nghệ thuật truyền thống. Các nghệ sĩ của Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đã có các đợt biểu diễn hát Xẩm liên tiếp tại nhiều địa chỉ của Hà Nội 36 phố phường.

Bên cạnh những làn điệu Xẩm truyền thống, thời gian gần đây, người yêu Xẩm được thưởng thức thêm bài Xẩm phổ thơ của các nhà thơ hiện đại như Nguyễn Duy, Nguyễn Ngọc Cảnh… Sau nhiều năm liên kết đào tạo với Học viện Âm nhạc Huế, Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam vừa được bổ sung tới 30 nghệ sĩ biểu diễn về hát Xẩm, trống quân có trình độ cử nhân. Những gương mặt trẻ này hứa hẹn sẽ thổi một sức xuân tươi mới vào các hoạt động biểu diễn, bảo tồn và phát huy âm nhạc cổ truyền.

Vào những ngày đầu năm 2015 này, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy Âm nhạc dân tộc còn phối hợp với CLB Xẩm Hà Thành tổ chức đêm biểu diễn “Xẩm và Đời” với mong muốn sẽ tổ chức định kỳ hằng năm để Xẩm khẳng định lại vị trí tiêu biểu của mình trong dòng âm nhạc dân gian. Sự xuất hiện của Xẩm lần này mang dáng dấp “phố thị”, giúp công chúng thấy được sự phát triển của Xẩm trong đời sống hôm nay như thế nào.

Lên sân khấu Nhà hát Lớn, “Xẩm và Đời” không chỉ có những tiết mục Xẩm cổ mà còn có những tiết mục vô cùng đặc sắc cho thấy sự bén rễ của nghệ thuật hát Xẩm vào đời sống đương đại. Những vấn đề nổi cộm trong xã hội như tệ nạn xã hội, tham nhũng, an toàn giao thông… cũng được các nghệ sĩ dân gian đưa lên sân khấu bằng cách đặt lời mới cho các điệu Xẩm cổ.

Điều đặc biệt, lần đầu tiên người xem được khám phá những sự kết hợp độc đáo giữa Xẩm và các loại hình nghệ thuật khác như Hiphop, nhảy hiện đại. Sự kết hợp này đã được thử nghiệm và mang lại sự ngạc nhiên, thích thú cho khán giả. Nó cho thấy một sợi dây kết nối vô hình giữa âm nhạc dân gian và âm nhạc hiện đại. Và âm nhạc hiện đại hoàn toàn có thể tận dụng và chắt lọc những chất liệu từ nghệ thuật hát Xẩm. Người nghe có thể nhận thấy trong tiết tấu của Xẩm có sự tương quan giữa Hip Hop. Nhảy Hip Hop trên nền nhạc Xẩm hoàn toàn là một sự kết hợp vô cùng ăn ý. Chính điều này đã giúp Xẩm nhận được sự quan tâm, ủng hộ hết lòng của công chúng yêu nghệ thuật dân gian Việt Nam và các bạn trẻ đang có nhu cầu tìm hiểu về vốn văn hóa, nghệ thuật quý báu của dân tộc.






Tiết mục biểu diễn trong chương trình 'Xẩm và Đời'.



GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc cho biết, việc đưa Xẩm, loại hình biểu diễn quen thuộc ở cửa chợ, cửa đình ngày xưa lên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội biểu diễn là một thành công lớn của các nghệ sĩ hát Xẩm. Đó là thái độ trân trọng rất đáng quý của các nghệ sĩ trẻ với các loại hình nghệ thuật dân gian.

Hơn nữa, việc sân khấu hóa loại hình nghệ thuật vốn được coi là âm nhạc đường phố là một nỗ lực rất đáng trân trọng của các nghệ nhân trong việc đưa Xẩm tới gần hơn với công chúng đương đại, đồng thời, giúp tái khẳng định vị trí của loại hình cổ nhạc này trong dòng chảy âm nhạc dân gian Việt Nam.

Không những biểu diễn ở trong nước, các nghệ sĩ còn mang hát Xẩm đến tận phương trời Tây. Với 4 buổi biểu diễn tại 3 thành phố của Pháp là Marseille, Lyon, Paris và thành phố Munich của Đức, các nghệ sĩ của nhóm Xẩm Hà thành thực sự góp phần mang đến không khí mùa xuân quê hương cho kiều bào…

Mùa xuân mới đã về, xuân của đất trời, của lòng người để hi vọng vào một mùa xuân tràn đầy sức sống của nghệ thuật dân tộc.

T.H





Theo cinet.vn