(Cinet) – Tối 4/10, tại Nam Định đã diễn ra Đêm thơ kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ.
'Đêm thơ Lê Đức Thọ' nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ (10/10/1911 - 10/10/2011), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban tổ chức Trung ương.

Chương trình do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nam Định phối hợp Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật T.Ư; Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức với sự tham dự của đông đảo người yêu thơ Thành Nam và đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các sở, ngành địa phương.

Phát biểu tại lễ khai mạc đêm thơ, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc các Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: 'Thơ của đồng chí Lê Đức Thọ là thế giới tâm hồn của một chính khách hàng đầu của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ 20. Thơ ấy là tầm cao của lý tưởng, vẻ đẹp của tâm hồn và hơi ấm của nhân cách người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua thơ ấy, người ta thấy hiện lên bão táp của lịch sử, gương mặt và số phận của nhân dân trong cuộc chiến đấu ngàn trùng vì độc lập và tự do của Tổ quốc'.

Sau tiết mục ca múa hát chầu văn ca ngợi Đảng và phần đọc đôi câu đối của GS. Vũ Khiêu nêu bật công lao to lớn của đồng chí Lê Đức Thọ đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đông đảo văn nghệ sỹ và người yêu thơ Thành Nam có mặt trong khán phòng của CLB Vị Hoàng đã lần lượt thưởng thức 11 bài thơ hay nhất của đồng chí Lê Đức Thọ qua phần trình bày đầy xúc cảm của các nghệ sĩ, ca sĩ và nhạc sĩ nổi tiếng. Bên cạnh đó, đêm thơ còn giới thiệu những bài thơ được sáng tác trong không khí khẩn trương, đầy khí thế tấn công của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cũng như những vần thơ thể hiện tình đồng chí, đồng đội và tâm hồn thi sĩ của nhà cách mạng Lê Đức Thọ.

Đồng chí Lê Đức Thọ tên thật là Phan Đình Khải. Ông sinh ngày 10 tháng 10 năm 1911 tại huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, là một chiến sĩ cách mạng tiêu biểu của Việt Nam thế kỷ 20. Ông đã được trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Cách mạng tháng Mười (Liên Xô), Huân chương Angkor (Campuchia). Tại hội nghị Paris năm 1973, bằng tài năng, đạo đức, lòng kiên nhẫn và khiêm tốn, ông đã thành công trong cuộc đối đầu không khoan nhượng trước Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Henry Kissinger để chấm dứt chiến tranh trong ôn hòa.

Tên tuổi Lê Đức Thọ và Henry Kissinger trên bàn đàm phán Paris, cả thế giới đều biết. Vì vậy, giải Nobel hòa bình thế giới năm 1973 đã dành cho Lê Đức Thọ và Henry Kissinger. Kissinger đón nhận giải thưởng nhưng Lê Đức Thọ thì không, ông đã từ chối giải thưởng, với lý do đơn giản: “Hòa bình thực sự vẫn chưa được lập lại và tôi làm là vì dân tộc của tôi”…

CN/TTX

Theo cinet.vn