(Cinet) - 'Dĩ vãng phía trước' của Ngô Thảo tập hợp các bài viết về tư liệu chuyện đời , chuyên văn một thuở chứa đựng cảm xúc, suy nghĩ về văn học thời chiến tranh. Qua đó, độc giả có thể gặp các chân dung nhà văn khoác áo lính tên tuổi. Bìa cuốn 'Dĩ vãng phía trước' của Ngô Thảo.
Qua 480 trang sách” Dĩ vãng phía trước” độc giả bắt gặp chân dung của những bạn văn: Thôi Hữu, Thâm Tâm, Thúc Tề, Nguyễn Đình Lạp, Thanh Tịnh, Nguyễn Thi, Chu Cẩm Phong, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Dương Thị Xuân Quý… Riêng với nhà văn Nguyễn Thi, tác giả phải mất đến 2 năm tìm kiếm tư liệu từ hơn 20 cuốn sổ tay Nguyễn Thi để lại, giúp bạn đọc có thể thấy hết được tầm vóc, tư tưởng của nhà văn liệt sĩ này.
Ngô Thảo tâm niệm, việc tập hợp những chân dung nhà văn chiến sĩ cũng chính là tập hợp một phần của lịch sử. Với ý thức trân trọng tuyệt đối tác phẩm, tư tưởng của từng nhà văn, ông viết về họ một cách nâng niu, như nâng niu quá khứ của mình vì cũng có “chút niềm riêng” gửi gắm.
Ngô Thảo sinh ngày 9/2/1941, quê quán tại xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Sau khi tốt nghiệp khoa Văn đại học tổng hợp Hà Nội, ông về công tác tại viện Văn học. Cũng từng có thời gian mặc áo lính hoạt động ở chiến trường Bình Trị Thiên. Năm 1971, Ngô Thảo về làm biên tập viên, trưởng ban Lý luận Phê bình tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Năm 1986 ông chuyển ra ngoài làm ở nhiều cơ quan khác nhau như tạp chí Sân khấu, Nhà xuất bản Sân khấu...
Ngô Thảo được biết đến trên văn đàn như một nhà lý luận phê bình điềm đạm. Ông là tác giả của 12 cuốn sách, bao gồm lý luận phê bình, biên soạn, ghi chép. Tuyển Tiểu luận Phê bình văn học của Ngô Thảo do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2010 là những tổng kết về sự chiêm nghiệm của ông về nền văn học Việt Nam và những chân dung văn học không thể nào không kể đến.
Ông từng đoạt các giải thưởng văn học: Giải thưởng Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam năm 1995 với tác phẩm Như cuộc đời; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002 với tác phẩm Văn học về người lính.
QC

Theo cinet.vn