Một hình ảnh từ trailer bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.



(Cinet)- Nhiều ý kiến cho rằng điện ảnh Việt đang quay lại thời kì “mì ăn liền” và thu hút được lượng khán giả lớn đến rạp (chủ yếu là khán giả trẻ)…

Chất lượng đi xuống?

Nhận định này không phải là không có cơ sở, nếu xét đến một số điểm tương đồng của thời kì “mì ăn liền” và nền điện ảnh hiện nay. “Mì ăn liền” là thuật ngữ để chỉ một dòng phim đặc trưng ở đầu thập niên 90. Những phim này sử dụng chất liệu video, được sản xuất nhanh, quảng bá đơn giản và ra rạp chóng vánh để thu hồi vốn. Song dòng phim này bắt đầu thoái trào từ năm 1995 khi thị hiếu của khán giả thay đổi.

Trong thời gian gần đây, nhịp độ sản xuất phim ở Việt Nam hối hả khá giống với thập niên 90. Ai cũng có thể bỏ vốn sản xuất phim, từ ca sĩ, diễn viên, đến cả nghệ sĩ kịch, người mẫu. Phần lớn các nhà sản xuất mới thường chọn phim hài và kinh dị vì thực hiện nhanh gọn và doanh thu cao. Dĩ nhiên phim hành động cũng được khán giả ưu ái, nhưng nó yêu cầu kinh phí lớn và không phải nhà làm phim nội nào cũng dám thử sức.

Cuối năm 2014, bộ phim hài “Để Mai tính 2” xác lập kỷ lục phòng vé khi thu hơn 100 tỷ đồng và trụ rạp suốt hai tháng trời. Dù có không ít ý kiến đánh giá phim “nhảm nhí”, nhưng câu chuyện về chị Hội luôn kín suất chiếu và không có đối thủ nào xứng tầm ngoài phòng vé, tính cả phim ngoại.

Hay bộ phim hài “Lật mặt” đã làm nên hiện tượng khi thu hơn 10 tỷ đồng chỉ sau ba ngày trình chiếu. Tuy nhiên, giới chuyên môn không đánh giá cao, thậm chí gọi tác phẩm của Lý Hải là “thảm họa”.

Rồi hàng loạt bộ phim “sớm nở tối tàn” cũng tìm cách tiếp cận khán giả. Chúng ra rạp trong thời gian chớp nhoáng, đồng thời sớm thu hồi vốn liếng. Có thể kể tới những cái tên như “Tây Du Ký ngoại truyện”, “Sơn đẹp trai”, “Oan hồn”, “Tiên nữ không kiêng cữ”, “Hợp đồng bắt ma”...






Bộ phim hài “Để Mai tính 2” có không ít ý kiến đánh giá là phim “nhảm nhí”.





Bộ phim hài 'Lật mặt' bị chê là 'thảm họa'.



Đặc điểm chung của nhóm tác phẩm là có kịch bản nhạt nhẽo, dàn diễn viên nhiều trai xinh, gái đẹp nhưng diễn xuất không có gì nổi trội. Quá trình sản xuất vội vàng đương nhiên dẫn đến chất lượng nghệ thuật thấp. Kịch bản phim sơ sài, được chắp vá bằng các tình huống hài mảng miếng để câu khách. Cách dựng phim còn cẩu thả, kỹ xảo kém và đôi khi diễn viên lồng tiếng nghe như phim truyền hình.

Lượng khán giả thường xuyên ra rạp tại Việt Nam chủ yếu là người trẻ. “Gu thẩm mỹ” của họ thiên về thể loại hài, giải trí hoặc có diễn viên mà họ yêu mến. Chính nhóm khán giả này đang giữ “quyền năng” chi phối phim Việt chiếu rạp. Nhằm đáp ứng nhu cầu của họ, các nhà sản xuất liên tục đưa ra những bộ phim có nội dung dễ dãi nhưng chú trọng về mặt hình ảnh, diễn viên, trang phục, âm nhạc.

Chờ đợi những tín hiệu tích cực

Khán giả trẻ Việt Nam ở thời điểm hiện tại với thẩm mỹ xem phim vẫn đang phát triển từng ngày. Chính những nhà làm phim cũng góp phần quyết định thị hiếu của khán giả. Nếu cứ tiếp tục chiều lòng một bộ phận người xem mà cho ra đời những bộ phim hài nhảm, chính họ sẽ kéo lùi gu xem phim của khán giả, trong khi khiến một số khác quay lưng với phim Việt.

Mới đây, bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của Victor Vũ đã tung ra một trailer đẹp đến ngỡ ngàng. Khán giả kỳ vọng đây sẽ là bộ phim Việt hiếm hoi cân bằng được giữa hai giá trị nghệ thuật và thương mại. Bộ phim dựa trên tác phẩm văn học nổi tiếng cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Trong giai điệu êm đềm của ca khúc “Thằng Cuội”, hình ảnh đồng quê ở Phú Yên hiện lên tươi đẹp, hùng vĩ. Phim có bối cảnh làng quê Việt Nam trong thập niên 1980. Nội dung phim nói về cuộc sống của hai anh em với những trải nghiệm của tuổi ấu thơ. Ngay khi ra mắt, trailer “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã được cộng đồng mạng xã hội chia sẻ kèm theo nhiều lời khen ngợi. Những đánh giá tích cực của khán giả chứng tỏ công chúng vẫn “khát” những bộ phim điện ảnh đích thực, được đầu tư tâm huyết và kỹ lưỡng.









Những hình ảnh đồng quê tươi đẹp được giới thiệu trong trailer bộ phim 'Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh'.



Được biết, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là tác phẩm điện ảnh do Nhà nước đặt hàng, với nguồn tài trợ chính từ Nhà nước, do Cục Điện ảnh đại diện. Phần còn lại đến từ ba hãng phim tư nhân gồm Galaxy M&E, Saigon Concert và Phương Nam Film. Từ trước đến nay, nhiều tác phẩm được Nhà nước đầu tư rơi vào tình trạng bị “đắp chiếu” - không ra mắt rộng rãi và có những phim chiếu thì không có người xem. Chính vì vậy, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” có thể là tác phẩm sẽ làm thay đổi cục diện này.

Vẫn biết điện ảnh là loại hình nghệ thuật đầu tư tốn kém, nhưng lại có sức lan tỏa rộng lớn. Đây là phương tiện tuyên truyền đầy hiệu quả về đất nước, thiên nhiên, con người Việt Nam, đồng thời là công cụ để truyền tải cảm xúc tốt đẹp, nhân văn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời góp phần chống lại những tệ nạn xã hội... Nhưng làm sao để chất lượng phim dù truyền thống hay tư nhân đều phải được nâng lên mạnh mẽ thì vẫn luôn là câu hỏi đau đầu của tất cả những ai quan tâm, yêu mến điện ảnh nước nhà.

T.H (ảnh: Internet)



Theo cinet.vn

View more random threads: