Gọi thơ trẻ Huế, có nhiều cách hiểu. Ở bài này, người viết chọn cách hiểu thơ của những người trẻ, cụ thể là từ độ tuổi 7x trở về sau. Có thể khẳng định, ở Huế, có một đội ngũ thơ trẻ.
Xin được liệt kê các gương mặt trẻ: “Hoa cúc mùa thu”, “Lá tháng Chạp”, “Quang gánh và những bài thơ khác” của Phạm Nguyên Tường; “Người đi chăn sóng biển” của Văn Cầm Hải; “Điệp ngữ tình” của Nguyễn Lãm Thắng; “Linh Ngọc”, “Vông vang” của Lê Tấn Quỳnh; “Thơ đá”, “Mưa kim cương”, “Người đàn bà che mặt” của Đông Hà; “Truồi” của Ngô Công Tấn; “Khúc đêm”, “Miền yêu” của Châu Thu Hà; “Kí ức xanh”, “Ngày không nhớ” của Lê Vĩnh Thái; “Người ngủ muộn” của Fan Tuấn Anh; Hải Trung; “Bốn mùa yêu”, “Gọi em ở cuối thiên đường” của Lưu Ly; “Lập Thiền”, “Khi người ta cúi mặt” của Nhụy Nguyên; “Tái tạo” của Luân Nguyễn… Ngoài đội ngũ thơ trẻ có sản phẩm, Huế còn nhiều cây bút khác như: Nguyễn Anh Dân, Tạ Xuân Hải, Lê Trà Linh, Hoàng Thị Thiều Anh… Những sáng tác của các tác giả này chưa in thành sách nhưng cũng ít nhiều đã góp phần bổ sung lực lượng sáng tác thơ trẻ ở Huế.
Đội ngũ khá hùng hậu, nhưng chưa mạnh, chưa có những danh thơ như thời Ngô Kha, Trần Quang Long, Trần Vàng Sao, Nguyễn Khoa Điềm và thế hệ tiếp nối từ sau 1975.
Sự thành công của người viết trẻ bao gồm sự tác động của cả hai yếu tố: chủ quan và khách quan. Về yếu tố chủ quan: bầu nhiệt huyết, lòng đam mê của nội lực trẻ; thích tìm tòi, khám phá, nhanh nhạy tiếp cận cái mới, có ý thức sáng tạo, chịu được làn roi của dư luận trước vấn đề mà mình thể nghiệm; vốn ngoại ngữ; ý thức được vai trò của mình đối với sứ mệnh thi ca; mong muốn khẳng định cá tính của mình. Về yếu tố khách quan: sự chuyển hướng, vận động của thơ ca trong xu thế toàn cầu hoá, ngôi nhà thơ trở nên đa dạng về mẫu mã (thơ hậu hiện đại, thơ trình diễn, thơ tân hình thức,...); sân chơi thông thoáng, cởi mở; thời đại của công nghệ thông tin; hình thức PR. Những yếu tố chủ quan và khách quan ảnh hưởng, chi phối đến quá trình sáng tác của các cây bút trẻ. Người theo trường phái này, người theo trường phái khác, người ảnh hưởng kiểu sáng tác của nhà văn này, người ảnh hưởng sáng tác của nhà văn khác… Cách xuất phát điểm có thể khác nhau nhưng họ đều giống nhau ở một điểm: khát khao cống hiến sức trẻ của mình vào công cuộc làm mới thơ.
Thơ trẻ Huế có nhiều điểm riêng chung so với các vùng miền thơ ca khác. Những điểm riêng chung ấy cũng hệ luỵ đến những mặt tích cực và hạn chế của thơ trẻ Huế.
Thứ nhất, đặc trưng của vùng đất cố đô, nếp sống và nếp nghĩ của người Huế đậm nét trong các sáng tác của các nhà thơ trẻ. Có người cho rằng, thơ trẻ Huế ít viết về đất Thần kinh, nhưng nếu khảo sát kĩ các tập thơ của họ, chất thơ mộng của Huế vẫn là nguồn cảm hứng của nhiều cây bút. Họ gửi gắm tình cảm của mình với quê hương, với con người nơi đây. Bản sắc văn hoá Huế không hề trộn lẫn với các vùng miền khác, từ điệu nói, điệu nghĩ, điệu cảm của con người nơi đây. Những bài thơ: “Mùa” của Hải Trung, “Huyền khúc sông Hương” của Phạm Nguyên Tường; “Nhớ” và “Ru mưa” của Lê Vĩnh Thái; “Truồi”, “Gánh cơm hến” và “Mưa hoàng thành” của Ngô Công Tấn; “Huyền thoại dòng Hương” của Nhuỵ Nguyên; “Gởi người rời Huế”, “Trở lại Hoàng cung” của Đông Hà, “Trong tình yêu anh” và “Khoảng lặng” của Châu Thu Hà… Không chỉ mang dấu ấn của vùng đất thơ mộng mà trong thơ của các tác giả trẻ Huế, ngôn từ cũng rất riêng, đặc trưng.
Thứ hai, thơ trẻ ở Huế xuất phát điểm từ thơ truyền thống đến thơ tự do. Buổi đầu, đa phần họ chọn thể thơ truyền thống để chuyển tải các chủ đề về quê hương, tình yêu, tình bạn như: Phạm Nguyên Tường, Lê Tấn Quỳnh, Đông Hà, Ngô Công Tấn, Nhuỵ Nguyên, Nguyễn Lãm Thắng, Châu Thu Hà, Lưu Ly… Thơ còn ít đụng chạm đến các vấn đề bức xúc của cuộc sống, ít hướng đến chiều dài văn hoá, lịch sử. Tiếng nói trong thơ còn nhẹ, ngại sự đụng chạm, vì thế, chiều kích của cuộc sống chưa mở được hết biên độ. Lúc này, sáng tác của họ chưa đủ sức vang, đang còn lẫn vào bạt ngàn dòng chảy của thơ. Sau này, những năm gần đây, các cây bút trẻ có sự chuyển mình trong sáng tác rất rõ rệt. Họ mạnh dạn cởi tấm áo thơ chật hẹp và gò bó bấy nay, nhiều tác giả tự làm mới thơ mình. Những vấn đề nóng bỏng, thế sự ít nhiều được cài vào thơ. Nhờ thế, thơ giàu tính triết lý hơn. Nguyễn Lãm Thắng “nói nhiều về điều không thể nói”; Lê Tấn Quỳnh đớn đau trước thảm cảnh “nơi cái nhìn nhau cũng nhón mình tất tả”; Nhuỵ Nguyên tê tái lòng trước “những mảnh vỡ tội tình” trong thời bình; Fan Tuấn Anh “đi xa xăm về phía lãnh thổ của nỗi buồn và sự đớn đau trong trái tim loài người thơ dại”. Lưu Ly sống với “thế giới của những trò đùa, ngọt ngào và giả dối”. Đông Hà “cứ vương máu chảy” trước nỗi đau da cam của con người…
Thứ ba, cuộc sống khắc nghiệt của miền Trung cùng với đặc điểm kín đáo, tế nhị của người Huế ảnh hưởng đến tư duy thơ của lớp trẻ. Vì thế, thơ ca của họ luôn có sự thâm trầm, sâu lắng, phảng phất nét buồn cố đô. Đây là điểm khác biệt lớn so với thơ ca của các vùng khác. Phải chăng, vì thế mà phong cách táo bạo, dấn thân như Nguyễn Vĩnh Tiến, Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư, Lưu Mêlan không hợp lắm đối với vùng đất này ? Thay vào đó người đọc có thể kì vọng vào những con đường đi khá “biệt” và lạ “Nơi hơi thở nhân gian chùng áp thấp/ Nơi đụng độ nơi đọa đày/ Nơi quật ngã không tiếc thương/ Nơi giật nổ/ Ớn rung/ Nguồn khởi động”(Quang gánh) của Phạm Nguyên Tường, nơi Hải Trung với “cơn mê loang lổ chân đê/ gió tung rơm điểm tô chân trời/ kim thời gian xoắn nguợc nụ cười/ đêm sâu vẹt mòn tiếng khóc” (Gọi những giấc mơ), nơi Nguyễn Lãm Thắng “có đôi mắt quắc sáng nhìn xuyên thủng huyền thoại” “thấy từng miếng thời gian gãy khúc trên chiếc lưỡi dối lừa”, nơi Văn Cầm Hải “…bước vào căn nhà bằng đôi chân cháy mòn hộ khẩu/ một tiếng ho choáng mùa/ nẩy màu đêm dậy” (Cánh cửa đỏ), nơi Lê Vĩnh Thái “buộc tên mình ném vào tháng ngày cũ rích” để “cô đơn nhú lộc khắp phòng”, nơi Fan Tuấn Anh – “người mục đồng đi chăn thả nỗi buồn” kiến tạo, đối sánh tình yêu trong lớp trầm tích của thời gian-văn hóa, nơi Nhuỵ Nguyên “vén mặt kiếp người”, nơi Lê Tấn Quỳnh “lấy nỗi buồn thắt chỉ sông”… Sự biệt và lạ ấy chưa thật sự là một xu hướng của thơ trẻ Huế, chưa làm nên chất trẻ riêng có của Huế, nhưng có thể coi đó là dấu hiệu báo trước sự chuyển dòng.
Vẫn còn nhiều cây bút trẻ Huế sử dụng thể loại truyền thống (thơ lục bát, 5 chữ, 6 chữ…) như: Phạm Nguyên Tường, Hải Trung, Nhụy Nguyên, Đông Hà, Châu Thu Hà, Ngô Công Tấn… nhưng họ biết thổi vào thơ lối tư duy mới: “Tôi xin một chút hương thừa/ đem về đốt lấy lập chùa tu riêng/ Tu rằng một chút tình duyên/ Cũng đem hương khói qua miền gian truân” (Nhan sắc – Đông Hà); “Tôi ngồi đối bóng giấc mơ/ thấy mình như một câu thơ… liệm rồi” (Chiêu hồn - Nhuỵ Nguyên); … Xu hướng hiện đại, cách tân dần dần được nhiều cây bút trẻ như: Nguyễn Lãm Thắng, Fan Tuấn Anh, Lê Tấn Quỳnh, Luân Nguyễn, Lưu Ly…tìm đến. Linh hoạt hai trục: trục lựa chọn và trục kết hợp, các nhà thơ trẻ Huế sắp đặt, cát dán, lắp ghép ngôn từ rất hiệu quả. Văn Cầm Hải tinh tế trong từng mũi chỉ đường khâu của con chữ: “Mùi quế hương lưu vong/ tấm lưng trần liệm nắng/ ngọn râu khoai lườm nguýt mặt đất/ những bầu vú ra khơi vắt sữa mặt trời!” (Hoe chân lời). Hải Trung khảo cổ ngay trên “nền phế tích loang từ ngực thiếu phụ” để tìm: “từng lớp một.../ mảnh bom, mảnh đạn/ chiến tranh đi- những vết xước thân mình/ này bật lửa zippo/ này thắt lưng hoen rỉ/ mùi thuốc súng khét giữa bình minh” (Khảo cổ). Lê Vĩnh Thái “nuốt vào ngực quãng vắng đời mình” “để hiểu thêm tật nguyền tiềm ẩn”. Nguyễn Lãm Thắng tập mở mắt nhìn thế giới phía giác độ người mù: “trong khối óc chứa nhiều gai nhọn/ những tế bào tê liệt bởi thời gian hoen ố/ lại bới đào để tìm thấy nhau trong từng miếng sứt cổ vật/ sự bành trướng đang nuốt một cách tham lam từng giọt muối biển/ thương dòng sông toát mồ hôi mấy ngàn năm” (Có thể nói nhiều về điều không thể nói)… Và/với một Nguyễn Lãm Thắng hiện đại, táo bạo trong cách viết: “những đám mây xám toa rập/ chúng có thể cười toang hoác dưới bầu trời ngột/ và tự đứt ra từng khúc nhão nhoẹt/ có một con đường chúng đã chọn/ và bay không lối thoát/ có những lúc chúng bay giật lùi mơ hồ/ có những lúc chúng quần nhau che giấu sự dối trá/ có những lúc chúng nâng đỡ nhau tiếp sức nhau bằng những bàn tay lọc lừa ánh sáng/ chúng đã tìm ra cái rốn của sự đoàn kết đó là vòng xoáy có thể nhận chìm những hạt bụi nhẹ dạ/ và đến lúc chúng tự cấu xé hạ bệ nhau trong vòng xoáy lạnh lùng khát máu ấy” (Những đám mây xám). Nguyễn Lãm Thắng đã và đang đưa cái mới, cái khác, giọng điệu riêng cho thơ trẻ Huế.
Tuy bước đầu đã làm nên cái lạ, cái biệt, đang đẩy những vấn đề thiết thực của đời sống vào trong thơ thay vì mải miết kiếm tìm ở những đề tài cũ, quen thuộc, nhưng bệ phóng của thơ trẻ Huế chưa thực sự trở thành làn sóng. Những cây bút triển vọng thường tham gia sân chơi ở các trang mạng, ít hội tụ ở báo viết và in thành sách để bạn đọc rộng đường tiếp cận. Điều này cũng tác động hai chiều đến sự phát triển và diện mạo thơ trẻ Huế.
Thực ra, con đường mà các tác giả trẻ Huế đi cũng không lạ, mới so với những cây bút trẻ của cả nước. Khuynh hướng tự do, ấn tượng, lập ngôn ngay từ lúc cầm bút, như ở hai đầu đất nước, thì thơ Huế chưa trội. Hai xu hướng thơ truyền thống và thơ hiện đại vẫn tồn tại song song trong đội ngũ thơ trẻ Huế tạo nên diện mạo riêng: vừa cổ kín, thâm trầm vừa tươi trẻ, mạnh bạo. Khi chất sống, nhựa sống, hơi thở của thời đại đi vào thơ, thơ trẻ Huế đang dần dần vươn đến cái mới, có những tìm tòi, thể nghiệm về mặt nội dung lẫn hình thức. Dẫu chưa có hiện tượng gây xôn xao thi đàn như thơ trẻ Bắc, Nam, song những gì mà thơ trẻ Huế đã và đang có đã khẳng định/đại diện sức trẻ của thơ miền Trung. Những nét riêng và chung của thơ trẻ Huế vừa góp phần vào sự phát triển của thơ Việt Nam, vừa minh chứng tiếng nói riêng của vùng đất nắng gió.
Theo Vanvn

Theo cinet.vn

View more random threads: