(Cinet) - “Thơ ca Việt Nam hiện đại nhìn từ miền trung” là chủ đề cuộc hội thảo vừa được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) trong 2 ngày 8 và 9/10.

Hội thảo nhằm nêu bật những giá trị tiêu biểu tạo nên đặc trưng của thơ miền Trung, làm sáng rõ những giá trị nổi bật của miền thơ vạm vỡ này đối với thơ hiện đại Việt Nam.
Tới dự Hội thảo có nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Uỷ ban liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam; đồng chí Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học trung ương và hơn 100 nhà thơ, nhà văn đang sống và làm việc ở 15 tỉnh trên dải đất miền Trung - Tây Nguyên, từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Kon Tum, Đắc Lắc, Gia Lai...
Dải đất miền Trung là quê hương của rất nhiều tên tuổi lớn trong văn học và thi ca đất nước. Từ những vị 'thánh thơ' như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, các chí sỹ như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đến thời Thơ mới với Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên; gần hơn nữa là Tố Hữu, Trần Mai Ninh, Hữu Loan, Bùi Giáng rồi gần nhất là Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khoa Điềm, Thu Bồn, Nguyễn Duy, Nguyễn Trọng Tạo, Lâm Thị Mỹ Dạ... Đấy là tập hợp những gam màu thơ đan xen nhau thú vị và bổ sung cho nhau, đủ làm hiện lên một bức tranh hài hòa trên tổng thể nhưng lại mang bố cục hết sức phóng tục, khi rực rỡ, khi trầm lắng, chỗ chói chang, chỗ đằm thắm. Theo nhà thơ Bằng Việt, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội nhà văn: 'Đấy chính là 'chất bột đã gột nên hồ' của thơ miền Trung, một vùng thơ đủ sức làm nên niềm tự hào xứng đáng và rạng rỡ của thơ Việt Nam, đóng góp cho sự giàu có lớn lao và nhân hậu của tâm hồn Việt, nơi chứa đựng vẻ đẹp sắc sảo và đầy ám ảnh về hình ảnh và ngữ ngôn trong tiếng Việt. Qua nhiều thế hệ, thơ miền Trung đã thở thành một bộ phận hữu cơ luôn luôn phát sáng và không thể thiếu vắng trong các giá trị nổi bật, tạo nên vẻ đẹp tổng thể toàn vẹn của nền văn hóa Việt Nam.'
Với 29 tham luận của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình trình bày tại hội thảo đã phác thảo chặng đường phát triển của thơ ca ở dải đất nhiều bão giông và gió, của những nhà thơ đã được khẳng định trên thi đàn cùng những gương mặt trẻ, giọng thơ mới tràn đầy khát vọng cống hiến. Các nhà thơ miền trung còn có mặt ở mọi miền đất nước, đóng góp vào sự phát triển đa dạng của các vùng, nhưng trong chủ thể sáng tạo vẫn giữ được nét riêng, tạo nên phong cách riêng của mỗi người. Bên cạnh đó, một số tham luận cũng bày tỏ những trăn trở, lo toan trước những khuynh hướng phát triển không thuận chiều của thi ca đương đại; đồng thời, đánh giá cao những tìm tòi, cách tân của các nhà thơ miền trung, nhất là thế hệ nhà thơ kháng chiến trước đây.
Hội thảo “Thơ ca Việt Nam hiện đại nhìn từ miền trung”cũng gợi mở hướng đổi mới, phát triển của thơ ca, hy vọng các nhà thơ trẻ hôm nay tiếp tục tìm tòi sáng tạo thu được những thành quả lớn hơn, góp phần khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam trong thời đại kinh tế tri thức.
CN/TTX

Theo cinet.vn