(Cinet) – Ngày 1/11, tại thư viện Hà Nội đã diễn ra lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh học giả, nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà giáo Lê Văn Hòe (1911-2011). Dịch giả Thúy Toàn phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm. Ảnh: Internet.
Học giả Lê Văn Hòe sinh năm 1911 tại làng Mụ, xã Phú Nam An, huyện Chương Mỹ, Hà Đông (Hà Nội). Cả cuộc đời cầm bút, học giả Lê Văn Hòe đã tự mình nghiên cứu để viết những cuốn sách thuộc các thể loại có giá trị rất lớn đối với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam như: Truyện Kiều chú giải, Hưng Đạo Vương – Bình Định Vương, tập thơ Gió Tây, Tục ngữ lược giải, Tìm hiểu tiếng Việt, Học thuyết Mặc Tử, Thi thoại…
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên – Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho biết: “Tôi càng đọc những tác phẩm của tác gia Lê Văn Hòe càng thấy ngạc nhiên về tài năng của ông. Buổi lễ kỷ niệm này không chỉ là dịp để tưởng nhớ, ghi công những đóng góp của học giả Lê Văn Hòe mà còn làm sống lại những tác phẩm văn chương bất hủ đã làm nên tên tuổi của ông”.
Nói về giá trị những tác phẩm của học giả Lê Văn Hòe, dịch giả Thúy Toàn bày tỏ: “Tinh thần tự học của ông là tấm gương để các thế hệ ngày nay noi theo. Những tác phẩm của tác gia Lê Văn Hòe đã giúp độc giả hiểu thêm về kho tàng văn học Việt Nam”.
Tại buổi lễ kỷ niệm, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân đã đề nghị gia đình học giả Lê Văn Hòe phải tổ chức bảo quản di cảo của của ông, đặc biệt là những di cảo viết tay. Phải tập trung làm phác thảo từng bước về cuộc đời, sự nghiệp cũng như tác phẩm của tác gia. Nếu làm được điều này thì đây sẽ là công trình đầy đủ, toàn vẹn nhất về học giả Lê Văn Hòe để các thế hệ sau này dễ dàng tra cứu và các tác phẩm văn học quý giá sẽ không bị mai một.
Buổi lễ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này đã giúp người yêu mến học giả Lê Văn Hòe được trực tiếp thấy những tác phẩm vô giá của ông. Đã nhiều năm qua, các ấn phẩm của ông dường như bị rơi vào quên lãng thì nay được sống lại trong lòng độc giả.
T.H

Theo cinet.vn