(Cinet) - Sáng 11/11, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà thơ Quang Dũng (1921-1988) - một gương mặt tiêu biểu của Văn học Việt Nam hiện đại.
Tham dự lễ kỷ niệm có các hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, cùng đại diện của gia đình nhà thơ là vợ chồng chị Bùi Phương Thảo (con gái út của nhà thơ Quang Dũng). Tại lễ kỷ niệm, các nhà thơ, nhà văn đã chia sẻ những kỷ niệm về Quang Dũng cũng như nhận định về các tác phẩm tiêu biểu của ông.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên – Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội khẳng định: “Buổi lễ kỷ niệm là dịp để Hội nhà văn Hà Nội tôn vinh người con xứ Đoài, thi sĩ của nền văn học hiện đại Việt Nam đã có nhiều tác phẩm bất hủ. Bài thơ “Tây Tiến” khẳng định một nhân cách sống mẫu mực, luôn hướng về Tổ quốc, quê hương của ông. Buổi lễ này là để thêm một lần nữa khẳng định giá trị của thơ Quang Dũng và tạo nguồn kích thích cho đời sống văn học Thủ đô”.
Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim chia sẻ, Quang Dũng là một trong những người đàn anh có ảnh hưởng lớn đến sáng tác đối với lớp nhà thơ tiếp nối. Mặc dù Quang Dũng đã đi xa nhưng những vần thơ còn mãi.
Trước toàn thể những người có mặt 'nhớ Quang Dũng,' nhà thơ Vũ Quần Phương khẳng định: “Cái độc đáo của Quang Dũng đã giúp ông 'không lẫn vào đâu được. Ngay cả bài thơ 'Tây Tiến' có những bập bềnh, nhưng rồi chính từ những chỗ ngỡ khác lạ với một thời cụ thể lại sống mãi với mọi thời. Quang Dũng đã giác ngộ cho tôi rằng hành trình sáng tạo có thể là độc hành trong một gia đoạn nào đó, nó có thể chưa được tiếp nhận ngay nhưng chính sự độc đáo lại là cái còn mãi.'
Với cách nói rất thơ, nhà thơ Vân Long ví: Nhà thơ Quang Dũng như 'bóng mây qua đỉnh Việt' và là một áng mây bay qua sông núi nước Việt. Mây Quang Dũng bay đến đâu, hoa lá cỏ cây và núi sông như có hồn theo đến đấy…
Nhà thơ Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Dậu (tức Diệm), sinh năm 1921 ở làng Phượng Trì, tổng Phùng (Đan Phượng, Hà Tây, nay là Hà Nội), mất năm 1988. Ông được biết đến như một người đa tài: làm thơ, viết văn xuôi, hội họa và cả âm nhạc. Riêng với 'nàng thơ' ông bén duyên từ khá sớm (khi mới 16 tuổi). Với bài 'Tây Tiến' viết năm 27 tuổi, Quang Dũng đã trở thành một gương mặt, một giọng điệu thơ được yêu thích của thi đàn Việt Nam. Ông cũng có nhiều truyện ngắn, ký được đánh giá là 'không thể trộn lẫn với bất cứ ai khác', cùng những bức tranh bột màu phong cảnh và nhạc phẩm 'Nhớ Ba Vì' da diết tình yêu với xứ Đoài thân thương. Nhắc đến Quang Dũng, công chúng cũng nhớ đến hình ảnh một chàng trai hào hoa Hà Nội, đã 'xếp bút nghiên' lên đường đánh giặc. Với những đóng góp về VHNT cho đất nước, ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT.
Tổng hợp

Theo cinet.vn