Vở rối 'Vũ điệu hoa quỳnh'.



(Cinet)- Sau một tuần diễn ra tại Hà Nội, Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ 4 đã bế mạc vào tối 16/10. 17 chương trình của 9 đơn vị nghệ thuật quốc tế và 3 đoàn nghệ thuật trong nước đã mang tới cho khán giả một bữa tiệc nghệ thuật đa sắc đầy sáng tạo và ấn tượng.

Đến với Liên hoan, Nhà hát Múa rối Thăng Long mang đến tiết mục rối nước “Bay lên từ mặt nước” của NSƯT Chu Lượng. Tác phẩm được dư luận chú ý đặc biệt khi dùng rối nước thể hiện “bóng dáng” nghệ thuật ballet trong vở “Hồ thiên nga” và môn đấu bò tót của Tây Ban Nha. Quân rối được tạo hình vũ công, đấu sĩ và bò tót, được điều khiển thể hiện các động tác, kỹ thuật đặc thù trên nền “nhạc Tây” nhưng vẫn ở trên mặt nước, trong không gian thủy đình Việt Nam.

Đạo diễn, NSƯT Chu Lượng - Phó Giám đốc Nhà hát cho biết, ông ấp ủ từ lâu nhưng đến nay mới thực hiện được nhằm chia sẻ sáng tạo mới với đồng nghiệp trong và ngoài nước. Ông cũng cho biết, vài năm trước đưa rối nước đi diễn giao lưu ở Nhật, tiết mục rối nước đấu võ Sumo và hình ảnh quân rối mặc kimono của ông đã được người Nhật tán thưởng. Như vậy, hoàn toàn có thể “thổi” hình ảnh, đường nét, âm thanh… của văn hóa nước ngoài vào rối nước Việt, miễn là phải nghiên cứu tạo hình hợp lý và áp dụng tốt kỹ thuật tạo tác, điều khiển truyền thống.






Vở rối 'Bay lên từ mặt nước'.



Có lẽ Liên hoan nghệ thuật múa rối là cơ hội để các đoàn nghệ thuật múa rối Việt Nam khoe với khán giả những sáng tạo đầy ấn tượng. Có thể ví các cuộc liên hoan như đánh thức các nghệ sĩ múa rối Việt Nam bừng tỉnh để lao vào sáng tạo tìm tòi.

Bà Ngô Thanh Thủy, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ: “Nhà hát Múa rối Việt Nam tham dự 3 vở: Tôn Ngộ Không (rối cạn), Chuyện tình Dạ Trạch (rối nước), Vũ điệu hoa quỳnh (rối dây). Cả ba chương trình chúng tôi lựa chọn đều phải có cái mới và bứt phá so với trước. Đặc biệt là sự khôi phục lại chương trình biểu diễn rối dây trong Vũ điệu hoa quỳnh, một loại hình rối mà lâu nay đang bị Việt Nam bỏ rơi. Và có tới 14 dây điều khiển trong con rối. Hoặc như Chuyện tình Dạ Trạch là sự kết hợp giữa nghệ thuật sắp đặt với biểu diễn rối nước và cả màn hình chiếu phim hoạt hình”.

Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật về vở diễn “Vũ điệu hoa Quỳnh” - vở diễn có sự sáng tạo mang tính đột phá, tạo sự thích thú và ấn tượng mạnh cho khán giả. Có thể nói đây là tiết mục thành công, hay nhất trong Liên hoan khi sử dụng những con rối tre mộc mạc nhưng đẹp mắt và rất đáng yêu. Sân khấu cũng tràn đầy không khí lãng mạn và chất thơ! Vở rối đã giành giải Vàng - giải thưởng danh giá nhất của Liên hoan múa rối Quốc tế.







Vở rối “Vũ điệu hoa quỳnh” không chỉ mang ý nghĩa nhân văn mà còn khôi phục lại nghệ thuật rối dây của Việt Nam.




Có thể nói múa rối Việt Nam đã đem đến Liên hoan những chương trình mới lạ, vượt trội, thể hiện sự hoành tráng và công phu thì với các tiết mục của các đoàn quốc tế lại chinh phục khán giả bởi kỹ thuật điều khiển rối điêu luyện và cách giải quyết vấn đề mạch lạc, có tính biểu tượng cao.

Các nghệ sĩ nước ngoài đến với Liên hoan với những tiết mục cá nhân đơn lẻ và không quá cầu kỳ về sân khấu nhưng bù lại đó là sự phô diễn những tài nghệ kỹ thuật cá nhân đầy điêu luyện. Ví dụ như Chàng Bob chất phác của Nhà hát Múa rối Norwich, Anh với những đạo cụ cực kỳ đơn giản như chiếc xe đẩy nhỏ, chiếc va li, chiếc ô và chiếc áo mưa. Nghệ sĩ Plain Bob, người đã từng giành giải thưởng Tiết mục đường phố hay nhất và được đề cử vào giải tiết mục dành cho trẻ em hay nhất tại Liên hoan Múa rối thế giới tại Indonesia đưa khán giả đến với một thế giới ngây thơ trong sáng của tuổi thơ với điệu bộ kịch câm, âm nhạc độc đáo và hiệu ứng âm thanh. Hoặc như tiết mục mang đậm màu sắc truyền thống của Đoàn Múa rối HTWE OO - Myanmar với nghệ thuật trình diễn rối dây đặc sắc mang tới những điệu múa như múa nghi lễ, múa ngựa, múa khỉ, múa Keineras, múa yêu tinh, múa các Tiểu đồng hoàng gia.






Tiết mục của Đoàn Múa rối HTWE OO Myanmar.





Tiết mục của đoàn Campuchia.





Chàng Bob chất phác: Nhà hát Múa rối Norwich, Anh.



Đạo diễn Ngô Quỳnh Giao, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan múa rối quốc tế Hà Nội lần thứ 4 cho biết: “Nghệ thuật rối rất hay, tôi đánh giá cao đoàn Myanmar, đoàn của họ là một gia đình. Họ quan niệm con rối không phải bằng gỗ mà con rối có linh hồn, vì nó có linh hồn, nên khi diễn viên diễn, chúng tôi không đi giầy. Đó là một điều rất nhỏ nhưng tôi phục sự trân trọng của họ với nghệ thuật. Và đương nhiên khi họ đi chân đất thì sàn sân khấu họ sạch sẽ, sân khấu là thánh đường”.

Với nội dung phong phú, đa dạng về thể loại và hình thức như: rối nước, rối que, rối tay, rối bóng, rối mặt nạ..., các vở diễn tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ 4 thực sự mang thông điệp nhân văn, góp phần để lại những kỉ niệm đẹp trong lòng khán giả cũng như nghệ sĩ trong và ngoài nước.

T.H (ảnh: Internet)



Theo cinet.vn