Giữ gìn, phát huy sắc thái văn hóa địa phương trong sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT) là chủ đề của cuộc hội thảo do Hội VHNT tỉnh Ninh Bình tổ chức ngày 24/11.
Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 20 văn, nghệ sĩ đến từ các tỉnh, thành phố: Phú Thọ, Hải Dương, Hải Phòng, Sơn La, Thái Bình, Yên Bái và Bắc Giang. Mục đích của hội thảo nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khoá X) về 'Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới'.
Tám tham luận của các đại biểu trình bày tại hội thảo khẳng định: Văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng là linh hồn của dân tộc Việt, luôn mang trong mình sức mạnh to lớn, trường tồn mãi mãi với thời gian. Sắc thái vùng miền chính là sức sống của văn học nghệ thuật. Văn nghệ sĩ phải là những chiến sĩ tiên phong trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy vốn di sản quý giá đó.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Chinh, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Phú Thọ, chính đội ngũ sáng tác gồm nhiều thế hệ nối tiếp nhau với những cái tên như Ngô Ngọc Bội, Sao Mai, Nguyễn Hữu Nhàn, Hoàng Quý, Nguyễn Khắc Xương, Cao Khắc Thùy đã làm nên một diện mạo VHNT mang nét đặc trưng riêng của vùng đất Tổ. Các tác phẩm của họ đã khai thác, giới thiệu đến độc giả luồng trầm tích văn hóa lâu đời, với kho tàng truyền thuyết, truyện kể dân gian trải qua hàng nghìn năm vô cùng đa dạng, phong phú.
'Thời gian qua, Phú Thọ đã tiến hành làm hai hồ sơ, chuẩn bị các thủ tục cần thiết để đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại; hát Xoan-Ghẹo là di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ' - bà Chinh nói.
Dấu ấn vùng miền trong VHNT trước tiên được nhận ra trong ngôn ngữ. Mỗi địa phương đều có hệ thống những phương ngữ rất riêng. Qua cách nói năng, xưng hô của nhân vật, cách sử dụng ngôn ngữ của nhà văn, người đọc dễ dàng nhận ra điều đó. Ngoài ngôn ngữ, nét đặc trưng địa phương còn được các văn nghệ sĩ thể hiện trong việc đặc tả cảnh sắc thiên nhiên, những phong tục, tập quán của từng mảnh đất, con người nơi ấy, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cho hay.
Đến từ thành phố Hoa Phượng Đỏ, nhà thơ Nguyễn Thanh Tuyên - Hội VHNT Hải Phòng tự hào khi mảnh đất này là nơi xuất hiện một nhà văn nổi tiếng, gắn bó với những phận người cùng khổ, lam lũ trong những ngõ hẻm, đường tàu, bến sông, xóm nghèo, bãi chợ ở Hải Phòng và nhức nhối đau với từng nỗi đau của những thân phận khốn cùng trong những năm 30 của thế kỷ XX. Đó là nhà văn Nguyên Hồng với thiên tiểu thuyết 'Bỉ Vỏ' nổi tiếng. Những địa danh, những khuôn mặt của bao con người lao động đã xô dạt trong ông, ào ạt như sóng, khiến Nguyên Hồng phải rung động ngòi bút để cho ra đời bộ tiểu thuyết đồ sộ mang tên 'Cửa biển', tổng cộng hơn 2.000 trang gồm 4 tập: Sóng gầm (1961); Cơn bão đã đến (1968); Thời kỳ đen tối (1973); Khi đứa con ra đời (1976).
Phó Tổng biên tập Tạp chí Suối Reo của Hội VHNT tỉnh Sơn La - Hà Thu cho rằng, song song với việc bảo tồn, khai thác và phát huy tinh hoa văn hóa dân gian, văn nghệ hiện đại luôn hướng về cội nguồn dân tộc. Thực tế đã chứng minh rằng, những tác phẩm nào vừa mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, vừa mang tính cách tân hợp lý thì đều có sức sống mạnh mẽ trong lòng độc giả và có vị thế nhất định trong đời sống VHNT của cả nước.
Theo ĐCS

Theo cinet.vn