(Cinet)- Dấu mốc lịch sử quan trọng Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2-9 trở thành những ký ức không thể nào quên trong tâm trí của nhiều người dân Việt Nam. Những bước đi khổng lồ của cách mạng đã giúp cho chúng ta có một kho tàng lớn trong âm nhạc dân tộc...

Ca khúc “Mười chín tháng Tám” của nhạc sĩ Xuân Oanh

Mùa thu này, ca khúc bất hủ “Mười chín tháng Tám” lại vang lên vào một dịp đặc biệt của cả dân tộc Việt Nam, đó là những ngày rạng ngời niềm vui kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9.

“Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày

Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai

Mười chín tháng Tám khi quốc dân căm hờn kêu thét

Tiến lên cùng hô mau diệt tan hết quân thù chung

Mười chín tháng Tám ánh sáng tự do đưa tới

Cờ bay nơi nơi muôn ánh sao vàng

Máu pha tươi đều trên lá cờ bay khắp chốn giang sơn”.

Ca khúc này được nhạc sĩ Xuân Oanh sáng tác khi ông hòa cùng dòng người đấu tranh giành thắng lợi của Cách mạng Tháng 8. Trong những câu chuyện sau này kể lại, hòa cùng khí thế của nhân nhân, nhạc sĩ Xuân Oanh vừa đi vừa sáng tác ca khúc trên những mảnh báo cũ. Viết đến đâu ông lại hát vang đến đó và cả dòng người cứ thế hát theo ông. Cho đến buổi chiều thì bài hát đã được phổ biến rộng rãi.

Khi hỏi về tên bài hát, nhạc sĩ rất “thật thà”: Thú thực, lúc sáng tác trên đường, chẳng nghĩ gì đến tên bài hát, chỉ cố làm sao cho số đông người dễ hát, dễ thuộc. Sau khi hướng dẫn xong cả bài, khi mọi người đã hát trôi chảy, bỗng có một người nói: “Này nhạc sĩ ơi, thế bài hát này tên là gì?”. Khi ấy, tôi mới sực nhớ là chưa có tên. Tôi nghĩ mãi chẳng ra được tên gì, cuối cùng bèn nói: “Hôm nay là ngày 19/8. Lịch sử sẽ ghi nhớ mãi ngày này. Thôi, chẳng cần tìm kiếm gì cho mất công, tên bài là 19 tháng 8”. Sau đó tôi hỏi: “Mọi người thấy thế nào, được không?”. Tất cả thống nhất: “Được đấy, đúng rồi. Hay đấy!”. Thế là tôi yên tâm đặt tên cho đứa con tinh thần của mình. Bài hát Mười chín tháng Tám ra đời “một cách kỳ lạ” như vậy.







Cách mạng Tháng Tám thành công đã đánh dấu hoàn cảnh ra đời của nhiều ca khúc bất hủ và là nguồn cảm hứng để nhiều nhạc sĩ sáng tác các ca khúc sau này.




Chiều 19/8/1945, bài hát in ở một hiệu sách và phát trên sóng phát thanh lúc nào, ông không biết. Anh em, bạn bè thông báo ông mới hay. Không ai biết, chính những giây phút xuất thần trong thời điểm lịch sử giúp nhạc sĩ Xuân Oanh sáng tác thành công ca khúc “Mười chín tháng Tám”, là bản hùng ca thời đại, cũng là bản hùng ca bất hủ, mãi mãi âm vang đi cùng năm tháng, cổ vũ, động viên toàn dân tộc Việt Nam vững bước trên con đường đi lên phía trước.

Nhạc sĩ Xuân Oanh - người đã viết nên những lời ca tiếng hát đi cùng lịch sử dân tộc ấy, nay đã không còn. Một chứng nhân lịch sử của dân tộc đã đi xa nhưng ca khúc để đời của ông còn mãi vang vọng theo chiều dài lịch sử dân tộc!

Ca khúc “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao

Nhạc sĩ Văn Cao viết bài hát đó trong nhiều ngày tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền vào năm 1944. Nhạc sĩ Văn Cao từng cho rằng, tên bài hát và lời ca khúc “Tiến quân ca” là sự tiếp tục từ ca khúc “Thăng Long hành khúc ca” trước đó.

Ngay từ khi ra đời, bài hát được coi là bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh. Sau Cách mạng Tháng Tám, ca khúc này được chọn làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và khi đất nước thống nhất (1975), ca khúc “Tiến quân ca” tiếp tục được chọn làm Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khi được chọn chính thức làm quốc ca, phần lời của Quốc ca cũng đã được sửa đổi khác đôi chỗ so với bản gốc “Tiến quân ca” của Văn Cao.

70 năm về trước, vào ngày 19/8/1945, bản hành khúc ấn tượng nhất của nhạc sĩ Văn Cao - “Tiến quân ca” - đã vang lên trên khắp mọi ngả đường của Thủ đô. Khi đó, bài Quốc ca của Việt Nam đã được chính tác giả tấu lên bằng chiếc đàn Ac'monium.

Văn Cao đã kể lại những kỷ niệm của buổi hôm đó: “Bài Tiến quân ca đã nổ như một trái bom. Nước mắt tôi trào ra. Chung quanh tôi, hàng ngàn giọng hát cất vang lên theo những đoạn sôi nổi. Ở những cánh tay áo mọi người, những băng cờ đỏ sao vàng đã thay những băng vàng của chính phủ Trần Trọng Kim. Trong một lúc, những tờ bướm in Tiến quân ca được phát cho từng người trong hàng ngũ các công chức dự mít-tinh. Tôi đã đứng lẫn vào đám đông quần chúng trước cửa Nhà hát Lớn. Tôi đã nghe giọng hát quen thuộc của bạn tôi, anh Ph.D. qua loa phóng thanh. Anh là người đã buông lá cờ đỏ sao vàng trên kia và xuống cướp loa phóng thanh hát. Con người trầm lặng ấy đã có sức hát hấp dẫn hàng vạn quần chúng ngày hôm đó, cũng là người hát trước quần chúng lần đầu tiên, và cũng là một lần duy nhất”.







Tại cuộc mít-tinh ngày 19/8 trước Quảng trường Nhà hát Lớn, bài hát Tiến quân ca đã vang lên.




Lần thứ hai, trong cuộc mít-tinh vào ngày 19/8, hàng ngàn người và các em thiếu nhi cùng hát Tiến quân ca. “Hàng chục ngàn giọng hát cất lên, thét lên tiếng căm thù vào mặt bọn đế quốc với sự hào hùng chiến thắng của cách mạng”, Văn Cao đã viết.

Bài hát Tiến quân ca của Văn Cao đã ra đời như thế, trong thời đại lịch sử đánh dấu một “buổi bình minh mới” của dân tộc.

“Lên đàng” và “Tiếng gọi thanh niên” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đến với âm nhạc như là một định mệnh. Ông như một nhà viết sử bằng âm nhạc. Những ca khúc cách mạng của ông có sức cổ vũ mạnh mẽ mọi tầng lớp công chúng, luôn xốc họ dậy, hòa vào dòng thác cách mạng mà rất nhiều thế hệ người Việt Nam từng thuộc lòng: “Lên đàng”, “Xếp bút nghiên”, “Tiếng gọi thanh niên”, “Bạch Đằng giang”, “Tuổi 20”... Cuộc đời và âm nhạc của Lưu Hữu Phước kết tụ những hoài bão thiết tha của cả dân tộc là độc lập, phản ánh ước nguyện cháy bỏng của thanh niên Việt Nam, là hi sinh vì Tổ quốc, dựng xây non sông.

Với giai điệu trầm bổng, lời ca hào hùng, ca khúc “Tiếng gọi sinh viên” được Lưu Hữu Phước viết ra trong niềm hứng khởi của cao trào cách mạng. Còn hành khúc “Lên đàng” được nhạc sĩ viết ra trong những ngày “xếp bút nghiên” tại Hà Nội, lên đường trở về Nam: “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng, kiếm nguồn tươi sáng...”.







Cho đến ngày nay hai ca khúc “Lên đàng” và “Tiếng gọi thanh niên” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước vẫn là ca khúc bất hủ dành cho thanh niên, sinh viên Việt Nam.




Ca khúc như lời thúc giục, sục sôi dành cho thế hệ thanh niên thời điểm bấy giờ và cho đến ngày nay hai ca khúc này vẫn là ca khúc bất hủ dành cho thanh niên, sinh viên Việt Nam. Ca khúc “Lên đàng” trở thành ca khúc chính thức của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Những ca khúc về cách mạng 70 năm qua đã đầy ắp phẩm chất của nền âm nhạc tiến bộ. Nó có đầy đủ tính hiện thực, tính thẩm mỹ và tính nhân văn. Điểm gặp gỡ đầy ý nghĩa của những ca khúc này là cùng ánh lên tình cảm, niềm tin yêu sâu nặng của toàn dân, toàn quân với Đảng và Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

T.H



Theo cinet.vn