Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh (do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm Chủ tịch) vừa trao giải thưởng Phan Châu Trinh 2011 cho 6 tác giả tiêu biểu, trong đó có dịch giả Nguyễn Văn Khoa. Văn bản công bố trao giải của quỹ có nêu: 'Nguyễn Văn Khoa sinh năm 1944, là dịch giả, nhà nghiên cứu xã hội học, triết học và là tác giả văn chương.
Ông nguyên là Quản đốc thư viện (1970-2007) và phụ trách giảng dạy Khoa học thông tin tại Đại học Paris VIII - Cộng hòa Pháp (1975-1995)… Quỹ Phan Châu Trinh đánh giá cao việc Nguyễn Văn Khoa dịch Plato - một trong những triết gia đầu nguồn của triết học phương Tây. Trao giải dịch thuật cho ông, Quỹ Phan Châu Trinh mong muốn tiếp tục biểu dương nỗ lực khai hóa qua con đường đưa đến cho độc giả Việt Nam những giá trị kinh điển của nhân loại'. Dịch giả Nguyễn Văn Khoa đã dành cho Hànộimới cuộc trò chuyện thẳng thắn và tâm huyết.







Dịch giả Nguyễn Văn Khoa






Cần chiến lược tầm quốc gia về xuất bản tác phẩm tri thức nền

- Trước tiên, xin chúc mừng ông được nhận Giải thưởng Phan Châu Trinh dành cho tác phẩm dịch 'Đối thoại Socratic 1'! Ông vui lòng chia sẻ với bạn đọc Hànộimới ý nghĩa giải thưởng này đối với cá nhân ông?

- Tôi rất vinh dự nhận được giải thưởng này, cảm thấy mình được khuyến khích sau khi đã bỏ công dịch và chú giải một tác giả lớn như Plato, được Hội đồng Giải thưởng Phan Châu Trinh ghi nhận. Công việc dịch thuật của tôi cũng chỉ mới bắt đầu khi tôi nghỉ hưu, về Việt Nam. Tôi đã khá bất ngờ khi biết tin mình đoạt giải thưởng này, nhất là khi đã được nghe nhiều người bàn rằng đây là một giải thưởng rất có uy tín, nhờ lối làm việc nghiêm túc của những người chủ trương. Không những thế, giải thưởng còn mang tên một nhà chí sĩ, một nhà văn hóa lớn của Việt Nam là cụ Phan Châu Trinh.

- 'Đối thoại Socratic 1' được thực hiện với một nỗ lực lớn nhằm chuyển tải trong sáng, rõ ràng tư tưởng của Plato đến với bạn đọc. Ông đã dịch tác phẩm này trong bao lâu và khó khăn lớn nhất với ông là gì?

- Tôi mất hai năm để thực hiện dịch phẩm này, khó khăn lớn nhất là phải đọc rất nhiều sách vừa cũ vừa mới để bắt kịp những tiến bộ trong lĩnh vực cổ học phương Tây; phải học thêm tiếng Việt để có một bản dịch vừa chính xác vừa trong sáng, trong điều kiện chưa có một quyển từ điển triết học Việt ngữ chuẩn nào. Đó là một thách thức không nhỏ bởi tuy có bố mẹ đẻ là người Việt Nam nhưng tôi sống ở Pháp từ lúc 19 tuổi, chỉ được học tiếng mẹ đẻ trong vỏn vẹn 12 năm tiểu học và trung học.

- Hẳn hai tác phẩm về Plato của ông từng xuất bản ở Việt Nam nằm trong kế hoạch chuyển ngữ các tác phẩm triết học kinh điển của thế giới sang tiếng Việt mà ông chủ trương thực hiện từ năm 2006 đến nay? Ông có định sẽ tiếp tục chuyển ngữ các tác phẩm trong thời gian tới?

- Thật ra, chỉ nên kể dịch phẩm vừa được giải thôi, vì dịch phẩm đầu, xuất bản năm 2006 chỉ là một phần của dịch phẩm sau. Tất nhiên, tôi sẽ tiếp tục dịch Plato, đầu tiên là ba quyển đối thoại Socratic còn lại, trước khi bắt tay dịch những đối thoại Platonic (mang tư tưởng đặc thù của Plato). Socratic là từ do nhà xuất bản đề nghị, để chỉ những đối thoại còn mang sắc thái và tư tưởng của Socrates trong khối đối thoại của Plato. Ngoài ra, tôi cũng đang dịch một số tác giả mới hơn, gọi là 'đổi bữa', cho đỡ chán vì phải ăn hoài một món.

- Nhà văn, dịch giả Ngô Tự Lập (nguyên Giám đốc Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh) và TS Nguyễn Thị Từ Huy (nghiên cứu sinh ở Pháp về) đã có lần bày tỏ: Chúng ta thiếu rất nhiều những tác phẩm dịch về các lĩnh vực khoa học xã hội. Ngay cả cái tên ông Plato thôi, nổi tiếng đến thế mà không có nhiều người biết thì nói gì đến tác phẩm của ông ấy. Ông nghĩ gì về sự cần thiết phải có những tác phẩm tri thức nền?

- Đúng là học triết từ đầu nguồn thì phải biết Socrates - Plato - Aristotle, trong khi điều duy nhất học sinh người Việt biết về Socrates có lẽ là câu 'Hãy tự biết mình', mà cũng là hiểu một cách quá vắn tắt. Vì vậy, khi bắt đầu dịch triết, tôi có ý định làm ra một quyển sách dịch có thể dùng để giảng dạy, sao cho ngay cả người tự học cũng có thể sử dụng dễ dàng, nhờ phần chú giải rất phong phú và kỹ lưỡng. Trước tôi, đã có người dịch 4 văn bản của Plato mà tôi vừa dịch nhưng chúng không thể dùng để dạy hay tự học, vì không có các phần tuy gọi là phụ (dẫn nhập và chú thích) nhưng lại quan trọng ngang với 4 văn bản chính.

Nếu hiểu tác phẩm nền là những tác phẩm mà trên đó có một môn học, bất kỳ là môn học gì được xây dựng, thì hiển nhiên là việc dạy môn học đó sẽ sụp đổ nếu nó không có nền móng vững chắc. Vì vậy, dịch những tác phẩm nền trong mỗi môn học phải là điều kiện tiên quyết để có được một nền giáo dục 'có căn bản'. Nhưng, dường như chúng ta chưa ý thức rõ lắm về tầm quan trọng của vấn đề này.

- Một cách thẳng thắn nhất, ông đánh giá như thế nào về tình trạng thiếu hụt các tác phẩm tri thức nền ở nước ta?

- Khá tệ!

- Vậy rõ là phải cần một chiến lược mang tầm quốc gia để hỗ trợ việc xuất bản các tác phẩm này, giống như Nhật Bản thời Minh Trị cách đây cả trăm năm đã chủ trương việc xuất bản khoảng hơn 100 đầu sách làm đòn bẩy cho sự phát triển đất nước?

- Nhất thiết phải có một chính sách mang tầm cỡ quốc gia, và nhất là một không khí văn hóa cởi mở. Thời Pháp thuộc, thực dân cấm ta dịch những sách kinh điển của họ ra tiếng Việt, vì sợ ta dùng Montesquieu, Rousseau... đánh lại họ. Sau khi đánh đuổi thực dân xong, đã có lúc chúng ta cũng tự áp đặt cho mình một chính sách rụt rè với sách vở trong một thời gian. Rất may là bây giờ có nhiều điều đã thoáng hơn. Khoảng năm 2005, khi về Việt Nam tôi còn tự hỏi có nên mang theo quyển 'De la démocratie en Amérique' của Alexis de Tocqueville không (vì có ý định dịch quyển này để đưa lên mạng), không ngờ là bây giờ thì bản dịch Việt ngữ cuốn sách đó của ông Phạm Toàn đã được Nhà xuất bản Tri thức phát hành. Đấy là một bước tiến. Plato, Kant là những tác giả duy tâm cũng đang được dịch, đấy là một bước tiến khác nữa. Còn lại là vấn đề thảo luận và giảng dạy những sách thuộc loại tinh hoa thế giới.



- Nếu bắt đầu từ đây, dù đã là chậm một chút, thì theo ông chúng ta cần chuyển ngữ khoảng bao nhiêu đầu sách, và cần bao nhiêu thời gian cho công việc khó khăn này? Điều kiện cần cho việc đó là gì, thưa ông?

- Số lượng sách phải dịch thì tùy bộ môn học thuật. Và nhanh hay chậm thì tùy ta có chính sách, và có đào tạo nổi và đủ người làm công tác phiên dịch khoa học này hay không. Nói vậy là bởi loại dịch thuật này không hề đơn giản. Nếu tôi nhắc lại rằng dịch thuật không chỉ là vấn đề biết tiếng nước ngoài, mà còn đòi hỏi phải có những hiểu biết nhất định về môn học, và về lịch sử cũng như văn hóa của nơi tác giả ta dịch sinh sống, thì vấn đề quả là rất gay go.

- Bên cạnh chủ trương dịch tác phẩm triết học của thế giới sang tiếng Việt, ông cũng dành mối quan tâm lớn cho triết học của Trần Đức Thảo - một triết gia lớn của Việt Nam (được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000). Ông có thể chia sẻ thêm suy nghĩ của mình về triết gia này cũng như việc cần thiết phải dịch những tác phẩm của triết gia này ra tiếng Việt?

- Tôi nghe nói về Trần Đức Thảo lần đầu khi sang Pháp du học vào năm 1963. Lúc đó, ông ấy đã về Việt Nam được nhiều năm rồi. Tôi mến phục tài năng và lòng yêu nước của ông nên tìm mua và sao chụp tất cả những gì ông ấy đã viết và đã được in ra, vì sợ sau này không kiếm ra nữa. Mấy năm trước, tôi đã gửi tặng Thư viện Quốc gia Việt Nam cuốn sách nổi tiếng đầu tiên của ông ấy, là cuốn Phénoménologie et Matérialisme Dialectique, do Nhà xuất bản Minh Tân phát hành năm 1951 ở Paris. Còn việc dịch và viết về Trần Đức Thảo thì chỉ là chuyện tình cờ, do một tạp chí mà tôi tham gia ban chủ biên lúc đó cần có bài cho số kỷ niệm 11 năm ngày ông mất; tôi đã bỏ đi nghỉ hè, lôi các bài báo ông viết đã sưu tập được từ nhiều nguồn ra đọc, viết, dịch, và làm thư mục. Kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi trong thời gian này là, có lúc tôi đã rơm rớm nước mắt khi dịch tác phẩm của ông, vì cảm nhận được rằng khi ông viết những dòng chữ Pháp mà tôi đang dịch, Trần Đức Thảo đã nghĩ về đất nước Việt Nam với một sự quan tâm sâu sắc.

Về triết lý của Trần Đức Thảo, tôi nghĩ ông chưa thực sự thực hiện được một cuộc tổng hợp giữa hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng khi về Việt Nam; do đó, tùy từng thời điểm và từng vấn đề nghiên cứu, ông là nhà hiện tượng học hay nhà duy vật biện chứng.

Ông Quản đốc thư viện và điểm tựa dịch thuật

- Ông đã có gần 40 năm làm Quản đốc Thư viện Đại học Paris VIII, xin ông chia sẻ với bạn đọc những câu chuyện thú vị về thư viện này?

- Ở Pháp, thư viện đại học được xem là trung tâm của một đại học. Thư viện Đại học Paris VIII hiện nay có khoảng 500 ngàn quyển sách, mỗi năm đều có mua thêm và lược bớt đi.

Đứng đầu thư viện là một ông (bà) giám đốc mà công việc chính là làm gạch nối, một mặt, với Bộ Giáo dục, mặt khác, với ban giám hiệu đại học. Hội đồng Quản trị của Thư viện gồm có giám đốc, phụ tá, khoảng 15 quản đốc (tức là lớp nhân viên khoa học của thư viện, mỗi quản đốc chăm lo một hay nhiều bộ môn tùy theo sự đào tạo của mình, có ngân khoản riêng và cũng có nhiều phụ tá). Bên dưới là lớp nhân viên kỹ thuật của thư viện và dưới nữa là lớp nhân viên quản kho.

Lối học của Pháp thì dù vẫn có thầy (nhiều cấp bậc), nhưng đọc sách và bàn luận là chính. Hồi còn là sinh viên, tôi thường băn khoăn vì sự ngắn ngủi của năm học và thái độ nhẩn nha của sinh viên khi đến lớp, sau mới hiểu là lối học của họ như vậy. Chủ động, chứ không chờ thầy ban phát cho những lời vàng ngọc để chép lại rồi học thuộc lòng… Có như vậy mới có thể dám nghĩ, dám làm.

- Kể từ khi sang Pháp năm 19 tuổi, ông có nhiều dịp trở lại Việt Nam không?

- Tôi về Việt Nam lần đầu trong 4 năm liên tiếp, từ năm 1979 đến năm 1982.

- Vậy còn kỷ niệm của ông với Thủ đô Hà Nội?

- Không nhiều lắm, ngoài cảm nhận đây là quê hương của bố tôi. Mẹ tôi người Bắc Ninh.

- Gia đình có hỗ trợ ông nhiều trong công việc dịch thuật?

- Người giúp tôi nhiều nhất là vợ tôi. Đây là người đầu tiên đọc, phê bình và đề nghị những sửa đổi cho tất cả những gì tôi viết ra. Tôi cũng đóng vai trò ấy đối với những gì bà ấy viết. Đời sống của chúng tôi ở Nha Trang cho đến nay lành mạnh, tốt cho sức khỏe và công việc dịch sách. Hàng xóm dễ thương và gần gũi với vợ chồng tôi.

- Xin cảm ơn dịch giả Nguyễn Văn Khoa! Chúc ông thành công hơn nữa!
Theo HNM

Theo cinet.vn