(Cinet) - “Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh Đông Á” là chủ đề cuộc hội thảo quốc tế đã diễn ra vào chiều ngày 6/12 tại Trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh.
Hội thảo có sự tham dự của các giáo sư, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu danh tiếng của một số quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm trình bày những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học và thảo luận về giao lưu, ảnh hưởng, điểm giống nhau và đặc sắc riêng giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đây cũng là hội thảo mở đầu cho Tuần lễ hội thảo khoa học Quốc tế về Việt Nam và Nhật Bản, do Japan Foundation tài trợ.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận 3 nội dung chính: Văn học cổ điển Việt Nam – Nhật Bản; Văn học hiện đại Việt Nam – Nhật Bản; Văn học Đông Á thông qua những báo cáo nghiên cứu khoa học và những phát hiện mới giữa văn hóa Việt Nam và Nhật Bản qua từng thời kỳ lịch sử như: Nghiên cứu mới về cuốn sách bị thất truyền Uji Dainagon monogatari như một tiền lịch sử chủ yếu của Kim tích vật ngữ; Nghiên cứu mới về Nhật Bản kiến văn lục của Việt Nam; Hình tượng “Đông Á bệnh phu” trong văn học duy tân Đông Á; Giao lưu văn học Việt – Nhật qua thể loại thơ haikư ở Việt Nam…
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Cảnh, Hiệu phó Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP. Hồ Chí Minh cho biết: Việt Nam và Nhật Bản có quan hệ lịch sử và văn học rất lâu đời. Cả hai cùng gia nhập Khu vực văn hóa chữ Hán (Khu vực văn hóa Đông Á) từ những năm đầu công nguyên. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, cả hai dân tộc đã xây dựng nền văn hóa, văn học rất phong phú, vừa mang những nét điển hình có tính chất khu vực, lại vừa đậm đà bản sắc dân tộc. Chính vì vậy, mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện nay ngày càng gắn bó sâu sắc và tin cậy lẫn nhau./.
HP – CN/TTX

Theo cinet.vn