NSND Đình Quang tại một hội thảo do Trung tâm CNTT - Bộ VHTTDL

tổ chức năm 2013



(Cinet) - NSND Đình Quang đã dành cả cuộc đời mình cống hiến cho nghệ thuật nước nhà cho đến khi chút hơi thở cuối, ông vẫn còn trăn trở về hướng đi để phát triển văn hóa - nghệ thuật Việt Nam.

NSND Đình Quang sinh năm 1928 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Trong kháng chiến chống Pháp, ông nhập ngũ rồi trở thành diễn viên, giữ chức Trưởng đoàn kịch trung đoàn 77, Trưởng đoàn văn công Sư 325 tại mặt trận Bình Trị Thiên.

Ông là cánh chim đầu đàn của nền sân khấu nước nhà, được đào tạo bài bản về sân khấu tại Học viện Hý kịch Trung ương Bắc Kinh. Sau đó, ông tiếp tục tu nghiệp bằng tiến sĩ ở Đại học Humboldt ở Berlin, Đức.

Giáo sư Đình Quang cũng là hiệu trưởng đầu tiên của Phân hiệu kịch nói và Trường Đại học Sân khấu điện ảnh với những học trò nổi tiếng như: NSND Trọng Khôi; NSND Doãn Hoàng Giang; NSND Đoàn Dũng; NSƯT Minh Ngọc; NSND Thế Anh; NSƯT Mỹ Dung; NSND Doãn Châu… Ông cũng là nhà lý luận với những công trình như: Mấy vấn đề về nghệ thuật biểu diễn (1962); Kỹ thuật tâm lý diễn viên (1968); Nghệ thuật biểu diễn hiện thực tâm lý (1978); Sân khấu tiểu luận (1975); Phương pháp sân khấu Becton Brech (1983); Bàn về sân khấu tự sự (1982); Sân khấu Việt Nam (1998)..., là một nhà văn hóa với các công trình như Còn văn hóa còn nhân loại; Văn hóa và sự phát triển nhân cách; Nhận thức và xử lý văn hóa trên thế giới; Văn học nghệ thuật và sự hình thành phát triển nhân cách; Văn học nghệ thuật Thăng Long – Hà Nội quá khứ và hiện tại... Ông đã dàn dựng hàng chục vở diễn được khán giả yêu mến như Hão; Bệnh sĩ; Đại đội trưởng của tôi…Ngoài diễn kịch, ông còn là nghệ sĩ ngâm thơ với những bài thơ nổi tiếng: Đêm nay Bác không ngủ (Minh Huệ) và Ta đi tới (Tố Hữu) và là tác giả của nhiều vở kịch kháng chiến như Người anh (1947), Bên kia (1949), Lối vườn hoa (1950), Hạt vàng (1951), Khăn tang kháng chiến (1952)...

Trong công tác lãnh đạo, ông từng giữ các chức Ủy viên Thường trực Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Ông là Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) từ năm 1984 tới 1993. Ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSND năm 1993 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 3 năm 2007.









NSND Đình Quang với vợ và con gái - BTV Mỹ Linh ( Đài truyền hình Việt Nam)





Ai đã từng được gặp và tiếp xúc với NSND Đình Quang sẽ đều có chung một cảm nhận về ông, đó là ông là người rất dễ gần, quan tâm đến những người xung quanh và cả cuộc đời ông nỗi trăn trở lớn nhất là làm sao để phát triển văn hóa- nghệ thuật nước nhà. Ông không chỉ là một nhà lãnh đạo công tâm, một người thầy mẫu mực và còn là một nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho nghệ thuật sân khấu Việt Nam ở cả bốn lĩnh vực: biểu diễn, đào tạo, lý luận phê bình và quản lý.

Mặc dù những đóng góp của ông quá rõ ràng để bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy nhưng không phải nhìn thấy tất cả. Ông có nhiều những đóng góp thầm lặng mà thế hệ sau này có lẽ không được biết đến. Ví như việc ông là người đầu tiên ra quyết định giữ nguyên kịch bản vở “Tôi và chúng ta” của tác giả Lưu Quang Vũ. Ngày đó, sau khi Nhà hát kịch Hà Nội khởi dựng năm 1985, vở “Tôi và chúng ta” đã trải qua 12 lần duyệt để có thể đến được với công chúng. Lý do là bởi câu thoại của nhân vật Quých với Bộ trưởng: 'Ở dưới các bác còn nhiều người lợi dụng chức quyền làm khổ chúng tôi, làm ảnh hưởng đến uy tín của các bác. Mà các bác thì như giời ấy, giời ở cao quá, không đến được…” Vì lời thoại đó và một số trích đoạn khác trong vở kịch mà diễn viên, nghệ sĩ phải duyệt đi duyệt lại và phải sửa kịch bản hết lần này tới lần khác…

Không chỉ có “Tôi và chúng ta”, việc tương tự còn diễn ra với nhiều vở diễn khác như: Mùa hè ở biển của tác giả Xuân Trình; Nhân danh công lý của tác giả Võ Khắc Nghiêm; Bài ca giữ nước của tác giả Tào Mạt….Những vở kịch này đã được giữ nguyên gốc để đến với công chúng nhờ có NSND Đình Quang. Trong một lần trả lời phỏng vấn về vấn đề này, NSND Đình Quang nói: 'Tôi đã sử dụng thẩm quyền và kiên quyết ủng hộ những vở diễn, dù địa phương có sự đánh giá, nhận thức khác với mình.... Cả giới văn học nghệ thuật thời kỳ này cũng đã thừa nhận là sân khấu đi những bước tiên phong trong việc đổi mới tư duy sáng tạo”.

Chính nhờ có những người cấp tiến như ông mà ngày hôm nay, sân khấu nước nhà đang ngày một phát triển. Nhờ có ông mà những vở kịch hay đã đến được với công chúng. Trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời mình, ông vẫn không ngừng học tập, nghiên cứu để tìm ra hướng phát triển cho nghệ thuật sân khấu nói riêng và nghệ thuật Việt Nam nói chung. Ông trút hơi thở cuối cùng vào 0h đêm 12/7 tại Đà Nẵng để lại cho ngành văn hóa một khối lượng đồ sộ các công trình nghiên cứu, lý luận và nỗi tiếc thương vô hạn với người nghệ sĩ đa tài.

Lan Hương



Theo cinet.vn