Khép lại Trại sáng tác Văn học Phú Yên 2011 do Hội VHNT tỉnh tổ chức, ngoài hơn 60 truyện ngắn, thơ, tản văn mà các trại viên nộp cho BTC trong ngày bế mạc trại, đến nay, Hội VHNT tỉnh đã nhận 332 tác phẩm với các thể loại. [IMG]/userfiles/image/2011/ky-tang111002.jpg[/IMG]Nhà văn Chu Lai (bên phải), một trong những diễn giả tham dự Trại sáng tác văn học, giao lưu với các học sinh, sinh viên Phú Yên.Ở mảng văn xuôi, nhà văn Ngô Phan Lưu gửi đến bốn truyện ngắn: Ánh sáng cong, Giải thoát, Những bà bạn, Thăm thẳm trưa. Truyện của ông không dài, độ nén cao nên người đọc phải xem kỹ vì nội dung không nằm ở chi tiết mà nằm trong từng chữ một; lối viết này ít ai theo nổi vì cần sự súc tích ngay từ những dòng đầu tiên của truyện. Trong truyện của Ngô Phan Lưu, cuộc đời thường được tác giả mổ xẻ theo tâm trạng từng nhân vật và điều cuối cùng đọng lại là nhân phẩm, đạo đức của con người. Tác giả Phương Trà, cây bút quen thuộc ở Báo Phú Yên, gửi đến truyện Cửa thiền thanh tịnh; đề tài xoay quanh mối quan hệ người với người trong những hoàn cảnh trớ trêu, những dằn xé nội tâm và cái kết dành cho bạn đọc suy nghĩ. Cách viết quen thuộc của Trà là mở rộng biên độ sự việc và khép dần lại để mở rộng tấm lòng, mở rộng tình người. “Trung thành” với đề tài thiếu nhi, cây bút nữ Pha Lê gởi đến truyện Bạn với ma. Với tác phẩm này, Pha Lê cho thấy ngòi bút của mình dần vững vàng trong cách đan cài chi tiết và tạo dựng mỗi nhân vật mỗi vẻ. Hoàng Ngọc Anh với truyện ký Không chỉ có ở đồng bằng mô tả chuyến đi thực tế của các trại viên. Đến với bà con vùng núi ở buôn Bầu (xã Ea Bá, huyện Sông Hinh), họ cảm nhận được cuộc sống đầm ấm và những cái hay, những nét độc đáo. Ksor Y Lêng với bút ký Trại sáng tác Văn học đầu tiên của tôi thật cảm động, mô tả những gì anh được biết, được tham dự trong suốt thời gian tham gia trại sáng tác.
Các tác giả Mạnh Hoài Nam, Lưu Phúc, Bùi Văn Thành, Võ Hữu Hùng, Quang Bình, Đào Tấn Trực có các tác phẩm văn xuôi với đề tài khác nhau, một số tác giả ghi lại những kỷ niệm thời thơ ấu nơi đồng quê có dòng sông, chiếc cầu, lũy tre, cánh đồng mùa gặt…, làm phong phú thêm cho mảng này.

Ở mảng thơ, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã nhận trên 250 bài thơ của nhiều tác giả, đa dạng nội dung, ca ngợi quê hương đất nước, Bác Hồ kính yêu, tình cha mẹ, tình yêu, tình đồng đội… Phan Kim Việt với từng câu chữ đầy ắp tình yêu quê hương: Giữa miền Trung nắng gió/ Có một miền/ Nở ngực kiêu sa/ Dẫu chỉ một lần qua/ Cũng đủ cho ai xôn xao lưu luyến (Xứ dừa quê biển). Nguyễn Tường Văn đậm đà chất thơ, đậm đà tình yêu trong hoài niệm: Hòa An! Hòa An/ Con xin làm loài chim bay về cất vang tiếng hót/ Giữa bầu trời quê mẹ buổi bình minh (Quê mẹ). Huỳnh Duy Hiếu bật thốt gửi bạn: Nẻo xa thoáng bóng chim gù/ Cây ươm nắng quái chiều thu gió gầy/ Ta về tìm chút thơ ngây/ Xin em môi ngọt đong đầy ngõ xưa (Trên đường lên thăm Đà Lạt). Đặc biệt, các thành viên CLB Thơ Diên Hồng đã góp phần vào sự thành công của Trại sáng tác Văn học. Họ cặm cụi sáng tác ngày đêm, lên lớp không vắng một buổi nào và nộp bản thảo sớm nhất. Những gương mặt đáng mến như: Nguyễn Công Hoan, Võ Ngọc Hùng, Mầu Huy Hoàng, Trần Thị Thủy, Ngô Sao Kim, Huỳnh Văn Liễn; những người ở xa vẫn đến dự đầy đủ như các anh chị: Ngọc Ái, Diễm Phúc, Đắc Dinh, Lê Tấn Khoa, Phan Quyết Chí. Thật đáng trân trọng!

Hai cây bút trẻ Phan Thị Hà Tuyên và Nguyên Hậu mang đến những sáng tác trẻ trung, tươi mới. Thơ của Hà Tuyên mượt mà, dung dị; người đọc hiểu ngay ý thơ so sánh một cách nhẹ nhàng: “Chiếc nôi chăm em bé/ Biển cả chăm con nước vơi đầy” (Chiếc nôi và biển cả). Còn thơ của Nguyên Hậu da diết và đằm thắm, có khi lại bùng lên dữ dội rồi nhẹ nhàng buông lơi. Đọc thơ Nguyên Hậu, đến đoạn kết, ta cứ bâng khuâng nhớ đến điều gì đó đã qua, nay lại vô tình gặp lại: “Mai có về giữ cho em màu tím/ Của hoa cà rưng rức bên hiên/ Miền khói sương anh chẳng phải đi tìm/ Em đứng đó đâu là hư ảnh… (Miền sương khói).

Một nhóm bạn thơ cao niên quen nhau từ lúc được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Họ đều đặn làm thơ, đọc thơ cho nhau nghe, có người đã giới thiệu với độc giả từ một đến nhiều tập sách. Nếu Lê Anh nhớ ngày thăm buôn Bầu: Tiếng cồng đưa anh đi/ Anh thấy tình thắm thiết/ Ngồi bên ché rượu cần/ Say tình em có biết (Đêm buôn Bầu) thì Trần Văn Lan say tình chẳng kém: Chị bưng chén rượu người mời/ Chị bưng trái đất nửa vời mà quay/ Từ ngày ta biết rượu cay/ Thì sông đã biển thì mây đã ngàn (Nhà chị hoa vàng). Hoàng Ngọc Anh cũng rất đa tình: Đèo Cả - Đèo Cả/ Đêm nằm mơ uốn khúc/ thương em như thuở ban đầu/ Đại Lãnh - bãi canh chừng sắc bến/ Thuyền về có chia mặn cho nhau (Khi xe qua đèo Cả).

Có những cây bút đến từ các vùng lúa và họ cần mẫn với ruộng đồng như cần mẫn với thơ, yêu thơ một cách dung dị, nhẹ nhàng. Cây bút thơ trẻ Kim Khoa viết: Nắng cháy má em hồng/ Mùa xuân gọi én về đùa nghịch/ Đôi má em ửng nắng giấc mơ tôi (Nắng xuân); Mỹ Lệ nhẹ nhàng câu thơ: Chuỗi ngày tắm nắng rong chơi/ Đêm ngồi uống hạt sương rơi ươm tình/ Thời gian đã đủ tròn mình/ Cá khua thân lúa rung rinh xuân thì (Lúa non); tác giả Hoài Niệm cũng rất hoài niệm: Em từ đồng quê tới/ tôi từ miền cát lên…/Nhẩn nha bãi dài bãi hẹp/ Mưa gió Chóp Chài/ hoa thơm Ngọc Lãng/ phố nhỏ/ bàn tay/ gom góp trang đời (Tuy Hòa em và phố).

Trại sáng tác văn học lần này là một mùa vàng bội thu trên cánh đồng văn chương của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên.

Theo PY

Theo cinet.vn