NSND Trịnh Thịnh trong phim 'Lời nguyền của dòng sông'.



(Cinet)- NSND Trịnh Thịnh, người gắn bó với điện ảnh Cách mạng Việt Nam từ những năm đầu, đã qua đời ở tuổi 88 sau một thời gian lâm bệnh.

Trịnh Thịnh tên thật là Trịnh Văn Thịnh, sinh năm 1926 tại Hà Nội. Từ nhỏ, ông đã có niềm đam mê đặc biệt với điện ảnh. Tuy vậy, phải đến năm 1956, Trịnh Thịnh mới bước chân vào lĩnh vực yêu thích khi trúng tuyển cuộc thi diễn viên lồng tiếng cho một hãng xuất nhập khẩu phim của Liên Xô. Trước đó Trịnh Thịnh có tham gia hoạt động sân khấu với vai diễn đầu tiên là vai thầy Tú trong vở kịch Pháp nổi tiếng “Topaze”.

Cũng trong năm 1956, hãng phim truyện Việt Nam sản xuất bộ phim đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt Nam “Chung một dòng sông”, đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã mời Trịnh Thịnh tham gia. Không được đào tạo trường lớp bài bản, nhưng với kinh nghiệm có được trong khoảng thời gian làm công việc lồng tiếng, Trịnh Thịnh đã vào vai khá thành công. Trịnh Thịnh sau đó đóng rất nhiều phim và những vai của ông đều được đánh giá cao như ông nội thằng Bờm trong phim “Thằng Bờm”, ông Củng trong “Vợ chồng anh Lực”, người cha trong “Lá ngọc cành vàng”, lão thuyền chài trong “Lời nguyền của dòng sông”, ông chủ tịch huyện trong “Thị trấn yên tĩnh”, phim “Vợ chồng A Phủ”, “Xích lô”... Với vai diễn phó chủ tịch huyện trong phim “Thị trấn yên tĩnh”, ông được trao danh hiệu Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 năm 1988.

Vẻ bề ngoài và tính cách khiến Trịnh Thịnh rất được các đạo diễn ưa thích cho những vai các cụ già nhà quê hoặc những nhân vật mang đậm dấu ấn của làng quê nông thôn Việt Nam. Những vai diễn thành công của ông là những vai diễn hài, tuy nhiên cũng có những vai bi như phim “Lời nguyền một dòng sông”. Ông không khai thác tiếng cười tự nhiên chủ nghĩa, rẻ tiền mà thay vào đó khai thác triệt để đời sống tâm lí của nhân vật.

Nghệ sĩ Trịnh Thịnh về hưu năm 1989. Năm 1997, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

Người nghệ sỹ ấy đã ra đi ở tuổi 88 sau một thời gian lâm bệnh. Sự ra đi của ông để lại sự nuối tiếc về một người diễn viên bậc thầy luôn tận tụy, gắn chặt với những vai diễn hồn hậu, mộc mạc mang tính biểu tượng của cả một thế hệ.

NSND Trần Phương, đóng cùng Trịnh Thịnh trong phim Vợ chồng A Phủ, không khỏi đau lòng khi một loạt bạn diễn như Đức Hoàn, Kim Lân, Trịnh Thịnh... lần lượt qua đời. Ông vẫn nhớ hình ảnh nam nghệ sĩ tận tâm, chịu khó với vai diễn trong những ngày đoàn phim sống kham khổ ở Tủa Chùa, Điện Biên. Đóng vai phụ nhưng cố nghệ sĩ vẫn dành trọn thời gian để thâm nhập thực tế, hóa thân vào nhân vật một cách chân thực nhất.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh gọi NSND Trịnh Thịnh là người anh cả vô cùng thương mến của các thế hệ diễn viên điện ảnh cả nước qua 2 thế kỷ, là người diễn viên suốt đời đóng vai phụ và nổi tiếng theo những vai phụ. Trịnh Thịnh còn là người diễn viên hài tài hoa của Điện ảnh Việt Nam. Một biểu tượng của niềm đam mê nghề cháy bỏng và một nhân cách lớn.

T.H

Theo cinet.vn