(Cinet) - Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (6/5/1912-6/5/2012) đã diễn ra trọng thể vào sáng 7/5 tại Hà Nội.
Lễ kỷ niệm do Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam và Viện Văn học phối hợp tổ chức.
Ðến dự buổi lễ gồm có đồng chí Hồng Vinh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học - nghệ thuật T.Ư; nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học - nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cùng các văn nghệ sĩ có tên tuổi, các học giả, các nhà nghiên cứu văn học trong cả nước.
Tại lễ kỷ niệm, các bạn bè, đồng nghiệp, nhà nghiên cứu phê bình và gia đình đã cùng ôn lại những kỷ niệm xúc động về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng; đồng thời khẳng định những đóng góp to lớn của ông với sự nghiệp văn học - nghệ thuật nước nhà.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (6/5/1912 – 25/7/1960) trong một gia đình nhà nho tại làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội). Từ trước cách mạng, Nguyễn Huy Tưởng đã tham gia hoạt động Văn hóa cứu quốc, phấn đấu vì một nền văn hóa dân tộc, dân chủ, tiến bộ.
Với tinh thần tự học, tự rèn luyện, Nguyễn Huy Tưởng đã trở thành một nhà văn, một nhà văn hoá có vị trí xứng đáng trong lĩnh vực văn học và sân khấu với những tác phẩm được bạn đọc và khán giả nhiều thế hệ nhớ đến.
Trong suốt cuộc đời cầm bút, nhà văn đã lưu dấu ấn của mình trong nền văn học hiện đại Việt Nam với những sáng tác tiêu biểu từ truyện thiếu nhi cho tới kịch, tiểu thuyết mang đậm cảm hứng lịch sử như “An Dương Vương xây thành Ốc”, “Cột đồng Mã Viện”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “An Tư”, “Đêm hội Long Trì”, “Vũ Như Tô”, “Kể chuyện Quang Trung”; những trang viết về cách mạng và kháng chiến như: “Bắc Sơn”, “Sống mãi với Thủ đô”, “Ký sự Cao Lạng”, “Gặp Bác”…
Có thể nói, từ tác phẩm đầu tay “An Dương Vương xây thành ốc” đến tác phẩm cuối cùng ông viết ngay trên giường bệnh “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” đã cho thấy hình ảnh một nhà văn kiên cường, nặng lòng với sự nghiệp văn chương. Ông đã hướng ngòi bút của mình đến những trang sử vẻ vang, bi tráng của dân tộc.
Với những đóng góp to lớn cho nền văn học cách mạng Việt Nam, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã vinh dự được Đảng và Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật lần thứ nhất năm 1996.
TH

Theo cinet.vn