Nhà văn Hồ Phương tên thật là Nguyễn Thế Xương. Ngay từ thời học sinh, ông đã bộc lộ tài hoa và lúc vừa lớn lên, cảm hứng cách mạng đã chắp cánh văn chương để ông dấn thân vào con đường chữ nghĩa suốt hơn sáu mươi năm.
Ông đi tìm vẻ đẹp trong cuộc đời người lính và cuộc sống chiến đấu của đất nước ngày chiến chinh…

Bây giờ, khi đất nước thanh bình, ông lại đi tìm vẻ đẹp, cả nỗi đau những người chinh phụ ở hậu phương xa xôi thủa nào mà như ông bảo, đó cũng là một phía của chiến tranh mà bởi vì trước đây chưa có điều kiện để viết... Tâm ông còn đau đáu với đồng đội, với đất nước ngày yên hàn…

Tài hoa ra trận

Cho đến bây giờ trong tôi, câu chuyện của hai ông Hồ Giáo - Hồ Phương vẫn còn như một “nghi án” văn chương, khi tác giả Cỏ non và người chăn bò hai lần anh hùng Hồ Giáo vẫn còn những câu chuyện vui. Hai nhân vật họ Hồ nào đã gặp nhau… Người Quảng Ngãi - quê hương anh hùng Hồ Giáo đinh ninh truyện Cỏ non của Hồ Phương viết về anh Nhẫn – Hồ Giáo, từng mời nhà văn vào thăm quê hương Hồ Giáo, còn nhà văn thì bảo nhân vật Nhẫn không phải lấy nguyên mẫu từ anh hùng Hồ Giáo…

Một lần ra Hà Nội họp, ông Hồ Giáo kể: Thời ông đang ở Nông trường trên Ba Vì có một nhà văn mời ông về Hà Nội chơi, hình như là ở Cầu Diễn thì phải và hỏi chuyện chăn bò gần mất cả một ngày. “Không biết người ấy có phải là Hồ Phương không. Tôi sau này cũng nghe nói là có người viết về tôi nhưng đến giờ tôi vẫn không thấy ổng tặng tôi cuốn sách nào”...

Chuyện lình xình giữa hai nhân vật họ Hồ ấy thật dễ thương. Hồ Phương bảo: “Mấy năm trước, lần lên Sơn Tây chơi, bỗng dưng có người bảo tôi, ông Hồ Giáo kìa. Đó là lần đầu tiên tôi gặp ông ấy, thế mà ai đọc Cỏ non cũng bảo chúng tôi đã gặp nhau trước đó…”.

Nhưng dù sao thì Cỏ non nổi tiếng đến nỗi nhắc đến Hồ Phương, từ những năm sáu mươi TK XX đến tận ngày hôm nay, nhiều người vẫn nhớ đến Cỏ non… Nhưng Hồ Phương lớn lao không chỉ thế, ông là tác giả của những truyện ngắn nổi tiếng, những bộ tiểu thuyết đồ sộ: Những tầm cao, Cha và con, Chúng tôi ở Cồn Cỏ…

Với tuổi thơ tôi, Hồ Phương làm tôi mê nhất có lẽ là truyện ngắn Thư nhà ông viết thời kháng chiến chống Pháp. Chỉ một truyện ngắn ấy thôi, tôi nghĩ đã đủ đưa ông lên hàng những nhà văn lớn thời cách mạng và kháng chiến…

Mối tình giữa anh Vệ quốc đoàn xa nhà tên Lượng và cô du kích Đông Triều tên Chi làm bao thế hệ người đọc cảm động. Cuộc kháng chiến chống Pháp với biết bao câu chuyện bi hùng thì ở Thư nhà, một câu chuyện điển hình đến mức không thể viết hay hơn. Nỗi đau mất mát, lòng căm thù giặc và tình yêu của họ thật đẹp, rất cao thượng và thật anh hùng…

Thư nhà đã sẻ chia và có thể nó đã cứu vớt nhiều cuộc tình, nhiều cuộc đời bất hạnh. Phải nói rằng, ngay từ truyện ngắn đầu tiên, và khi vừa xuất hiện trên văn đàn, Hồ Phương đã tạo dựng được bút pháp riêng, giọng điệu riêng như một cái duyên chữ nghĩa được bạn đọc đánh giá cao. Hồ Phương nổi tiếng từ rất sớm, vì vậy, từ những tác phẩm thời chống Pháp, sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, và đến cả sau này, bút lực ông vẫn dồi dào, vẫn mạch đề tài yêu nước và cách mạng, những “Cỏ non” (1960), “Trên biển lớn” (1964), “Chúng tôi ở Cồn Cỏ” (1966), “Kan Lịch” (1971), “Biển gọi” (1980), “Những tầm cao” (1973 và 1977), “Mặt trời ấm sáng (1985), “Những tiếng súng đầu tiên” (1987) và sau này là Yêu tinh, Ngàn dâu, Biển gọi, Những cánh rừng lá đỏ, Cha và con… Trong số đó, nhiều tác phẩm được tặng các giải thưởng cao quý…

Tên thật của Hồ Phương là Nguyễn Thế Xương, sinh năm 1931, quê gốc ở Hà Đông, nhưng lớn lên đi học ở Hà Nội. Ông thuộc lớp thanh niên trí thức tài hoa ra đi cứu nước. Cuộc cách mạng Tháng Tám thành công đã thổi luồng sinh khí trong trẻo, giàu lý tưởng, yêu dân, yêu nước vào lớp trí thức trẻ.

Trưởng thành từ người lính, khi đang là học sinh Hà Nội, 17 tuổi, chàng thư sinh Nguyễn Thế Xương xung phong vào tự vệ thành rồi sau đó có mặt trong trung đoàn Thủ đô tham gia 60 ngày đêm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” rồi cùng cả dân tộc đi vào cuộc trường kỳ kháng chiến.

Ông có vinh dự có mặt trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lớn suốt từ những năm chống Pháp trong đội hình Đại đoàn 308 là đơn vị chủ lực đầu tiên và sau này là Sư đoàn Quân Tiên phong. Từ người lính, Nguyễn Thế Xương trưởng thành trong chiến đấu được đề bạt đến chính trị viên đại đội…

Nhà văn kể, “Thời đi học đã cầm bút viết văn, từng viết cho tờ báo dành cho thiếu nhi. Truyện ngắn Tiếng kèn gọi lính từng đoạt giải thưởng… Kháng chiến bùng nổ, vào bộ đội, tôi bắt đầu tham gia viết bài cho các phụ san của đơn vị... Truyện Lưỡi mác xung kích in trên tạp chí Văn nghệ năm 1948 khi tôi 17 tuổi như một cái mốc đưa tôi thật sự tham gia vào đời sống văn nghệ kháng chiến… Truyện ngắn Thư nhà viết năm 1949 đã bắt đầu đưa Hồ Phương thành một tên tuổi, khi ông vừa 18... Cái tên Hồ Phương ra đời do ông lấy họ Bác Hồ gắn với tên Phương là tên một người trong mộng thủa hoa niên mà thành... cũng là một câu chuyện đẹp.

Là nhà văn có mặt suốt hai cuộc trường chinh cứu nước, vinh dự có mặt ở Điện Biên năm 1954, lại có mặt ở Sài Gòn năm 1975 lịch sử, hơn ai hết ông hiểu đời sống chiến đấu của quân đội, của nhân dân ta và sức sáng tạo vạm vỡ Hồ Phương với hàng chục cuốn tiểu thuyết chân thực, sinh động, lấp lánh tài hoa về chiến tranh vệ quốc đã đưa ông lên hàng những nhà văn lớn. Hành trình qua hai cuộc trường kỳ đánh giặc, Hồ Phương đã có những đóng góp lớn lao cho văn học Việt Nam, đặc biệt đề tài chiến tranh và cách mạng.

“Đúng là không phải người lính tham gia trận mạc nào cũng may mắn được như tôi là có mặt ở tất cả các điểm nóng - ông chia sẻ. Chiến thắng Điện Biên Phủ 7.5.1954 khi ấy tôi mới 23 tuổi, mừng vui chỉ sau một, hai ngày thôi, sau đó lắng xuống, có một cái hẫng, rất lạ vì nhìn thấy đơn vị của mình đã hy sinh đến một phần ba quân số.

Và sau một vài ngày nữa trở về hậu phương, sẽ trả lời vợ con liệt sĩ như thế nào đây. Lúc ấy mới thấy cái giá của chiến thắng nó “ghê” như thế nào? Nó không phải chỉ là tiếng pháo bông, vỗ tay ngoài xa, hậu phương vui vẻ. Người lính chỉ reo vang một lúc thôi, còn sau đó nhìn quanh thì thấy đồng đội của mình hy sinh. Ở đơn vị của tôi, đại đội trưởng hy sinh mà không hiểu sao tôi còn được sống vì ở cùng một vị trí lúc chiến đấu.

Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ tưng bừng là thế, nhưng đến ngày 30.4.1975 thì như một giấc mơ lớn. Cảm giác mênh mang sung sướng, ngây ngất đến hàng tuần, gặp nhau cứ ngỡ như mơ. Đất nước ta đã liền một dải và từ đây không còn cảnh chia cắt Nam Bắc. Cảm giác thiêng liêng, tự hào dân tộc và giá trị của cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ dân tộc suốt chặng đường dài 30 năm làm lòng người ngây ngất sướng vui…”.

Hai cuộc trường chinh, “nợ” vẫn còn...

Vâng! Đến bây giờ, những người cầm bút cùng lứa với Hồ Phương hình như còn lại mỗi mình ông. Nguyễn Khải, Xuân Thiều, Thu Bồn, Hữu Mai rồi Dũng Hà… lần lượt bỏ đi xa… Ông bảo: “Hình như trời bỏ sót tôi”. Hơn 60 năm cầm bút, qua hai cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc, bây giờ khi đã ở tuổi 80, nhà văn Hồ Phương vẫn còn viết. Những bộ tiểu thuyết được xét giải thưởng Hồ Chí Minh lần này phần lớn được viết sau chiến tranh: Ngàn dâu (tiểu thuyết), Biển gọi (tiểu thuyết), Yêu tinh (tiểu thuyết), Những cánh rừng lá đỏ (tiểu thuyết). Cuộc chiến nào cũng có lắm bi hùng. Ông bảo, viết bao nhiêu mà như vẫn chưa đủ trả nợ cuộc đời. Món nợ vẫn còn với đồng đội, với đồng bào luôn canh cánh trong lòng.

Ngợi ca cuộc chiến đấu anh dũng quật cường của quân dân trong hai cuộc trường kỳ chiến tranh vệ quốc vĩ đại, ông từng là người ở nơi tiên phong. Nhưng có một cuộc chiến khác không ác liệt bằng, nhưng xa xót, nhưng bi kịch còn chưa được khai phá một cách nghiêm túc, rõ nét. Người ta tránh né đề tài nỗi đau, mất mát. Không có chiến thắng nào không trải mất mát, đau thương…

Cái vĩ đại của dân tộc mình có cả ở phía sau người lính. Lịch sử mai sau làm sao hiểu nổi cái giá của chiến thắng khi không hiểu những nỗi đau, những hy sinh phía sau mặt trận. Và ngày hòa bình, ông đã lại viết về những mặt trận phía sau ấy. Đó là hậu phương, nơi “Có những người vợ chớ bé bỏng chiều quê” (Hữu Loan).

Còn có những người vợ lính khi chồng đi chiến trường thì ở nhà không chịu đựng nổi, đi lang thang, sa ngã. Có người thì cặp bồ với anh chị dao găm, súng lục. Nhiều bi kịch. Chiến tranh không chỉ có tô hồng, không phải đã là vợ lính thì đều gương mẫu. Chiến tranh có rất nhiều mặt. Tôi sẽ viết chuyện hồi đó chưa ai dám viết. Tôi đang viết điều mà tôi rất tâm huyết, vì đấy cũng là một bộ mặt của chiến tranh.

“Không phải đâu xa mà chính khu vực này, khu tập thể Nam Đồng, ngày xưa gọi là khu Gia binh. Tôi viết về những người vợ lính trong suốt cuộc chiến tranh. Những người vợ có chồng đi B, có người thì trở về, cũng có người thì biền biệt và không bao giờ trở về nữa. Khu này khi đấy rất nhiều cô ở vùng nông thôn đến, còn cũng có một số tiểu thư khuê các Hà Nội làm vợ bộ đội về đây sinh sống như những cô gái nông thôn, trong đó có vợ tôi”.

Tất cả cho tiền tuyến. Trai tráng lên đường ra mặt trận. Ở hậu phương, công việc xã hội và gia đình, người phụ nữ một mình lo liệu. Việc nhà, việc nước đổ cả lên những đôi vai mỏng manh yếu ớt… Cả lúc vượt cạn, họ cũng chỉ một mình.Với đồng lương eo hẹp, cuộc sống hết sức cực khổ, các cô gái Hà Nội đã phải bán những bộ quần áo đẹp nhất, bán hết cả vòng xuyến, khuyên tai để nuôi con. Có lẽ không ai hiểu lòng người chinh phụ bằng những người trai ra mặt trận. Vì thế những năm tháng còn lại, ông dành thời gian chăm sóc người vợ đương trọng bệnh. Ông hiểu những mất mát hy sinh, những tảo tần họ gánh… Ấy còn là đức thủy chung, hay là ân nghĩa của người ra trận…

Đọc Hồ Phương, khâm phục văn tài ông quá nửa thế kỷ, chiều Thu nay trong căn phòng nhỏ khu Gia binh, nhìn nhà văn – vị tướng già tận tụy chăm sóc người vợ ốm đau, lòng tôi bỗng trào dâng niềm cảm mến. Họ đã một đời tận tụy vì Tổ quốc, lại vì nhau, trọn vẹn nghĩa tình…

Theo VH

Theo cinet.vn