(Cinet) – “Văn xuôi Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ đổi mới” là chủ đề cuộc hội thảo do Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức diễn ra trong 2 ngày 30 và 31/10 tại Bến Tre.
Dư hội thảo gồm có: Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam; nhà thơ - nhà LLPB Lê Quang Trang - Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà văn TP. Hồ Chí Minh; nhà văn Nguyễn Quang Sáng - nguyên Phó tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam; nhà văn Lê Văn Thảo - nguyên Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam; nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu - Trưởng đại diện Văn phòng phía nam Hội nhà văn Việt Nam; nhà văn Kim Quyên - đại diện Chi hội nhà văn Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh; nhà văn Trang Thế Hy - nguyên UV. Ban chấp hành Hội nhà văn TP. Hồ Chí Minh; đại diện Hội VHNT các tỉnh Tiền Giang, Trà VInh, Đồng Tháp, An Giang, Sóc T rang, Cà Mau, Cần Thơ cùng gần 60 hội viên Hội nhà văn Việt Nam tại ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh; và hơn 10 tác giả văn xuôi trẻ đầy triển vọng của ĐBSCL.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận xung quanh các nội dung: Đánh giá lại vùng văn học quan trọng của đất nước; những khó khăn, cản trở đối với văn học ĐBSCL thời hội nhập và những giải pháp nhằm khắc phục để văn học ĐBSCL tiếp tục phát triển.
Đa phần ý kiến của các đại biểu nhất trí cho rằng, từ cuối thế kỷ 19 đến nay, ĐBSCL là vùng đất trù phú không chỉ đối với phát triển kinh tế, mà còn với cả văn học nghệ thuật. Thời chống Pháp có những nhà văn nổi tiếng như: Sơn Nam, Hồ Biểu Chánh, Phi Vân. Trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước có Nguyễn Quang Sáng, Trang Thế Hy, Đoàn Giỏi, Lê Văn Thảo ( nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ), Anh Động và hiện nay có các nhà văn trẻ, trưởng thành sau 1975: Nguyễn Ngọc Tư ( Cà Mau ), Võ Diệu Thanh, Trương Thị Thanh Hiền ( An Giang ), Trầm Hương ( Bến Tre )...Tuy nhiên, trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, văn học ĐBSCL gặp không ít khó khăn như sự cạnh tranh của Internet, văn hóa đọc chưa hấp dẫn nhiều người, nhất là giới trẻ; thị trường xuất bản sách văn học bị co hẹp...
Để khắc phục những vấn đề trên, nhà thơ, nhà lý luận phê bình Lê Quang Trang, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đưa ra một số giải pháp để các nhà văn ĐBSCL cùng suy ngẫm và cũng để tổng kết cuộc hội thảo. Đó là các nhà văn cần có tâm huyết, dấn thân, tích cực thâm nhập thực tế, gán bó với đời sống của quần chúng nhân dân vùng ĐBSCL trong thời kỳ đổi mới rất sôi động, phát hiện nhiều cái mới trong quá trình đi lên CNH – HĐH, xây dựng nông thôn mới để viết và có những tác phẩm văn học xuất sắc hơn. Song song với việc viết về cái mới trong thời kỳ hội nhập, các nhà văn ĐBSCL cũng đừng quên đề tài chiến tranh, tiếp tục tái hiện một thời kháng chiến oanh liệt, hào hùng của người dân ĐBSCL chống thực dân, đế quốc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ.
Dịp này, Hội Nhà văn Việt Nam đã cho ra mắt Ban công tác nhà văn Việt Nam tại ĐBSCL, gồm 5 thành viên, do nhà thơ Vũ Hồng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam làm Trưởng Ban./.
HP – CN/TTX

Theo cinet.vn

View more random threads: