Tin nhà văn Ma Văn Kháng được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật không làm nhiều người ngạc nhiên. Bởi như ông nói ông “thuộc về một thế hệ đã dốc hết sức mình cho lý tưởng, được Nhà nước ghi nhận cũng thoả lòng”.
Hơn 200 truyện ngắn, 15 cuốn tiểu thuyết. Cho đến bây giờ, khi đã ở tuổi 76 , chung sống với bệnh tim cùng ba cái stents đặt trong động mạch vành, ông vẫn liên tiếp cho ra đời những tác phẩm mới.
Chỉ trong hai năm 2010 và 2011, ba cuốn tiểu thuyết của ông Một mình một ngựa, Bến bờ và Bóng đêm lần lượt ra mắt bạn đọc. Thật đáng khâm phục không chỉ là sức viết, mà còn bởi sự “cập nhật”, dấn thân của ông với đời sống hiện tại.
Trong rất nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn của Ma Văn Kháng mà tôi đã đọc, không hiểu sao lại nhớ nhất những chi tiết trong một truyện ngắn nhỏ của ông, hình như có tựa đề “Con sóc”. Câu chuyện kể về hai nhân viên nam nữ đồng nghiệp làm việc cùng nhau ngày qua ngày trong một văn phòng tẻ nhạt. Một buổi sáng cả hai nhìn thấy một chú sóc bỗng đâu về ngồi trên bậu cửa sổ. Ngạc nhiên và vì tò mò, họ thích thú đuổi theo chú sóc xinh đẹp ấy, và lạc vào một khu vườn. Cả một thế giới khác mở ra trước mắt, và họ bỗng nhận ra, người bên cạnh mình không hề buồn tẻ, và cuộc sống còn nhiều điều thú vị bất ngờ chưa hề được khám phá. Câu chuyện giản dị, nhưng lối dẫn dắt người đọc, và ngôn ngữ của Ma Văn Kháng đã cuốn hút, hấp dẫn tôi, như thể đưa tôi đến với khu vườn và chú sóc kỳ lạ nọ. Về một góc độ nào đó, có thể nói rằng, tôi cũng “ngộ” ra vài điều về cuộc sống và văn chương qua truyện ngắn nhỏ này.
Trước khi gặp ông, tôi không hình dung ông là một người ân cần và dễ chịu đến thế. Ẩn trên gương mặt trải nhiều tri nghiệm trong đời sống, ánh mắt ông thật hiền và trong sáng. Có lẽ đó là “lời giải” đối với tôi, khi lâu nay cứ băn khoăn rằng, dù viết về miền núi buổi hoang sơ hào hứng thời kỳ đầu đi theo cách mạng, hay về những sự thật khốc liệt sau đổi mới ở đời sống đô thị, thì trong tác phẩm của ông vẫn tràn đầy vẻ đẹp của văn chương. Ông nói, ông viết văn, khởi đầu là vì yêu tiếng Việt, yêu vẻ đẹp của ngôn từ. Và vượt qua mọi thế cuộc, văn chương có những giá trị vĩnh hằng.
Ông nói, đời văn của ông do nhiều ngẫu nhiên may mắn mà thành. Đầu tiên, là những năm tháng gắn bó với tỉnh miền núi Lào Cai. Khi đó, ông là một thanh niên tràn đầy tình yêu lý tưởng, sau nhiều năm tu nghiệp ở nước ngoài, đã xung phong đi thẳng lên miền núi. Trong cuốn hổi ký “Năm tháng nhớ thương, năm tháng nhọc nhằn”, ông kể rằng từ nước bạn trở về, chỉ vác ba lô về qua nhà thăm mẹ được một lúc. Bố vừa mới mất, mẹ và các anh chị em đang sống trong cảnh túng quẫn. Nhưng con người đang tràn đầy nhiệt huyết cống hiến cho đất nước, phải dằn bước ngẩng cao đầu mà đi, lòng đầy say mê vì lý tưởng và khát khao cống hiến. Nghĩ lại, những năm tháng đó là một ngẫu nhiên may mắn. Ông được tiếp xúc với cuộc sống hoang sơ buổi ban đầu, “gặp gỡ với lịch sử vùng cao”, chung sống, làm việc với những con người hồn hậu, nồng ấm. Ông gọi đó là sự gặp gỡ kỳ lạ. Gần 20 năm sống ở Lào Cai, thực sự là thời gian để ông như cây xanh cắm rễ sâu vào đất. Làm giáo viên nhưng , nghỉ hè thì đi khắp các huyện xã, tham gia vận động sản xuất, làm thuế nông nghiệp. Sau mấy năm làm Hiệu trưởng đầu tiên của trường cấp 3 ở Lào Cai, ông được điều qua làm thư ký của ông Trường Minh, Bí thư Tỉnh uỷ. Thực tế và những trải nghiệm đó, không chỉ là chất liệu để ông viết những truyện ngắn, tiểu thuyết sau như Phố cụt, Xa Phủ, Đồng bạc trắng hoa xoè mà còn là tích luỹ để làm nên một con người ông, với tính cách, tầm nhìn, sự trải nghiệm đủ để sau này vững vàng trong mọi biến thiên của cuộc đời.
Ngẫu nhiên may mắn thứ hai mà sau này nhìn lại, ông cho rằng không có cơ hội đó thì ông cũng khó để hoàn thiện mình. Đó là việc ông được chuyển về Hà Nội ngay vào những năm sau giải phóng, khi đất nước bước vào công cuộc tái thiết sau chiến tranh và sau đó là đổi mới. Sau một thời gian dài lăn lộn ở miền núi, trải qua nhiều công việc, trở về Hà Nội là khi ông đã chín muồi về nhiều mặt. “Lúc đó tôi nghĩ rằng, nếu chôn chân ở tỉnh lẻ thì cũng sẽ bị cùn mòn đi. Thế nhưng nếu sống ở Hà Nội ngay từ đầu, có thể tôi cũng không có cái ngỡ ngàng, tươi mới. Tôi viết cuốn Mưa mùa hạ, nhà văn Vũ Bão nói: “Chà! Cái lão Kháng này nó mới ở miền núi về, thấy cái gì cũng lạ nên nó mới viết hay thế được”.
Cũng có thể mang theo mình cái hồn hậu, ngỡ ngàng của người miền núi, các tác phẩm thời kỳ này của ông đã nói được nhiều điều mà có lẽ, các nhà văn ở Hà Nội còn “dè chừng” chưa dám nói. Trào lưu đổi mới ở đô thị, văn nghệ cũng có bước chuyển mình, nhưng không phải không có những hy sinh, trả giá. Có nhà nghiên cứu mạnh dạn đưa ra nhận định rằng, Ma Văn Kháng làmộttrong những người đổi mới sớm nhất trong văn chương nước ta nửa cuối thế kỷ XX. Mưa mùa hạ, rồi đến Đám cưới không có giấy giá thú, Mùa lá rụng trong vườn, Côi cút giữa cảnh đời… thoạt khi mới in ra, vấp phải không ít những phê phán kịch liệt. Nhưng ông nói, thế hệ của ông là những người “dấn thân”, dù có tổn thương, mất mát, nhưng chắc chắn là luôn vững vàng một lý tưởng sống vì đất nước, cống hiến cho cách mạng. Có thể, bây giờ nói ra những cụm từ này, sẽ có người cho là hình thức, giáo điều, máy móc và rời xa thực tế, nhưng với thế hệ của ông, đó là máu thịt, là sự rèn giũa, tôi luyện không chỉ qua năm tháng, mà còn trả giá bằng máu và nước mắt của đồng nghiệp, bạn bè. Tất cả những điều đó tạo nên năng lượng sống để những nhà văn như ông giữa biến thiên đời sống vẫn vững vàng. Đó, theo ông, cũng là vẻ đẹp của văn chương, bởi tận đáy sâu của tư tưởng vẫn là những khát khao hạnh phúc con người. Những giá trị văn chương mà ông tạo dựng được ngày hôm nay, có thể nói, là bởi biết chắt chiu đủ vị ngọt đắng của cuộc đời mà có.
Nói về vẻ đẹp văn chương trong tác phẩm của ông, nhà nghiên cứu Phong Lê từng nhận xét: “Hàng trăm truyện ngắn, hàng chục tiểu thuyết trên một hành trình dài, dẫu có lúc ngôn ngữ chính luận tràn lấn, nhưng vẫn không làm thay đổi, biến dạng tiếng nói nghệ thuật đích thực trong tác phẩm của Ma Văn Kháng. Một tiếng nói nghệ thuật từ chính cuộc đời trần trụi, xù xì, thô nhám, đa sự cất lên; và lắm khi tác giả cũng không cần phải đóng vai trò khách quan “để sự thật tự nó nói lên” theo kiểu Balzac, Tolstoi, mà cứ đàng hoàng cất lên tiếng nói riêng để khơi gợi ở bạn đọc sự đồng tình hay tranh luận”. Cũng như, đúc kết đời văn của mình, nhà văn Ma Văn Kháng cho rằng, đặc điểm căn bản nhất của văn ông, chính là vẻ đẹp bi tráng. Chảy suốt trong những tác phẩm của ông là cái đẹp trong đau đớn. Từ Đồng bạc trắng hoa xoè, với nhân vật Pao chịu nhiều đau thương mất mát, gia đình tan nát sau chiến tranh, cho đến sau này, những Mưa mùa hạ, Đám cưới không có giấy giá thú, Mùa lá rụng trong vườn, mới đây nhất là Bến bờ, Bóng đêm… khi ông viết về những người trí thức, dấn thân và hy sinh, về những cái chết bi hùng. Không phải ngẫu nhiên mà trong tác phẩm của ông, dựng lên một hệ thống những nhân vật trí thức. Cũng có thể nói không quá lời rằng, qua tác phẩm của ông mà người đọc sau này có thể “nhận diện” thế hệ trí thức của một thời đại. Ma Văn Kháng cho rằng, cần phải hiểu rõ, giá trị cuộc sống là ở trí tuệ, nhân loại phải tiến lên bằng con đường trí tuệ, nên ở thời đại nào, thể chế nào, thì người trí thức cũng phải được coi trọng.
Cả một đời viết, ông sống thanh đạm, gần như không muốn nói là khổ cực, dẫu rằng ông tự nhận mình có lúc là “con cưng của xã hội”. Ông kể, số tiền nhuận bút lớn nhất là khi in cuốn tiểu thuyết Đồng bạc trắng hoa xoè, được 6300 đồng. Khi đó, mua một cái nhà mặt phố chỉ hết 5000 đồng. Nhưng vì nghĩ, mình là cán bộ, sao lại dùng tiền đi mua nhà riêng, nên mang gửi vào ngân hàng. Thế rồi ngay sau đó là cuộc đổi tiền, 6000 đồng chỉ còn 600, gần như mất trắng. Đó là “kỷ niệm” nhỏ của ông trong đời viết.
Còn bây giờ, Giải thưởng cao quý khiến ông rất vui mừng coi đó là “kỷ niệm lớn”. “Thế hệ tôi là những người dốc hết sức mình không dè giữ. Giờ thì chẳng mơ mộng gì nhiều, tuy vậy, với công việc sáng tác thì vẫn chưa thể rời xa được”- ông nói.





Nhà văn Ma Văn Kháng tên thật là Đinh Trọng Đoàn. Ông là người Hà Nội gốc, ở làng Kim Liên. 13 tuổi thoát ly gia đình theo kháng chiến. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm sau một thời gian tu nghiệp tại Trung Quốc, ông xung phong lên Lào Cai dạy học. 22 năm sống tại đây, ông kết nghĩa với một người họ Ma và lấy tên Ma Văn Kháng trong công tác. Khi trở về Hà Nội, ông làm Tổng Biên tập, Phó giám đốc NXB Lao động, rồi Tổng Biên tập Tạp chí Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật với cụm tác phẩm: Tuyển tập truyện ngắn, tiểu thuyết Mưa mùa hạ, Côi cút giữa cảnh đời, Gặp gỡ ở La Pan Tẩn.




Theo ND

Theo cinet.vn