Vừa qua, tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An), Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề “Văn học góp phần chống suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống trong đời sống xã hội”.
Đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ trại viết lý luận phê bình văn học do Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức.
Tham gia cuộc tọa đàm có PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh – Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT Trung ương (chủ trì), nhà văn Nguyễn Trí Huân – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và TS. Lê Thành Nghị cùng điều hành tọa đàm; đông đảo nhà văn, nhà LLPB và các nhà báo quan tâm đến đề tài này.
Sau lời phát biểu đề dẫn của TS. Lê Thành Nghị, PGS. TS. Nguyễn Văn Hạnh đặt ra vấn đề: “Những người sáng tác phải đặt ra những trách nhiệm, mục tiêu như thế nào, mức độ ra sao cho tác phẩm của mình trước những vấn đề cái xấu, cái ác đang ngày càng gây ra bức xúc, phẫn nộ trong đời sống xã hội hôm nay… Văn chương là hợp chất tư tưởng, nghệ thuật và ngôn ngữ, trong đó tư tưởng là yếu tố quan trọng nhất của tác phẩm văn học.”
Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng với tham luận “Văn chương và tình dục” bày tỏ quan điểm: Tình dục là phần qan trọng, là món quà tặng mà thiên nhiên ban tặng con người, vấn đề nằm ở chỗ con người hành xử với nó như thế nào? Vấn đề tình dục trong những năm gần đây được đề cập một cách sôi nổi, quyết liệt trong tác phẩm của mình: “Rồng đá” (Vũ Ngọc Tiến – Lê Mai), “Bóng đè” (Đỗ Hoàng Diệu), “Dại tình” (Bùi Bình Thi), “Sợi xích” (Lê Kiều Như), “Thân xác” (A Sáng)… Có thể thấy dòng văn chương “thân xác” chiếm thị phần khá lớn trong đời sống văn học. Đặt ra vấn đề tại sao người sáng tác đề cập đến chuyện này nhiều như vậy? Nhà xuất bản cũng không hoàn toàn kiểm soát chặt chẽ nội dung tác phẩm mà chỉ hướng tới thị trường. Các tác phẩm thuộc dòng “văn chương thân xác” xuất hiện ào ạt là điều khó tránh khỏi, bởi nhiều nguyên nhân: người viết, nhà xuất bản, báo chí quảng bá, thỏa mãn ý muốn của người đọc… Cho nên văn chương mới chỉ dừng lại ở bề nổi mà chưa đi sâu vào lý giải căn nguyên, gốc rễ, suy ngẫm về tình dục, sự quan trong của nó đối với đời sống. Một số tác phẩm văn học của chúng ta chưa có tác dụng thanh lọc, tẩy rửa tâm hồn. Trong thơ, tình dục cũng tràn vào một cách mạnh mẽ, như tập “Dự báo phi thời tiết” của nhóm Ngựa trời ra đời cách đây vài năm… Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư cũng có những tập thơ khá táo bạo. Hiện nay muốn nhìn nhận đúng vấn đề văn chương viết về tình dục cần có một quan điểm khách quan, tìm được cách lý giải, tổ chức tiếp nhận hợp lý để có thể nâng cao hơn nữa chất lượng tác phẩm văn học.
Nhà phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên – tác giả cuốn “Mạt vận” nhận định: “Văn học của chúng ta hôm nay là văn chương mô tả nhục dục chứ chưa phải viết về tình dục. Văn chương của chúng ta đang đứng ngoài những tội ác đang xảy ra trong cuộc sống hiện nay: như các tập đoàn kinh tế thua lỗ, nợ xấu… ”
GS. Phong Lê tổng kết: “Chúng ta có mấy mùa văn học: mùa văn học hiện thực phê phán (trong khoảng 10 năm) gồm các tác giả Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan…; mùa thứ hai là mùa “tiền đổi mới” với những tác giả Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp… Hai mùa trước có thể kết luận: xã hội đi xuống thì văn học khởi sắc bởi ở đó tính công dân của nhà văn rất cao. Mùa văn học thứ ba là mùa văn học nói về cái ác, ra đời trong thời điểm đạo đức xã hội suy thoái ngay trong gia đình và tội ác xuất hiện ngày càng nhiều… Sự thất thế của văn học hiện nay được lý giải từ những nguyên nhân: sự lấn lướt của kinh tế, văn hóa đẩy văn học ra ngoại biên mà chỉ tập trung vào thứ gọi là văn học giải trí; giáo dục hiện nay chỉ nhăm nhăm nhồi nhét kiến thức mà quên trang bị tri thức đời sống. Cách giải quyết: phải có sách hay, đó là văn học miêu tả sự thật, phản ánh trung thực đời sống hôm nay; đặt trách nhiệm công dân ở vị trí cao hơn trong mỗi nhà văn để có được những tác phẩm thực sự có giá trị.”
GS. TS Nguyễn Văn Dân – Chủ tịch hội đồng văn học dịch Hội NVVN, TBT Tạp chí văn học nước ngoài: “Chúng ta đang cho rằng LLPB không theo kịp sáng tác, không biết phải hiểu vấn đề này theo hướng nào? Có phải chúng ta đang đặt ra vấn đề chất lượng phê bình chưa ngang tầm sáng tác? Thực tế có vấn đề này không? Trong thực tế hiện nay, theo quan sát của tôi, công trình LLPB cũng như đội ngũ các nhà làm LLPB không đến mức “báo động” về chất lượng và tính chuyên nghiệp như những ý kiến gần đây. Vấn đề thứ hai tôi muốn đặt ra là LLPB báo chí, trước những đòi hỏi của đời sống, phê bình cảm hứng mang tính báo chí cũng là một tất yếu dễ hiểu. Chỉ có điều, chúng ta chừng mực hơn ở những nhận định có tính “tâng bốc”. Trong bối cảnh đang hội nhập thế giới, nền văn học của chúng ta chịu ảnh hưởng, tiếp nhận văn học thế giới cũng được nhìn nhận lại…”
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: “Chúng ta cần có thái độ và hành động chống lại cái ác. Cần có cuộc hội thảo giữa các nhà nghiên cứu xã hội, nhà tâm lí, nhà văn, nhà báo… để phân tích, lý giải nguyên nhân xuất hiện cái ác. Báo chí đang đề cập đến cái ác quá nhiều, tràn lan trên mặt báo, việc này đã “đầu độc” độc giả. Người làm báo tự mở ra “cuộc chạy đua” thông tin để săn tìm tin nóng về cái ác. Đây là sự báo động mà chúng ta phải tìm ra cách giải quyết sớm.”
Nhà văn Đào Thắng: “Văn học hiện nay không “kham” nổi việc chống tiêu cực mà phải là chống cái ác và lý giải nguyên nhân của cái ác. Chúng ta đang “trình diễn”, “diễn tập” cái ác trên nhiều phương tiện: phim ảnh, báo chí, các trò game… đã gây ra những hậu quả tệ hại cho xã hội. Trách nhiệm giáo dục đang đặt ra với các nhà quản lý văn hóa và quản lý báo chí. Chúng ta nhìn lại toàn bộ hệ thống hoạt động tinh thần của chúng ta. Một xã hội không tôn trọng sự thật thì xã hội đó sẽ sụp đổ.”
Nhà văn Hoàng Quảng Uyên: “Các nhà văn hiện nay viết về đề tài chống tiêu cực ngày càng nhiều, muốn viết hay phải hiểu thật sâu, nhưng hầu như các nhà văn chưa thực sự hiểu về vấn đề mình đề cập, chưa có bản lĩnh và không dám trả giá. Các tiểu thuyết viết về chống tiêu cực vẫn sử dụng các thủ pháp quen thuộc như đặt chủ đề tình yêu bên cạnh chủ đề hình sự…”
TS. Lê Thị Bích Hồng – Vụ phó Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo trung ương: “Cái ác, cái xấu, sự phi nhân tính trong các xã hội đều có, dám nói, dám đề cập đến nó một cách thẳng thắn đều là các nhà văn, nhà thơ. Muốn thành công ở đề tài này, ngươi viết cần phải có vốn sống, sự trải nghiệm và lòng dũng cảm.” TS. Lê Thị Bích Hồng trình bày bài viết: “Từ tác phẩm văn học đến phim chính luận” trong đó nhấn mạnh luận điểm: phê phán cái ác là nhân lên cái tốt của các tác phẩm văn học nghệ thuật.
Nhà phê bình văn học Đinh Quang Tốn: “Sự băng hoại, xuống cấp đạo đức trong xã hội không phải đến nay chúng ta mới có dòng văn học này, trong lịch sử văn học, Nguyễn Du đã có những tác phẩm đề cập đến đề tài này, sau này có Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến… Chúng ta có thể học tập truyền thống đó để chống tiêu cực trong văn chương hiện nay. Chống cái ác và đề cao cái thiện bao giờ cũng song hành. Các nhà văn luôn chiến đấu với cái ác không ngừng nghỉ. Có như vậy xã hội mới có thể phát triển. Nguyên nhân của sự suy thoái đạo đức một phần do cách quản lý văn hóa.”
Nhà phê bình văn học Hà Quảng: “Hiện thực xã hội hôm nay được nhìn nhận đa phương, đa chiều; con người hôm nay được nhìn nhận là con người đa bản thể. Chúng ta mô tả cái xấu của con người rộng hơn con người xấu.”
PGS. TS. Nguyễn Thanh Tú với bài viết: “Chống suy thoái văn hóa bằng văn nghệ” đã nồng nhiệt đưa ra những đề nghị: hướng nhà văn viết về văn hóa làng; nghiên cứu bộ môn văn học để đưa vào chương trình những loại hình nghệ thuật dân gian nhiều hơn nữa; có chuẩn mực của LLPB văn học.
TS. Tôn Phương Lan: “Chúng ta phải xông vào mặt trận chống cái ác, viết về hiện thực xã hội từ góc nhìn chân thực nhất, xuất phát từ sự nhân văn. Chúng tôi mong muốn và hy vọng sẽ gặp được những tác phẩm hay viết về chống tiêu cực, tham nhũng và suy thoái đạo đức trong thời gian tới…”
Tổng kết cuộc tọa đàm, nhà văn Nguyễn Trí Huân khẳng định: “Văn học góp phần chống suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống trong đời sống xã hội” với những điểm chính: “Trong cuộc sống hôm nay, cái xấu bắt vào thói quen nhanh hơn cái tốt, con người tò mò về cái xấu nhiều hơn là ngưỡng mộ cái đẹp. Cái xấu, cái ác là hệ quả, nảy sinh từ những cơ chế chưa tốt. Văn học tham gia vào việc chống cái ác, cái xấu trải qua các thời kỳ văn học từ xưa đến nay, nhưng cuộc tọa đàm này hướng chúng ta đến sự nhìn nhận trực diện vào những cái xấu, cái ác, những biểu hiện tiêu cực trong cuộc sống hiện tại. Những tác phẩm văn học nghệ thuật gần đây chưa có dấu ấn sáng tạo sâu sắc, chưa thoát được thói quen khi viết về những đề tài chống tiêu cực. Có thể nói, chúng ta tham gia chưa thực sự hiệu quả, văn chương chưa góp phần vào cuộc chiến này. Ở tọa đàm này, chúng ta cũng chưa bàn đến giải pháp về vấn đề văn học chống tiêu cực, trong thời gian tham gia trại viết, hy vọng rằng chúng ta sẽ triển khai sâu rộng hơn về đề tài này…”
Theo Vanvn.net

Theo cinet.vn