'Đập cánh giữa không trung' được vinh danh tại LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 3.



(Cinet)- Khát vọng tạo nên những tác phẩm điện ảnh có chất lượng, với những ngôn ngữ điện ảnh khác biệt chứ không phải là những bản sao Hollywood hay những bộ phim giải trí rẻ tiền hoàn toàn có thể thực hiện được trong tương lai…

Điện ảnh Việt đang cố gắng bứt phá vượt lên chính mình để sản xuất ra những bộ phim có chất lượng tốt phục vụ khán giả đồng thời đưa nền điện ảnh Việt Nam hòa chung với nền điện ảnh thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để tìm ra một hướng đi mới cho điện ảnh Việt là bài toán không dễ.

Sự “lên ngôi” của phim giải trí

Hiện nay, khi nhu cầu giải trí của con người ngày một tăng trong điều kiện bùng nổ internet và khán giả có thể thoái mái xem hàng nghìn, hàng triệu bộ phim trên mạng, để kéo khán giả đến rạp, các nhà làm phim đang khai thác đề tài hài hước, kinh dị, bạo lực, cảnh giường chiếu...

Dòng phim hài nhảm đang thống trị thị trường phim ảnh Việt Nam những năm gần đây. Mẫu số chung của những bộ phim này đều là được đầu tư ít, thực hiện nhanh, nội dung đơn giản, câu khách bằng những tình huống hài nhảm nhí. Những bộ phim này phần đa đều mời những danh hài nổi tiếng hoặc những nhân vật - dù diễn xuất còn gượng gạo nhưng xinh đẹp hoặc nổi tiếng nhờ những scandal.

Có thể kể ra đây hoàng loạt những phim như: “Hello cô Ba”, “Nhà có 5 nàng tiên”, “Bay vào cõi mộng”, “Lọ lem Sài Gòn”...

Bộ phim hài hước theo phong cách Hollywood đã đạt doanh thu kỉ lục 40 tỉ khi công chiếu phần một năm 2011: “Cô dâu đại chiến” của đạo diễn Victo Vũ được trông đợi nhất khi ra mắt phần hai vào dịp tết 2014 nhưng bộ phim đã không đáp ứng được kì vọng khán giả khi mạch phim rườm rà, thiếu logic, kịch bản hời hợt và bắt đầu có xu hướng hài nhảm. Cùng chung số phận với “Cô dâu đại chiến”, bộ phim “Tèo em” của Charlie Nguyễn cũng bị chê là một thứ hài biến thái chọc cười cù vào nách khán giả với những chi tiết vô cùng ngớ ngẩn dù doanh thu (như các nhà làm phim công bố cũng lên tới con số vài chục tỉ).

Nếu không phải là phim hài thì điện ảnh Việt vẫn sử dụng một chiêu câu khách quen thuộc, đó là đưa cảnh nóng, cảnh đấm đá bạo lực để đưa vào tác phẩm của mình.

Trong năm 2014, hàng loạt các bộ phim tâm lý xã hội đã nắm bắt nhanh nhạy các vấn đề nóng của đời sống và đưa vào đề tài điện ảnh. Vụ án xảy ra ở thẩm mĩ viện cát Tường là điểm khởi nguồn của “Mất xác” (Metal Film và Long Long Media sản xuất, đạo diễn Đỗ Thành An) và “Scandal 2 - Hào quang trở lại”(Đạo diễn Victo Vũ); “Hương Ga”(Trans National Arts, Media Village và Wonderboys sản xuất, đạo diễn Cường Ngô khai thác bi kịch của một cô gái hiền lành bị số phận đẩy đưa thành một nữ giang hồ khét tiếng… với rất nhiều cảnh giường chiếu, khỏa thân hay cảnh các cặp đôi nam nữ mây mưa, những hình ảnh bạo lực, súng ống.












Những bộ phim giải trí 'ăn khách'.



Rõ ràng ở góc nhìn tiếp nhận nghệ thuật và góc nhìn phân tích từ khán giả, dễ nhận thấy: làm phim về sự suy đồi đạo đức, sự xuống cấp của đạo đức trong xã hội, vấn đề bạo lực có thể dễ “ăn khách”, các nhà làm phim dễ thu hồi đồng vốn. Do đó những yếu tố giáo dục đạo đức, yếu tố giáo dục thẩm mỹ sẽ không phải là trọng tâm, để mang thông điệp hữu ích cần thiết đến công chúng. Sự thiếu vắng hoặc mờ nhạt nhân vật tích cực trong điện ảnh cũng là điều dễ hiểu. Đạo đức xã hội, đạo đức con người, góc khuất, nội tâm con người sẽ không được ưu tiên bằng những pha hành động đánh đấm, bạo lực.

Trái ngược với dòng phim hài nhảm ăn tiền là những bộ phim về đề tài lịch sử, phim nhà nước đặt hàng nhưng lại thất bại về mặt doanh thu. Một trong những sự kiện điện ảnh gây nên điểm nóng trên các phương tiện truyền thông trong trong năm 2014 đó là việc bộ phim được nhà nước đặt hàng với kinh phí đầu tư lớn nhất từ trước đến nay 21 tỉ cho bộ phim “Sống cùng lịch sử” của Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất, NSND Nguyễn Thanh Vân đạo diễn và nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn viết kịch bản.

Có thể nói, “Sống cùng lịch sử” là một bộ phim hay, ngoài khai thác hình ảnh đẹp với các cuộc chiến đấu hoành tráng, các gương mặt anh hùng tiêu biểu, bộ phim còn mang nhiều ý nghĩa lịch sử. Song, khi chính thức ra rạp ở Hà Nội dịp 2/9/2014 vừa qua, những gì đoàn làm phim của NSND Thanh Vân nhận được chỉ là những hàng ghế trống.

Lí giải về điều này, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân thừa nhận sự kén khách của đề tài chiến tranh, lịch sử đối với khán giả Việt. Ông cho biết, dòng phim lịch sử Việt Nam từ trước tới nay vốn không được yêu thích bằng phim giải trí. Đạo diễn cho rằng điều này chỉ có thể thay đổi khi xã hội xây dưng hệ thống giáo dục ý thức lịch sử dân tộc tốt hơn. Bên cạnh đó, bộ phim đã không có chiến dịch truyền thông hợp lí khi kinh phí nhà nước cấp cho việc PR quá thấp nên bộ phim đã không được khán giả biết đến. Hơn thế nữa, đây là bộ phim nhà nước đặt hàng để chiếu miễn phí cho đồng bào nhân dịp 60 năm giải phóng Điện Biến Phủ, vì vậy yếu tố lợi nhuận hay doanh thu không đặt nặng - đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết.

Khát vọng vươn tới những tác phẩm có chất lượng

Trong khi các nhà sản xuất phim vẫn phải tạo ra những tác phẩm điện ảnh mang tính giải trí đặc sệt công thức Hollywood hay những bộ phim cũ mèm về ý tưởng thì đã xuất hiện những bộ phim như những tia sáng lạc quan cho điện ảnh Việt.

Không thể không nói tới “Đập cánh giữ không trung” của nhà làm phim độc lập Nguyễn Hoàng Điệp. Bộ phim đã giành được nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó đáng kể nhất là giải thưởng “Phim do Ban giám khảo bình chọn” của LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ III, tháng 11/2014. Trước đó, “Đập cánh giữa không trung” từng tham gia các LHP như: Venice, Toronto, Kim Mã... và giành một số giải thưởng quan trọng như : Giải “Phim hay nhất” từ Liên đoàn các nhà phê bình phim Châu Âu và Địa Trung Hải (FEDEORA ); Nguyễn Hoàng Điệp giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” tại LHP Quốc tế Bratislava, Slovakia… Tại LHP ba lục địa Nantes, Pháp kéo dài từ ngày 25/11 đến 2/12, “Đập cánh giữa không trung” lại giành thêm giải Special Mention (Chú ý đặc biệt).

Nhà phê bình Beth Hanna viết về “Đập cánh giữa không trung”: “Phim là câu chuyện trữ tình và bí ẩn về chân dung một cô gái trẻ ở ngã ba đường, khi cô phải đối mặt với một quyết định trên cơ thể mình và vật lộn giữa ranh giới của tình yêu và dục vọng. Với bối cảnh là Hà Nội đẫm những cơn mưa, bộ phim đưa đến những vấn đề về tầng lớp và sự bất bình đẳng giới thông qua lăng kính của cuộc đấu tranh để tồn tại và để khẳng định sự độc lập của Huyền”.

“Từ chủ nghĩa hiện thực xã hội chuyển sang khắc họa chân dung gợi cảm và tinh tế (như một thành phố chìm trong mưa) là cách mà Nguyễn Hoàng Điệp đã thực hiện để có một tác phẩm đầu tay rất thành công” - Nhà phê bình Charlotte Garson nhận xét.






'Đập cánh giữa không trung' - Bộ phim gây được tiếng vang, tia sáng lạc quan cho điện ảnh Việt.



Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tâm sự: “Tôi hạnh phúc vì đã cùng đoàn làm phim của mình tái hiện được không khí và màu sắc đặc biệt cho bộ phim dài đầu tay. Đó là không khí của mùa thứ năm, một mùa không phải xuân, không phải hạ, không phải thu hay đông. Đó là mùa của sự cô đơn và ngập tràn cảm giác về nữ tính”.

Ngoài ra không thể không nói tới bộ phim “Nước 2030” của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh được chiếu khai mạc chương trình Toàn cảnh (Panorama) Liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 64 với sự góp mặt các nhà làm phim, nhà sản xuất đến từ hơn 50 quốc gia trên thế giới, được khán giả châu Âu đón nhận nồng nhiệt.

Được đánh giá là bộ phim có kết hợp nhuần nhuyễn và tài tình những yếu tố thuộc thể loại điện ảnh khác nhau như: Hậu tận thế, viễn tưởng, ly kỳ và lãng mạn, “Nước 2030” thu hút khán giả chính bởi sự mới mẻ hiếm có trong điện ảnh Việt, với bàn tay đạo diễn tài ba của đạo diễn Nghiêm Minh - người từng thành công với “Mùa len trâu”, một trong những bộ phim hiếm hoi của Việt Nam tham dự hơn mười liên hoan phim khu vực và quốc tế, đồng thời giành được nhiều giải thưởng uy tín, cũng với bối cảnh mùa nước nổi miền Tây.

Giới thiệu về “Nước 2030”, trang web của MVFF (LHP Mill Valley - Mỹ) viết: “Đây là một bộ phim đẹp đẽ mê hoặc, pha trộn các yếu tố lãng mạn, kỳ bí, sát nhân, báo thù khiến câu chuyện về cơn ác mộng môi trường sắp xảy đến với vùng châu thổ sông Mekong càng thêm kịch tính”.

Ông Thierry Lenouvel - đại diện Nhà sản xuất phim “Đập cánh giữa không trung” nhận xét: Khát vọng tạo nên những tác phẩm điện ảnh có chất lượng, với những ngôn ngữ điện ảnh khác biệt chứ không phải là những bản sao Hollywood hay những bộ phim giải trí rẻ tiền hoàn toàn có thể thực hiện được trong tương lai vì Việt Nam là thị trường trẻ trong lĩnh vực điện ảnh, song hội tụ nhiều thế hệ đạo diễn tài năng. Bản thân ông cũng ngưỡng mộ nhiều nhà làm phim của Việt Nam.

Trước thềm năm mới 2015, điện ảnh Việt Nam đang đứng trước những khó khăn, thách thức mới nhưng cũng đầy hi vọng về một nền điện ảnh Việt Nam bừng lên những sắc màu tươi sáng.

T.H











Theo cinet.vn

View more random threads: