Nhà văn Ma Văn Kháng là một trong 7 gương mặt tiêu biểu trong lĩnh vực văn học được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh lần thứ 4.
Ông được đánh giá là cây bút góp phần khuấy động văn đàn Việt Nam hiện đại với những tác phẩm làm nên tên tuổi ông từ những năm đầu đổi mới như: “Mưa mùa hạ”, “Mùa lá rụng trong vườn”, “Côi cút giữa cảnh đời”… Mỗi trang văn ông viết nên, dù bình thản hay dữ dội, dường như đều mang theo một bài học nhắc chúng ta về tình yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống.
Nhà văn Ma Văn Kháng tên thật là Đinh Trọng Đoàn. Ông từng được biết đến là nhà văn của đồng bào các dân tộc miền núi. Ấy thế nhưng, một góc không nhỏ trong cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của Ma Văn Kháng là nhiều tác phẩm hay về đề tài thành thị, trong đó phải kể đến tác phẩm “Mưa mùa hạ”, xuất bản năm 1982.
Vừa mới ra đời, “Mưa mùa hạ” đã gây “sốt” trong dư luận bởi những ý tưởng khá táo bạo mà nhà văn đề cập trong cuốn tiểu thuyết này. Viện Văn học đã tổ chức một cuộc tọa đàm về tác phẩm này của ông.
Cho đến bây giờ, Nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ vẫn còn nhớ như in nội dung cuộc tọa đàm đó dù đã 30 năm trôi qua. Nhiều người phê phán cuốn tiểu thuyết của ông. Cũng có người thích sự bạo dạn, mới mẻ trong ngòi bút của Ma Văn Kháng khi ông lật tẩy, đả phá những vấn đề tiêu cực tồn tại trong xã hội một cách không thương tiếc.
Từ đó cái tên Ma Văn Kháng được mọi người nhắc đến không chỉ bởi những tác phẩm, nhân vật của vùng núi cao, mà hơn hết là sự nhập cuộc vững vàng trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện đại- gắn liền với đời sống thành thị những năm đầu đổi mới.
Nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ kể lại: “Tôi rất thích một truyện ngắn của nhà văn Ma văn Kháng là “Seoly- kẻ khuấy động tình trường”. Tôi cũng muốn dùng câu nói ấy để nói về nhà văn Ma Văn Kháng, tức là Ma Văn Kháng - người khuấy động văn đàn Việt Nam hiện đại. Ma Văn Kháng có đóng góp ở bước đầu quá trình đổi mới văn học. Có thể nói tác phẩm đánh dấu sự chuyển biến quan trọng của Ma Văn Kháng là tiểu thuyết “Mưa mùa hạ”. Tôi còn rất nhớ khi tiểu thuyết ấy ra đời đã gặp rất nhiều sóng gió. Càng ngày, càng thấy rằng, chỉ sau một thời gian ngắn thôi tiểu thuyết “Mưa mùa hạ” ấy đặt ra rất nhiều vấn đề của văn học đổi mới cũng như vai trò dự báo của tác phẩm văn học đối với đời sống xã hội nói chung và trong văn học nói riêng”.
Những năm đầu đổi mới, ngòi bút của Ma Văn Kháng liên tục cho ra đời nhiều tác phẩm gây được sự chú ý của bạn đọc. Từ “Mưa mùa hạ”, Ma Văn Kháng tiếp tục cho ra đời “Mùa lá rụng trong vườn”.
Ngay từ khi ra đời, tác phẩm “Mùa lá rụng trong vườn” của nhà văn Ma Văn Kháng (sau này được đạo diễn Quốc Trọng chuyển tài thành bộ phim “Mùa lá rụng”) được công chúng đón nhận nhiệt tình và được coi là một trong những tác phẩm “tiền trạm” của đổi mới, chứa đựng nhiều dự báo còn ý nghĩa đến ngày nay.
Đối với Ma Văn Kháng, viết văn trước tiên là câu chuyện về số phận con người, sự đấu tranh của mỗi người để hướng tới cái đẹp cái thiện. Thấp thoáng trong các trang sách, người đọc có thể nhìn ra nỗi buồn, nỗi đau đời của riêng ông, nhưng trên tất cả, đó là những ưu tư của ông trước nhân tình thế thái. Ông thực sự muốn dùng sức mạnh ngòi bút của mình để mang tới những giá trị nhân văn cho con người và vì con người ở nghĩa rộng lớn nhất.
Ông quan niệm vì một điều rất đơn giản: “Con người sống không chỉ là để làm đẹp cho cuộc sống, không chỉ để ra nụ ra hoa mà sống còn là để chịu thương tích nữa - đó là quy luật của xã hội. Sống là đấu tranh, tranh đấu sẽ có thương tích. Tôi không muốn một cái đẹp dễ dãi. Cái đẹp ấy phải mang màu sắc bi tráng. Cái đẹp ấy đều trải qua những mất mát, thiệt thòi, thậm chí hi sinh, bị vùi dập đến mức không còn chỗ đứng. Thế nhưng họ vẫn vươn lên khẳng định nhân cách chính mình. Đó chính là cái đẹp rất cơ bản”.
76 tuổi đời, sống chung với thuốc và những cơn đau tim, ông không còn khỏe về thể chất, song sức viết, sức nghĩ của ông thì có lẽ nhiều người trẻ cũng phải chào thua. Gần đây, khi đã qua tuổi 70, nhà văn Ma Văn Kháng vẫn tiếp tục cho ra đời 2 tiểu thuyết được viết theo phong cách hoàn toàn mới là “Bóng đêm” và “Bến bờ”. Với 2 tác phẩm ấy, ông muốn chuyên chở những tâm huyết, những vấn đề của số phận con người, những mặt trái, những dòng chảy đang tiềm ẩn phức tạp đến với bạn đọc.
Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân nhận xét: “Có thể nói trong số những cây bút cùng thời với anh, có người đã bỏ nghề, cũng có người viết thưa đi…thế nhưng Ma Văn Kháng vẫn cặm cụi tìm tòi và kiên trì viết đều lên, rất đều đặn. Và thật lạ, những tác phẩm của anh đều gây được chú ý. Thành ra Ma Văn Kháng đã thu được một kết quả khả quan về mặt sáng tác”.
Đi qua 2 thế kỉ, cuộc đời và sự nghiệp của Ma Văn Kháng là 200 truyện ngắn, 15 tiểu thuyết và nhiều tiểu luận, bút kí, hồi kí có giá trị. Dù cho gắn bó với miền núi hay thành thị thì chính ông cũng đang tự trải mình với từng nhân vật, từng câu chuyện, từng hoàn cảnh…làm giàu hơn kho tàng ngôn ngữ của mình và để cho đời nhiều tác phẩm hơn nữa.
Cũng vì thế mà không ngoa khi có người cho rằng: “Dường như dòng chảy văn chương của một nước mỗi khi có thêm một tài năng có tầm cỡ nhập vào, thì nó được mở mang thêm và chảy mạnh hơn. Có thể nói, Ma Văn Kháng hòa mình vào dòng chảy văn chương nước ta nửa sau thế kỷ 20 với tác động như thế”./.
Theo VOV

Theo cinet.vn