Đó là nhận xét của các diễn giả dành cho nhà thơ Bùi Giáng trong tọa đàm thơ của ông diễn ra tối hôm qua (20/12) tại Hà Nội nhân dịp ra mắt tinh tuyển “Đười ươi Chân Kinh” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn cùng Công ty văn hóa Nhã Nam phát hành.
Bùi Giáng (1926 - 1998) vừa là một nhà thơ với bút lực phi thường, “vô tiền khoáng hậu”, vừa là một dịch giả và là nhà phê bình văn học. Trong phần mở đầu lời giới thiệu “Đười Ươi Chân Kinh” Thiên Hải Đoạn Trường Nhân - người tuyển chọn và giới thiệu những tác phẩm trong cuốn sách đã viết về Bùi Giáng như sau: “Một trong số những thi sĩ kì dị nhất của thơ ca Việt Nam hiện đại, đồng thời cũng là một trong số rất ít những đại biểu của thơ ca miền Nam trước 1975 vẫn tiếp tục được xuất bản và truyền tụng cho tới nay'.
Tham gia tọa đàm có nhà nghiên cứu, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, dịch giả Nguyễn Nhật Anh và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Các diễn giả đều đánh giá cao sự nghiệp văn chương của ông, trong đó lớn nhất là đóng góp đối với ngôn ngữ Tiếng Việt. Bùi Giáng là một hiện tượng lạ, độc đáo, thi vị song vô cùng triết lí, sâu sắc; đọc thơ ông phải hiểu bằng tư tưởng chứ không phải là câu chữ. Theo đánh giá của một nhà nghiên cứu thì “Bản chất của văn chương Bùi Giáng là sự tổng hòa của các phi lí”.
Theo dịch giả Nguyễn Nhật Anh, trong thơ Bùi Giáng tính giễu cợt, nghệ thuật nói lái đã rất cao hay nói cách khác ông là bậc thầy của nói lái. Ông là người đi tiếp truyền thống trào tiếu dân gian mà người đi đầu là Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Trong bài “Hiện tượng Bùi Giáng” Yên Cơ cũng viết: “Thơ Bùi Giáng, ngay từ thuở đầu đã rong chơi, lãng mạn, tinh nghịch, nhẹ nhàng, hóm hỉnh”. Độc giả không bỡ ngỡ, ngạc nhiên khi thấy những câu thơ Bùi Giáng như:
“Cá ở ngoài khe có ít nhiều
Cồn lau cỏ lách có hoang liêu
Em về có hỏi răng ri rứa
Nhắm mắt đưa chân có bận liều”
(Bờ trần gian)
Hay: “Mở hai hàng cỏ tháng ba
Vén hai hàng cỏ mở ra thiên tài”
Với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, ngôn ngữ thơ Bùi Giáng biến thiên, dính kết được với tất cả mọi thứ của trần gian. Cách của Bùi Giáng là làm thơ như là sống. Nguyễn Trọng Tạo cho rằng có sương mù bủa giăng trong ngôn ngữ thơ Bùi Giáng: thơ của ông dính vào triết học, dính vào cuộc sống đời thường… nhưng lại tạo nên một triết lí nhân sinh. Ngôn ngữ Tiếng Việt ngày càng phong phú hơn trong thơ ông, đặc biệt Bùi Giáng đã đưa đến một cải cách cho thơ lục bát Việt Nam.
Sự nghiệp văn chương của Bùi Giáng phải được đặt trong mối tương quan với con người và cuộc đời tác giả; với những giai thoại, lưu truyền trong công chúng. Nhà nghiên cứu, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn chia sẻ: “Trước mắt tôi, Bùi Giáng xuất hiện như trong một chiếc kính vạn hoa” và “Bùi Giáng, một cách âm thầm, trao tặng cho những ai đến với ông chiếc kính vạn hoa”. Với ông, sự mất trí của Bùi Giáng là sự mất trí có lựa chọn, nó thể hiện một triết lí, một nhân sinh quan rất thiện tâm, từ bi. Trong thơ Bùi Giáng thuật ngữ triết học được sử dụng rất nhiều, đó là “sự lựa chọn thuật ngữ kỳ diệu”. “Thi dựng, thi thiên” là tinh mật của ngôn ngữ triết học; Bùi Giáng đã cố gắng đạt được điều này.
Dịch giả Nguyễn Nhật Anh một lần nữa khẳng định ngôn ngữ Bùi Giáng mang đến nhiều từ ngữ vừa quen, vừa lạ. Có thể nói, chưa có một nhà thơ nào có trường từ vựng phức tạp như Bùi Giáng. Đóng góp của Bùi Giáng về mặt ngôn ngữ đối với Tiếng Việt là điều hiển nhiên, rõ ràng thể hiện trong thơ của ông; mặt khác ông đã từng là thấy giáo dạy học nên ông là bậc thầy về ngôn ngữ. Theo cách nói của dịch giả thì Trần Dần giống như một “người thợ” về ngôn ngữ, Bùi Giáng là người đào luyện, tháo lắp ngôn ngữ đó ra.
Theo Thanh tra


Theo cinet.vn