Trong lịch sử văn học Sài Gòn - TPHCM, có lẽ chưa bao giờ lực lượng cầm bút xuất thân từ nhiều nguồn phong phú khác nhau đã hội tụ đông đảo như 30 năm qua. Có thể nói,sự phong phú về nguồn lực văn học là một nét đặc thù mà hầu như không nơi nào trên đất nước ta có được như TPHCM. Văn học TP HCM năm 2011 đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ
Đa dạng phong cách văn chương
Sự phong phú về nguồn lực đã mang lại sự đa dạng về phong cách văn chương. Ngoài dấu ấn sáng tạo cá nhân, nguồn gốc văn hóa, ngôn ngữ, vốn sống từ quê hương cộng với tri thức, môi trường và trải nghiệm thực tế mới của TP sôi động đã tạo nên những chất liệu và văn phong khác nhau.



Chỉ tính riêng những nhà văn trưởng thành trong 30 năm qua chúng ta có thể thấy rõ điều ấy. Chẳng hạn, văn của Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Đông Thức hoàn toàn khác biệt với văn của Lý Lan, Trầm Hương hay Nguyễn Trọng Nghĩa. Thơ của Bùi Chí Vinh, Đỗ Trung Quân, Trần Hữu Dũng hay Lê Thị Kim, Thanh Nguyên khác biệt với thơ Phạm Sỹ Sáu, Nguyễn Thái Dương hay Đoàn Vị Thượng, Lê Minh Quốc…
Tác phẩm của các nhà văn trẻ sau này cũng vậy. Những nhà văn trẻ gốc miền Trung như Nguyễn Ngọc Thuần, Trần Nhã Thụy, Tiến Đạt, Trần Văn Thưởng, Trương Anh Quốc, Trần Minh Hợp… có văn phong khác biệt với các nhà văn trẻ mà tuổi thơ gắn liền đất Bắc như Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Danh Lam, Phan Hồn Nhiên, Võ Thu Hương hoặc sinh ra ở miền Nam như Phan Triều Hải, Gia Bảo, Vũ Đình Giang, Phương Trinh…
Trong thơ càng thể hiện rõ hơn về sự khác biệt của chất liệu, văn phong lẫn thi pháp. Dù gắn bó với TP phương Nam hàng chục năm, nhưng phương ngữ mẹ đẻ vẫn thể hiện rõ trong thơ của những nhà thơ trẻ nhập cư như Nguyễn Hữu Hồng Minh, Ly Hoàng Ly, Phan Trung Thành, Song Phạm, Nguyễn Phong Việt… và nhiều bạn thơ trẻ khác nữa. Tất nhiên, nói đến phong cách là cả quá trình sáng tác bền lâu để khẳng định.
Không theo lối mòn
Từ sự phong phú về nguồn lực, đa dạng về phong cách cộng với truyền thống tiên phong về đổi mới văn học của Sài Gòn - TPHCM đã tạo bệ phóng cho nhiều nhà văn, nhà thơ trẻ mạnh dạn thay đổi, đột phá về thẩm mỹ. Tôn trọng di sản của cha anh nhưng họ không chịu theo lối mòn của người đi trước. Bởi rõ ràng trong sáng tạo nghệ thuật, bước theo lối mòn là tự đánh mất, hủy diệt mình.



Đọc văn xuôi của các nhà văn trẻ, chúng ta nhận thấy truyền thống kể chuyện với những cốt truyện rạch ròi trong truyện ngắn hay tiểu thuyết trước đây đã dần giảm thiểu, thậm chí có lúc biến mất. Thay vào đó, cấu trúc truyện biến ảo hơn, ngôn ngữ gần với đời thực hơn và cũng tinh lọc hơn, chất liệu được đưa vào truyện sống động, thực tế khách quan hơn. Dù còn trẻ, nhưng cách nhìn và suy ngẫm trước mọi vấn đề đời sống của họ cũng bình tĩnh, sâu sắc. Và trên hết, cá tính sáng tạo đã thể hiện rất rõ trong bút pháp của các nhà văn trẻ.



Đối với thi ca, sự đột phá thẩm mỹ của các nhà thơ trẻ càng trở nên mạnh mẽ, táo bạo. Từ bỏ cách viết dễ dãi, hoa hòe hoa sói, họ đã tiếp cận trực diện đời sống và biến nó thành chất liệu tươi rói cho thơ. Tươi rói mà không minh họa hoặc thô ráp.
Có thể nói, trong mấy mươi năm qua, ngôn ngữ thơ Sài Gòn đã có những bước chuyển mình vượt bậc về lượng lẫn chất. Sự đổi mới ngôn ngữ thơ bao giờ cũng song hành với đổi mới về thi pháp. Lối thơ ngâm ngợi, vòng vo, nên vần nên điệu dần mất dạng trong thơ trẻ. Cách diễn đạt thẳng, mạnh, sát sườn đời sống nhưng vẫn có tính hình tượng khái quát cao đã chiếm lĩnh thi đàn.



Hành trình sáng tạo văn học bao giờ cũng phải trả giá. Bên cạnh thành quả thì cũng có không ít thất bại. Điều quan trọng là các nhà văn trẻ ý thức được trách nhiệm của người cầm bút, nuôi dưỡng ước mơ và bản lĩnh sáng tạo để mang lại cho đời sống những trang viết đẹp, giàu tính nhân văn. Với lực lượng viết trẻ hùng hậu như hiện nay, chúng ta có quyền hy vọng vào tương lai khởi sắc của văn học TPHCM.
Theo SGGP

Theo cinet.vn

View more random threads: