(Cinet) – Lễ kỷ niệm 100 năm ngày mất nhà thơ Nhiêu Tâm - nhà thơ trữ tình trào phúng nổi tiếng vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Nam Bộ - đã diễn ra sáng nay (18/11)tại Chùa Ông (ấp Thanh Sơn, Thanh Đức, Long Hồ, Vĩnh Long).
Lễ kỷ niệm do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long và Bảo tàng Vĩnh Long phối hợp tổ chức.
Nhà thơ Nhiêu Tâm (1840-1911) tên thật là Đỗ Như Tâm (hiệu Như Tâm, Minh Tâm, biệt hiệu là Minh Giám), là một nhà thơ sống trong thời kỳ Pháp chiếm đóng miền Nam Việt Nam. Theo cuốn ‘Di cảo thơ trào phúng Nhiêu tâm” do Sở Văn hóa Thông tin- Bảo tàng Vĩnh Long xuất bản năm 2001, vì ông có chân trong “Nhiêu học” (người được hưởng bổng của nhà nước phong kiến) nên người ta thường gọi ông là Nhiêu Tâm. Ông là một trong 15 người ở Vĩnh Long được xem như là lão Nhiêu. Ông sống nghèo túng và thanh bạch, là người quý trọng tình nghĩa, yêu thương đồng bào.
Về nguyên quán của nhà thơ Nhiêu Tâm, hiện nay đang có 2 ý luồng kiến khác nhau: một cho rằng ông là người Nam bộ cố cựu, một cho rằng ông từ người miền Trung lưu tới xứ này. Ông học giỏi nhưng con đường khoa cử không thành đạt. Khi đến làng Sơn Đông, ông vừa làm thơ, vừa dạy chữ Nho và làm thêm nghề bốc thuốc. Về cuối đời ông mất tại đây, thọ 71 tuổi, được dân làng và học trò chôn cất tại ấp Cái Sơn Lớn, thuộc xã Thanh Đức, huyện Long Hồ của tỉnh Vĩnh Long.
Nhà thơ Nhiêu Tâm là nhà thơ trữ tình trào phúng nổi tiếng vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Nam Bộ. Văn phong nhà thơ Nhiêu Tâm mang bản sắc dân tộc, thời đại và góp vào thi ca châm biếm miền Nam một tiếng cười bằng ngôn ngữ giản dị và mang chút xót xa của sĩ phu bất đắc chí. Thơ ông để lại trong các sách đã in tới nay không còn nhiều, chỉ với 22 bài, được sưu tầm chủ yếu trong dân gian, hiện được rất nhiều người dân yêu thơ của địa phương nhớ, thuộc với hình thức truyền khẩu.
Thơ Nhiêu Tâm phần nhiều là thơ được viết ở thể thất ngôn bát cú. Thơ Nhiêu Tâm có hai khuynh hướng: Trữ tình và trào phúng. Trong đó, thơ trào phúng của ông kế thừa chất giọng thơ trào phúng của các thế hệ đi trước như Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị và người cùng thời là Học Lạc, cộng với kinh nghiệm sử dụng ngôn ngữ miền Nam, Nhiêu Tâm đã sử dụng khá thành thạo các vần “nôm na”, khai thác thi tứ, cảm hứng của ca dao nên tác phẩm vừa trào lộng, lại vừa thương cảm, nhất là khi viết về những cảnh, tình của những con người bình thường, gần gũi hàng ngày; với giọng thơ khi thì hóm hỉnh, giễu cợt rất tự nhiên, khi thì giàu lòng trắc ẩn, khi thì mang chút xót xa của một sĩ phu bất đắc chí.
Nhà thơ Nhiêu Tâm là tác giả của nhiều bài thơ, đoản văn, câu đối nổi tiếng như bài “Vịnh Kiều”, bài phú “Bần phú luận” (204 câu), “Vợ tiễn chồng”, “Cảm tác”, 'Thuyền qua sông”, “Vịnh miếu Tống Quốc Công”, 'Khóc bạn”, 'Vợ Chệt khóc chồng chết đuối”, “Trẻ cha, già con”… Sau này, nhà xuất bản Tân Việt - Sài Gòn có tập hợp một số bài thơ của ông in thành tập thơ (chung với nhà thơ Học Lạc).
HP – CN/TTX

Theo cinet.vn

View more random threads: