(Cinet) – Sự phát triển những ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực Điện ảnh không chỉ với thế giới mà còn ở Việt Nam đang ngày một gia tăng. Vậy phải chăng công nghệ số đang là xu hướng tất yếu để điện ảnh phát triển?

Trên thế giới từ lâu những chiếc máy quay kỹ thuật số hiện đại đã thay thế cho phim nhựa


Trong “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” mà Bộ VHTTDL soạn thảo có thể thấy những đề cương cụ thể, chi tiết hơn cho quy hoạch phát triển điện ảnh Việt Nam. Trong đó các vấn đề như huy động vốn, ngân sách để có hướng đi lâu dài cho ngành điện ảnh nước nhà; Nâng thời lượng phát sóng phim Việt Nam trên truyền hình; Hệ thống cac rạp chiếu phim tại Việt Nam phải tăng cường phổ biến phim Việt….đều đã được nêu ra. Mục tiêu đến năm 2020 điện ảnh Việt Nam phải trở thành ngành nghệ thuật – công nghiệp có ảnh hưởng và tác động mạnh đối với xã hội, góp phần phát triển kinh tế cũng được đặt ra trong Chiến lược này…

Đề ra như vậy nhưng để có thể đạt được mục tiêu này trong thực tế hiện nay có lẽ sẽ là bất khả thi bởi ngành điện ảnh Việt Nam vẫn còn nhiều thực trạng bất cập mà cụ thể nhất đó là công nghệ làm phim còn lạc hậu.












Khi mà thế giới từ lâu đã sử dụng máy quay kỹ thuất số với định dạng 4K thì chúng ta vẫn đang sử dụng máy quay phim nhựa 35mm..





Cái cần nói đến đầu tiên trong sự lạc hậu đó chính là máy quay phim và phim. Trong khi trên thế giới các sản phẩm điện ảnh được quay bằng phim nhựa 35mm đã gần như bị xóa bỏ thay vào đó là những sản phẩm được thực hiện bằng máy quay công nghệ kỹ thuật số. Các máy quay định dạng digital ( kỹ thuật số) đang là xu hướng toàn cầu hóa trong lĩnh vực sản xuất phim. Song tại Việt Nam, phim nhựa vẫn đang là lựa chọn phổ biến. Nói vậy không phải ở Việt Nam chưa có những sản phẩm được sản xuất từ công nghệ số nhưng khi mà thế giới đã vươn tới công nghệ kỹ thuật số 8K thì chúng ta vẫn đang sử dụng máy quay phim nhựa hoặc tiên tiến lắm là sử dụng máy quay định dạng SH hoặc 2K.

Đã có không ít lần, tại các liên hoan phim Quốc tế, sản phẩm điện ảnh của Việt Nam phải rút lui do thế giới đã xóa bỏ phim nhựa. Trong một số trường hợp khác dù có thể tham gia nhưng tác phẩm của điện ảnh Việt Nam không thể cạnh tranh với các đối thủ khác do hình ảnh, âm thanh, chất lượng của phim 35mm kém xa các sản phẩm công nghệ số hiện đại, đây là một thực tế rất đáng buồn khi mà chất lượng nghệ thuật trong các tác phẩm của điện ảnh Việt được đánh giá cao.

Tính đến nay ở Việt Nam đã có vài sản phẩm điển ảnh như Mỹ Nhân Kế, Bóng Ma học đường được thực hiện bằng công nghệ 3D. Hoặc các tác phẩm Huyết Ngải, Dòng Máu Anh Hùng, Thiên Mệnh Anh Hùng, Chơi vơi…được thực hiện với máy quay FullHD…có thể nói là bước đột phá trong công nghệ điện ảnh Việt Nam nhưng so với thế giới thì vẫn còn lả một khoảng cách rất xa. Các cường quốc về điện ảnh hoặc các quốc gia có ngành điện ảnh phát triển mạnh mẽ hiện nay đều đã ứng dụng kỹ thuật máy quay 4K cho các sản phẩm của họ.









[IMG]/userfiles/image/2014/canon (3).jpg[/IMG]


Ảnh trên: Máy quay 4K

Ảnh dưới: Máy quay phim ống kính rời DSLR 4K đầu tiên trên thế giới, EOS 1D C có thể sản xuất những thước phim 4K có độ phân giải 4,096 x 2,160 pixels ở tốc độ 24 khung hình/giây, chuẩn thu hình JPEG 8 bit. Hiện công nghệ điện ảnh thế giới đã tiến xa tới mức sản xuất phim được thực hiện bằng máy quay 8K





Việc sử dụng máy quay kỹ thuật số thuận tiện và có nhiều điểm lợi cho sản phẩm điện ảnh bởi máy quay kỹ thuật số không giới hạn thời lượng hay cảnh quay. Nhà làm phim có thể thực hiện nhiều cảnh quay và quay đi quay lại nhiều lần nhằm chọn ra một đoạn phim có hình ảnh, diễn xuất chất lượng nhất từ đó sẽ cho ra đời 1 sản phẩm phim chất lượng. Còn ở phim nhựa 35mm, các cảnh quay đều bị giới hạn, thời lượng quay bị bó hẹp do đó không thể đảm bảo đã có đoạn phim chất lượng nhất.

Không chỉ máy quay lạc hậu, máy duyệt phim của Việt Nam cũng lạc hậu. Thực tế vài năm gần đây trong các kỳ liên hoan phim đã có trường hợp một bộ phim có chất lượng nhưng không thể tham gia liên hoan bởi Ban tổ chức thiếu máy duyệt phim kỹ thuật số. Không chỉ có vậy, việc thiếu máy duyệt phim còn khiến cho việc xin cấp phép ra rạp cho 1 sản phẩm điện ảnh vô cùng gian nan. Cụ thể để một bộ phim được ra rạp, bắt buộc phải được Cục Điện ảnh, Bộ VHTTDL cấp phép. Để được cấp phép, phim phải được Hội đồng nghệ thuật của Cục duyệt. Tuy nhiên, hiện nay Cục chỉ có thể duyệt được phim nhựa 35mm hoặc bản DVD, không duyệt được phim định dạng kỹ thuật số vì Cục không có máy chiếu kỹ thuật số. Chuyện nghe như đùa như vậy nhưng lại là sự thật. Nhiều năm nay để được cấp phép các đơn vị nhập phim nước ngoài buộc phải chuyển sang định dạng DVD để Cục duyệt. Đây là việc cực chẳng đã bởi khi chuyển sang đĩa DVD thì việc giữ bản quyền sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều. Vậy nhưng bởi Cục không có máy duyệt phim nên chẳng còn cách nào khác, các đơn vị nhập khẩu phim vẫn phải thực hiện quy trình này.

Sự lạc hậu trong việc sản xuất phim và khâu duyệt phim ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của điện ảnh Việt Nam.

Con số thông kê năm 2010, doanh thu của ngành điện ảnh Việt Nam đạt 26 triệu USD; năm 2011 đạt 35 triệu USD; năm 2012 đạt 48 triệu USD khiến không ít người hiểu lầm là con số mà sản phẩm của ngành điện ảnh Việt Nam tạo ra. Thực chất con số gần 50 triệu USD đó có được là nhờ vào doanh thu các phòng vé, các cụm rạp do nước ngoài đầu tư tại Việt Nam như MegarStar, Lotte...thu được từ việc nhập khẩu và phát hành các phim bom tấn của Hollywood. Theo doanh thu báo cáo gần 50 triệu USD đó, phim Việt chiếm tỷ trọng chưa đến 20%. Dẫu vậy, so với các nước trong khu vực, thị trường phim chiếu rạp của Việt Nam còn quá nhỏ bé. Theo thống kê của Box Office Mojo năm 2012, doanh thu phòng vé của thị trường Thái Lan đạt 120 triệu USD, Singapore đạt hơn 140 triệu USD, Malaysia đạt 156 triệu USD, Hàn Quốc đạt hơn 1 tỷ USD. Thị trường Bắc Mỹ có doanh số 9,1 tỷ USD.

Với những con số như vậy, có thể thấy doanh thu mà ngành điện ảnh Việt Nam đạt được thời gian qua chỉ có một phần nhỏ đến từ những phim do điện ảnh nước nhà sản xuất, còn lại phần lớn là từ phim nhập khẩu. Nếu chúng ta chú trọng hơn đến công tác sản xuất, mà trong đó là việc đầu tư sản xuất phim thì chắc chắn rằng điện ảnh Việt nam không quá lép vế so với các nền điện ảnh cùng khu vực như hiện nay. Thực tế, ngành điện ảnh Việt Nam không thiếu người tài vấn đề chính là ở chỗ chưa có sự đầu tư xác đáng. Các hãng phim tư nhân nếu có được đầu tư tốt hơn thì phim do họ sản xuất ra lại không thể thích hợp với sự cổ lỗ trong khâu duyệt phim của nhà nước. Vì vậy, trong thời đại kỹ thuật phát triển như vũ bão hiện nay, công nghệ số là xu hướng tất yếu để điện ảnh phát triển.

Nguyễn Hương


Theo cinet.vn

View more random threads: