Ngày 16/12, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Thanh Tịnh (1911-2011). Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã mở đầu buổi lễ bằng diễn văn tưởng niệm nhà thơ Thanh Tịnh, trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh: Trước năm 1945, Thanh Tịnh là một trong ba nhà thơ (Thanh Tịnh, Thạch Lam, Hồ Dzếnh) không chịu khuôn mình trong các khuynh hướng văn học, họ như tự đứng riêng ra một cõi. Thanh Tịnh, cái bút danh tự xem mình như một phật tử nhưng văn chương ông không có mùi kinh kệ, thường lấy tích xưa mà nung nấu và mài sắc chí phục thù của con dân mất nước. Ngoài thơ, ông còn viết văn xuôi và văn xuôi Thanh Tịnh mới thật giàu chất thơ, một di sản ngôn ngữ dân tộc trầm tích ngàn năm qua văn Thanh Tịnh mà trở nên uyển chuyển, đẹp mà ánh lên tâm tình người Việt.
Nhận xét về thơ ca của một bậc tiền bối, nhà văn Hồ Phương còn cho biết, phong cách, suy nghĩ và nghệ thuật của nhà thơ Thanh Tịnh không giống thơ trẻ bây giờ, đó là thời của thơ ca trong sáng, cổ điển không bao giờ có thể phủ định được. Nó có chiều sâu và rất Việt Nam. Thơ ông không ồn ào, sôi nổi mà thiên về sâu lắng. Tác phẩm nào của ông cũng chứa chan tình cảm.
Đánh giá về sự nghiệp của nhà thơ Thanh Tịnh, Giáo sư Phong Lê cho rằng: Thanh Tịnh là một chân dung đa hệ. Trước hết, ông là một nhà thơ mới, tác giả của tập thơ “Hận chiến trường” (1936) với hai bài “Mòn mỏi” và “Tơ trời với tơ lòng” được Hoài Thanh chọn đưa vào Thi nhân Việt Nam…Có thể xếp Thanh Tịnh vào dàn đồng ca thơ mới trước năm 1945 cùng vị trí với Vũ Đình Liên, Nguyễn Nhược Pháp, Yến Lan, Huy Thông…Ngoài thơ, Thanh Tịnh còn là tác giả của các tập truyện “Quê mẹ” (1939), “Ngậm ngải tìm trầm” (1941)…Hai tập truyện ngắn gợi rất nhiều ấn tượng, góp phần làm nên một dòng văn xuôi trữ tình đặc sắc gồm nhiều tên tuổi, với vai trò trụ cột là Thạch Lam. Cuối cùng, một phương diện của tài năng và sự nghiệp Thanh Tịnh còn là nghề báo, đó vừa là sự khởi nghiệp, vừa là sự kết thúc sự nghiệp của Thanh Tịnh trong ngót 60 năm hành trình nghề nghiệp của mình.
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường xúc động nhớ về nhà thơ thế hệ đàn anh của mình: “Chúng tôi, những người hậu sinh của Tạp chí Văn nghệ quân đội về nhà số 4 (số 4 Lý Nam Đế) với sự kính trọng và cả rụt rè trước Thanh Tịnh. Ông là cả một kho tàng văn hóa, hỏi bất cứ chuyện gì ông cũng có thể trả lời và trả lời rất tường tận. Mà chẳng cứ chúng tôi, các nhà văn Hoàng Minh Châu và Hồ Phương ngồi đây cũng rất kính trọng tri thức văn hóa lịch sử và nhân cách sống của ông Thanh Tịnh”.
Nhiều nhà văn, nhà thơ có mặt tại lễ kỷ niệm cũng đã chia sẻ nhiều cung bậc tình cảm khác nhau dành cho người thủ trưởng, người thầy, người anh, người bạn thân thiết và đôn hậu, thủy chung – Thanh Tịnh qua một số tham luận như: “Người bộ hành cô đơn trong văn học Việt Nam hiện đại” của Lưu Khánh Thơ; “Nửa phút với nhà văn Thanh Tịnh” của Tô Đức Chiêu; Thanh Tịnh: “Huế quê tôi ở giữa lòng” của Trần Phương Trà…
Nhà thơ Thanh Tịnh tên thật là Trần Văn Ninh, sinh ngày 12/12/1911 tại Huế, mất ngày 17/7/1988 tại Hà Nội. Ông đã được tặng “Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật” năm 2007.
Theo CPV

Theo cinet.vn