Sáng 7/12, Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức hội thảo với chủ đề “30 năm phát triển văn học TPHCM”.
Đây là một trong những hoạt động nhằm chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập hội (1981-2011). Tham dự cuộc hội thảo có đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình đang sống và làm việc tại TPHCM.
<strong style=''>Ưu thế đặc biệt[/B]
Nhận xét về hội, nhà văn Nguyễn Quang Sáng khẳng định đây là hội nhà văn có thành phần hội viên đa dạng nhất nước. Điều này gần như được xem là một nét đặc thù của Hội Nhà văn TPHCM. Tại đây, tập trung một số lượng lớn người sáng tác đa dạng về mọi mặt, đến từ mọi miền đất nước, có các tác giả trong thời chiến, từ miền Bắc vào và các nhà văn yêu nước, tiến bộ trong các vùng tạm chiếm trước kia. Đội ngũ này đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa văn nghệ TPHCM 30 năm qua với các tác phẩm từ văn học đến sân khấu, điện ảnh như Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang, Ván bài lật ngửa, Người Bình Xuyên…
Với đội ngũ tác giả xuất hiện từ khoảng cuối thập niên 80 thế kỷ trước, là những tác giả trẻ, năng động, được xem là lực lượng sáng tác chủ yếu của đời sống văn học đầu thế kỷ 21. Nhiều cây bút đã khẳng định vị trí của mình trong làng sáng tác như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Đông Thức, Đỗ Trung Quân, Trầm Hương, Phạm Sỹ Sáu,…
Một điều đáng chú ý là trong khoảng 30 năm qua, các giải thưởng văn học của TP hầu hết đều được trao cho nhóm tác giả này, như một sự khẳng định chất lượng. Ngoài ra, các cây bút sáng tác từ trước năm 1975 trong vùng tạm chiếm, trong đó có nhiều cây bút từng có các tác phẩm không tốt, nhưng sau đó các tác giả này đã phấn đấu vượt qua chính mình, hòa nhập vào cuộc sống mới và với vốn sống tích lũy, họ đã đóng góp nhiều sáng tác có nét độc đáo riêng.
<strong style=''>Khó khăn đặc thù[/B]
Thế nhưng, sự đa dạng lại chưa hẳn đồng nghĩa với chất lượng. Cho đến nay, tại TP, số tác giả văn học có tác phẩm đã được xuất bản và được chú ý lên đến hơn 500 người, chỉ tính riêng tiểu thuyết đã có trên 100 tác giả. Thế nhưng, rất hiếm các tác phẩm có nội dung về TPHCM nhất là bối cảnh TP hiện nay. Đó cũng là vấn đề mà mỗi lần gặp gỡ giới văn học nghệ thuật, lãnh đạo TPHCM đều nhắc đến. Thậm chí, lãnh đạo TP đã thẳng thắn “đặt hàng” các tác giả viết về cuộc sống, con người TP trong giai đoạn mới.
Thế nhưng, cho đến nay, hình mẫu con người, xã hội đô thị vẫn vắng bóng trong các sáng tác. Lý giải hiện tượng này, nhà văn Lê Văn Thảo, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM cho biết: “Sự đa dạng của đội ngũ sáng tác vô tình làm nảy sinh một thực trạng là tác giả từ đâu thì chỉ viết về đó như nhà văn từ Nghệ An vào thì chỉ viết về Nghệ An, nhà văn miền Tây cũng chỉ viết về miền Tây, cho dù có viết về bối cảnh TP thì cũng tập trung vào những người di cư có nguồn gốc với mình”.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng nêu ra một vấn đề khác, một số tác giả, nhất là người trẻ, hầu như không còn tập trung vào sáng tác. Nhiều tác giả lao vào cuộc mưu sinh nên không còn tâm huyết với sáng tác. Vậy nên, không có gì lạ khi đã lâu TPHCM thiếu hẳn những tác phẩm lớn.
<strong style=''>Cần lập quỹ hỗ trợ sáng tác[/B]
Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, một trong những cây bút thành danh tại TPHCM nhận xét: “30 năm qua, số hội viên tăng lên hơn 3 lần, tuổi đời bình quân già thêm cả chục tuổi nhưng tiếng nói của hội lại ngày càng giảm sức nặng. Hãy thẳng thắn nhìn nhận, hội đang thiếu hơi thở cuộc sống… Trong những sáng tác của hội viên, hình ảnh TPHCM là cái gì đó nhạt nhòa, vô định”.
Sự thật là hội nhiều năm qua ngày càng thiếu năng động trong đời sống văn học hiện tại. Các trại sáng tác, hội thảo mỗi năm tổ chức vài lần, mỗi lần vài ngày, ngay cả lý luận phê bình được coi là hoạt động quan trọng nhất của hội cũng hoạt động cầm chừng với vỏn vẹn 7 nhà phê bình trên tổng số hơn 400 hội viên.
Nhà văn Trần Thanh Giao cho rằng, để hội thực sự trở thành chỗ dựa cho các tác giả thì vấn đề quan trọng nhất là tạo nên một “thương hiệu” cho hội, có thể hỗ trợ hội viên trong các vấn đề sáng tác và hậu sáng tác. Hiện nay, hầu như hoạt động của Hội Nhà văn TP khá mờ nhạt, thông tin đến hội viên chủ yếu qua kênh cá nhân hay trang web của hội. Nhà văn Trần Thanh Giao cho rằng, hội nên có nhà xuất bản hay một tạp chí riêng để giới thiệu các sáng tác của hội viên. Nhà văn, nhà báo Đinh Phong đề nghị lập một quỹ hỗ trợ xuất bản để giúp các tác giả không có điều kiện xuất bản có thể đưa các sáng tác đến với công chúng.
Theo SGGP

Theo cinet.vn

View more random threads: