(Cinet) – Bàn tròn văn học: Hội nhà văn Việt Nam – Chương trình viết văn quốc tế, Đại học Iowa là chủ đề cuộc tọa đàm đã diễn ra hôm 5/6, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Đại sứ quán Hoa Kỳ trong lĩnh vực văn học.
Tham dự buổi tọa đàm gồm có: Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; các ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn VIệt Nam, các nhà văn, nhà thơ hiện đang sống, sáng tác tại thành phố Hà Nội và TP.HCM cùng các nhà thơ đến từ Trung tâm viết văn Quốc tế thuộc Trường đại học Iowa (Hoa Kỳ).
Tại cuộc tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội NVVN đã nêu lên những vấn đề đang được quan tâm nhất hiện nay của thơ ca đương đại Việt Nam, đồng thời ông cũng bày tỏ mong muốn các nhà văn Mỹ chia sẻ về những vấn đề cơ bản nhất của thơ ca trên đất Mỹ: thơ ca đương đại Mỹ, phê bình văn học Mỹ, lịch sử và trí tưởng tượng của nhà văn và vấn đề bản quyền…
Phát biểu tại buổi tọa đàm, bàn về thực tiễn sáng tạo thi ca tại Hoa Kỳ, nhà thơ Jane Mead cho rằng: Thơ ca đương đại Mỹ rất phức tạp và chúng ta cần hiểu về thơ ca đương đại Mỹ thế nào khi đặt nó vào khuôn khổ. Nếu xét đến thơ ca Mỹ thông qua các bản dịch phải nói đến giá trị kích thích của nó. Ở một thái cực, các nhà thơ coi ngôn ngữ không phải là phương tiện truyền tải thông tin mà là trải nghiệm cuộc sống, và một cực là thuần tưởng tượng. Tôi muốn quay trở lại thời gian 50 năm trước, khi đó, tôi làm thơ… Cách đây 50 năm về trước, phong cách thơ thể hiện tính truyền thống trong thể nghiệm về hình ảnh, tất nhiên, là cả vẻ đẹp của ngôn ngữ, mà không phải dựa trên cơ sở là âm thanh. Với thơ, điều tôi quan tâm nhất là vẻ đẹp thuần khiết của nó. Các nhà thơ trẻ hiện nay tận dụng khá tốt những thái cực này. Tôi nhìn thấy ngày hôm nay nhiều gương mặt trẻ đa dạng, nhiều triển vọng. Về mặt lý thuyết, thơ ca không cần dịch và một bài thơ không thể dịch, kể cả dịch thơ ra tiếng Anh cũng vậy”.
Nhà thơ Jon Davis đưa ra cách tiếp cận vấn đề trong buổi tọa đàm từ một hướng khác: “Từ 1950 đến 2010, trong quãng thời gian này tôi nhìn thấy hai thay đổi lớn. Thơ ca Mỹ những năm 1950 chịu ảnh hưởng của nền học thuật có tính chất kinh viện và các nhà thơ Mỹ đã tỏ thái độ chống đối lại ảnh hưởng đó bằng cách làm ra những thể loại thơ “ngoài trường đại học”, còn có tên gọi là trường phái Black. Tất cả các trường phái khác cũng đều chống lại. Cuối cùng có nhiều cuộc thảo luận về sáng tác văn chương bàn về vấn đề đó. Cho đến những năm 1970 lại có thể các trường phái khác xuất hiện, nó thống trị nền thơ ca Mỹ trong một khoảng thời gian. Đã có những phản ứng ngoài trường đại học, một số người đã viết thơ theo lối ngôn ngữ mà như nhà thơ Jane Mead nói. Những nhà thơ này chủ yếu là trình diễn trực tiếp mà không phải là viết trên giấy truyền thống. Họ là những người đam mê nhưng lại thiếu kỹ năng bài bản vì không được đào tạo. Những trường phái ấy đã làm giàu cho thơ ca đương đại Mỹ...”
Tranh luận trong buổi tọa đàm, các diễn giả tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, tạo ra sự sôi nổi trong khi đề xuất và giải quyết các vấn đề nổi cộm của đời sống thơ đương đại Việt Nam và Mỹ.
Tin từ HNVVN

Theo cinet.vn