(Cinet) – “Nguyễn Huy Tưởng và lịch sử” - chủ đề cuộc hội thảo đã diễn ra hôm 3/5 vừa qua tại Hà Nội.
Hội thảo do Hội Nhà văn Hà Nội và Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (6/5/1912 - 6/5/2012).


Với gần 20 tham luận của các nhà văn, nhà lý luận phê bình, nhà nghiên cứu văn học trình bày tại hội thảo đã tập trung khẳng định thân thế và sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
Đánh giá về khuynh hướng khai thác đề tài lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng, nhiều nhà nghiên cứu nhận định, chính bầu không khí của làng quê Dục Tú, thuộc vùng Đông Ngàn, Kinh Bắc xưa đã thổi vào Nguyễn Huy Tưởng luồng cảm hứng lịch sử ngay từ nhỏ. Bên cạnh đó, bối cảnh lịch sử văn hóa của đất nước cũng đã nuôi dưỡng tinh thần yêu nước trong con người cậu thanh niên Nguyễn Huy Tưởng, đồng thời đẩy những suy tư về lịch sử trở thành cảm quan sống và viết của ông.
Phát biểu tại hội thảo, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội khẳng định: Qua các tác phẩm để lại, có thể nói, Nguyễn Huy Tưởng đã dành phần tâm huyết nhất của mình cho đề tài lịch sử. Từ mảnh đất quê hương Cổ Loa, ông đã hướng ngòi bút của mình đến những trang sử vẻ vang bi tráng của dân tộc, trải theo chiều dài lịch sử từ An Dương Vương xây thành Ốc, Cột đồng Mã Viện, Lá cờ thêu sáu chữ vàng.....cho tới những trang sử hiện đại cách mạng và kháng chiến như: Bắc Sơn, Sống mãi với Thủ đô, Kí sự Cao Lạng, Gặp Bác.... Nhiều vấn đề lịch sử Nguyễn Huy Tưởng đặt ra trong các tác phẩm cách đây nửa thế kỉ vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự.
Với quan điểm “những trang văn về lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng còn mãi với hôm nay”, nhà nghiên cứu văn học Bích Thu nhận định “Ngay từ khi hiện diện trên văn đàn, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã lựa chọn một thế đứng vững chắc với tư thế của một nhà tiểu thuyết và viết kịch trước những vấn đề của hôm qua và hôm nay, của lịch sử và dân tộc”.
Nhà nghiên cứu Vũ Nho trong tham luận của mình thì cho rằng “Cái hay của những tác phẩm lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn không gây hoài nghi, không gây tranh cãi, cũng không dựng lịch sử và các nhận vật lịch sử “khác lạ” với những sử liệu chính thức mà mọi người đã biết. Nhà văn đã viết truyện lịch sử và truyền cho bạn đọc cái cảm giác của chính ông”. Theo ông Vũ Nho, Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn lớn, cần có những nghiên cứu sâu và rộng hơn nữa về sự nghiệp sáng tác của nhà văn; cần đưa vào nhà trường những tác phẩm xuất sắc của ông để thế hệ trẻ được thấm nhuần lịch sử, thấm nhuần tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng.<strong style='mso-bidi-font-weight:
normal'>[/B]
Phát biểu tại hội thảo, nhà văn Hoàng Quốc Hải nhấn mạnh: Nguyễn Huy Tưởng sinh ra trong hoàn cảnh đất nước đang chìm đắm trong gông cùm nô lệ và lớn lên trong thời kỳ giới trí thức đang tìm cách chấn hưng nền văn hóa dân tộc. Ông xác định viết văn bằng chữ Quốc ngữ là yêu nước, cũng có nghĩa là ông tự chọn con đường đi với nhân dân, hướng về dân tộc. Và ông khẳng định trong nhật ký của mình năm ông 20 tuổi rằng: Người không biết lịch sử nước mình là một con trâu đi cày ruộng. Cày với ai cũng được, mà cày ruộng nào cũng được. Trong đêm trường tăm tối, nhân dân Việt Nam bị hai đế quốc Pháp, Nhật xâm lấn, tiểu thuyết “An Tư” của Nguyễn Huy Tưởng ra đời như một luồng sinh khí, tiếp sức cho mọi người chuẩn bị tư tưởng và hành trang đi vào cuộc trường chinh giành lại non sông.
PGS.TS văn học Nguyễn Thị Huế thì khẳng định, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cùng một số ít tên tuổi như: Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Hà Ân, Đoàn Giỏi... là những người có công trong việc đưa truyện cổ tích và huyền thoại vào sáng tác văn học cho thiếu nhi. Những câu chuyện cổ tích và truyện lịch sử viết cho thiếu nhi chỉ là một phần trong di sản sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng, nhưng chính mảng sáng tạo mang dấu ấn cá nhân và đích thực này đã mãi mãi đem lại cho ông niềm mến yêu vô hạn không chỉ ở những bạn đọc nhỏ tuổi mà cả những người đọc lớn tuổi.
Nguyễn Huy Tưởng (6/5/1912 – 25/7/1960) trong một gia đình nhà nho tại làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội).
Từ một người tự học, tự đào tạo mình, Nguyễn Huy Tưởng đã trở thành một nhà văn, một nhà văn hoá có vị trí xứng đáng trong lĩnh vực văn học và sân khấu. Trong suốt cuộc đời cầm bút, nhà văn đã lưu dấu ấn của mình trong nền văn học hiện đại Việt Nam với những sáng tác tiêu biểu từ truyện thiếu nhi cho tới kịch, tiểu thuyết mang đậm cảm hứng lịch sử như “An Dương Vương xây thành Ốc”, “Cột đồng Mã Viện”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “An Tư”, “Đêm hội Long Trì”, “Vũ Như Tô”, “Kể chuyện Quang Trung”; những trang viết về cách mạng và kháng chiến như: “Bắc Sơn”, “Sống mãi với Thủ đô”, “Ký sự Cao Lạng”, “Gặp Bác”…
Từ tác phẩm đầu tay “An Dương Vương xây thành ốc” đến tác phẩm cuối cùng ông viết ngay trên giường bệnh là “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” đã cho thấy hình ảnh một nhà văn kiên cường, nặng lòng với sự nghiệp văn chương. Ông đã hướng ngòi bút của mình đến những trang sử vẻ vang, bi tráng của dân tộc. Với những đóng góp to lớn cho nền văn học cách mạng Việt Nam, năm 1996, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1.
Tổng hợp

Theo cinet.vn