(Cinet) - Sáng 3/11, tại Hà Nội, Hội Kiều học tổ chức đại hội thành lập, lấy tên chính thức là Hội Kiều học Việt Nam.
Do Tiến sĩ Phan Tử Phùng khởi xướng, Hội Kiều học Việt Nam đã tập hợp được tất cả những người yêu thơ, nghiên cứu thơ và nhất là say mê Truyện Kiều, tâm huyết với những giá trị tinh hoa văn hóa cổ truyền của dân tộc.
Hội ra đời nhằm phát huy tối đa vai trò và trách nhiệm phổ cập rộng rãi những hiểu biết sâu sắc và mọi mặt của các nhà khoa học về Truyện Kiều, qua đó nâng cao trình độ cảm thụ cái hay, cái đẹp, những nét tinh túy của Truyện Kiều trong đông đảo quần chúng.
Hội viên là những nhà nghiên cứu, những người say mê Truyện Kiều, người biểu diễn hoặc chuyển thể Truyện Kiều, những người yêu thơ… tự nguyện tham gia, đóng góp vào hoạt động chung của Hội.
Tại Đại hội, Hội đã thông qua Điều lệ Hội Kiều học Việt Nam, trong đó nhấn mạnh chức năng của Hội là thúc đẩy sự bảo tồn, phát triển và giới thiệu những tinh hoa của Truyện Kiều trên phạm vi cả nước và quốc tế. Các lĩnh vực hoạt động chính của Hội là nghiên cứu tác phẩm Truyện Kiều dưới mọi góc độ của những lĩnh vực khoa học khác nhau, tập hợp các nhà nghiên cứu để phổ cập kiến thức của một Hội khoa học chuyên ngành lấy Truyện Kiều làm đối tượng nghiên cứu: ngành Kiều học.
Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Khắc Bảo, một trong những người nghiên cứu và sưu tầm các bản Nôm Truyện Kiều cho biết: “Trách nhiệm của Hội Kiều học là phải tập trung trí lực của toàn Hội để xây dựng, tái hiện lại văn bản Truyện Kiều sát với nguyên tác của Nguyễn Du”.
Truyện Kiều là kiệt tác văn học của Việt Nam, là tác phẩm hội tụ đầy đủ tinh hoa ngôn ngữ Việt và có ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt đời sống văn hóa, xã hội của dân tộc. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá và phát huy tác dụng của Truyện Kiều ở nước ta chưa tương xứng với vị thế của tác phẩm. Do vậy, sự ra đời của Hội Kiều học Việt Nam là việc làm có ý nghĩa to lớn.
T.H


Theo cinet.vn