Thơ tồn tại như sự minh chứng cho sức sống của ngôn ngữ dân tộc. Một đất nước yêu thơ ca chứng tỏ quốc gia ấy có tâm hồn lành mạnh, sâu sắc và tinh tế. Chưa có dân tộc nào chối bỏ hay hạ thấp các nhà thơ chân chính, những người biết tôn vinh và chia sẻ với tổ quốc, đồng bào mình bằng thi ca.
<strong style='mso-bidi-font-weight:
normal'>[/B]Cũng không ai đánh giá, ghi nhận, xếp hạng nhà thơ chính xác, công bằng và sòng phẳng như đông đảo quần chúng nhân dân. Họ đọc thơ bằng trái tim và sự chiêm nghiệm, từng trải cuộc sống, bằng những linh cảm bản năng, bằng lòng yêu không gì có thể thay thế được với tiếng nói mẹ đẻ.
Với các thi sỹ chúng ta, tôi nghĩ, làm thơ, trước hết là để đi vào thẳm sâu hay bay cao trong cõi ngôn ngữ Việt. Sau đó mới là giao lưu, hội nhập với bè bạn bốn phương. Khó đạt tới sự thấu tỏ tuyệt đối về cảm xúc và ý tứ, về những lung linh của con chữ, về tiết tấu nhịp điệu mang dấu ấn văn hóa, lịch sử, phong tục, thói quen bản địa khi đọc thơ không nguyên văn ngôn ngữ nguồn cội của thi sĩ. Thơ không chỉ có nghĩa mà chủ yếu phải là tình, là hồn, những khái niệm ai cũng biết nhưng lý giải một cách thấu triệt và sâu sắc là vô cùng khó. Trong thơ có hơi thở, hồn vía của dân tộc mình, đồng bào mình. Nó chính là cái thấm sâu nhất, lâu nhất và đương nhiên chi phối nhiều hơn cả trong hành trình sáng tạo của người cầm bút . Các nhà thơ đích thực ít ai không khởi đầu và đề cao chất truyền thống trong sáng tác thi ca.
Những câu thơ, bài thơ vượt thời gian, nằm lòng dân tộc, nhân loại bao thế kỷ chính vì nó đã giải mã được chiều sâu tâm hồn con người bằng những diễn đạt tinh tế và khúc chiết nhất. Sự sáng tạo thi ca không thể không bắt đầu bằng sự phát hiện cuộc sống và nó được khai triển bằng những lối đi nghệ thuật riêng mang dấu ấn của cá thể nhưng không xa lạ với dân tộc và nhân loại. Nói gì thì nói, đặc trưng của ngôn ngữ thơ vẫn là biểu đạt tình cảm. Thơ vẫn dành để thông qua hình tượng ngôn ngữ người cầm bút gửi gắm cái tình, cái chí của mình trong đó. Điều này cũng xưa cổ như thể loại văn học này vậy. Thơ hiện nay, lắm khi ta tưởng tác giả nghĩ nhiều hơn cảm, nhưng ngẫm kỹ thì cái nghĩ đó không thể không mang rung động của người sáng tác. Thơ vần, thơ không vần, thơ văn xuôi, truyền thống hay hiện đại cũng đều không vượt ra khỏi quy luật của cảm xúc, sự thăng hoa xuất thần của tâm hồn, là cơ hội để người sáng tác tìm gặp được những ý thơ, tứ thơ, câu thơ, bài thơ hay. Sự thăng hoa có thể đến bất chợt khi nhà thơ chưa ngồi trước bàn phím hay cầm bút nhưng nó cũng có thể xuất hiện trong quá trình sáng tạo của họ. Đấy là ánh chớp của đam mê, là bùng nổ của mắt bão, là trào vọt của nham thạch, là tràn dâng của đỉnh lũ.
Người ta đang nói nhiều tới sự cách tân trong thơ. Cách tân! Muốn thơ có mặt trong cuộc sống đương đại và cả mai sau nữa, không còn con đường nào khác phải cách tân. Nhưng theo tôi, sự cách tân không phải là đổi trắng thay đen, đánh tráo khái niệm. Sự cách tân không phải là đốt quá khứ trong nỗi ngông cuồng được trở thành sao chói lọi trên bầu trời thi ca. Cách tân xa lạ với tùy tiện, cẩu thả, rối mù, hủ nút, đánh đố người đọc. Cử nhân, thạc sỹ cho đến tiến sĩ văn học cũng chẳng cảm nhận nổi, không hiểu được tác giả nói gì trong bài thơ của họ. Chớ lầm tưởng rằng thơ hiện đại, thơ mới phải là thơ khó hiểu; thơ dễ hiểu thuộc về kiểu thơ cũ, thơ truyền thống. Thực ra, khó hiểu hay dễ hiểu không phải là tiêu chí của thơ, mà thơ hay chính là sự lay động người đọc ở cảm xúc mạnh, ở tính đa nghĩa của hình tượng, ở sự hợp lý đắc địa của ngôn từ. Giá trị của thơ nằm ở việc phát hiện vấn đề, tìm và dựng tứ độc đáo, ở tính sáng tạo trong thiết lập cấu trúc bài, chọn lựa hình tượng khác lạ, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ nhuần nhuyễn đổi mới.
Thơ muôn đời mang tính kế thừa. Hệ quả của những dè bỉu, mỉa mai, chà đạp, đoạn tuyệt truyền thống là sự giả tạo, hống hớt, hởm hĩnh, lai căng, mất gốc và một kết cục đuối sức, hụt hơi, èo uột, tự chết là khó tránh khỏi.Thơ sẽ tự chết khi không bám được vào cuộc sống đời thường. Đó chính là bài học vỡ lòng cho những người làm thơ.
Giấc mơ vòng nguyệt quế không có tội gì nhưng xin đừng ngộ nhận về tài năng. Ngọn đuốc soi đường khác hoàn toàn với mồi lửa của kẻ đốt đền. Thơ, là sứ giả của tình yêu, trong cuộc chạy tiếp sức của nhân loại. Nó bồi đắp tiếp tế năng lượng cho tâm hồn, không chỉ cho một người mà cho nhiều người. Vì thế, thơ cần sự sáng tạo lại ngoài tác giả, để được truyền cảm, nhân lên trong những cảm thông, bênh vực, nâng đỡ không ngừng. Thơ gắn với đời, trong những lấm láp ruộng đồng, trong mặn mòi biển cả, trong khuất lấp nẻo rừng, trong xô bồ phố thị với từng hớn hở hay đớn đau của cuộc sống, bắt đầu từ một đến mười, mười đến một trăm rồi nghìn, vạn, triệu.
Thơ hay là thơ lan truyền theo cấp số nhân và nó sẽ trở thành tài sản chung của nhiều người. Tại sao những bài thơ hay lại được nhiều người biết, nhiều người nhớ, nhiều người thuộc. Bí quyết của nó là gì? Phải chăng, soi vào đó người ta nhận ra gương mặt tâm hồn của mình. Lặng lẽ, chậm rãi đọc lại những bài thơ hay của người khác, ta thấy nó chính là ta đang thanh lọc tâm hồn.
Người làm thơ vì danh, tôi nghĩ ít thôi, làm thơ để thanh lọc tâm hồn mới là phổ biến. Đọc thơ, yêu thơ cũng để biết sống trầm tĩnh sâu sắc hơn. Thơ không phải là bài giáo huấn luân lý một cách thô thiển nhưng thơ mang vẻ đẹp thuần khiết của tình cảm và cả nhân cách con người, do vậy không lý gì nó không góp phần chống lại sự băng hoại xuống cấp của đạo đức phẩm chất con người.
Bập vào những trào lưu, trường phái ngoại lai một cách vội vã, thiếu chọn lọc dường như làm cho người ta dễ quên điều đó. Hệ quả của sự tiếp nhận đó không mấy tích cực lắm và sự thành công của nó cho đến hôm nay theo nhìn nhận của tôi là rất ít ỏi. Quá chuộng hình thức trong khi nội dung không mang được những phát hiện mới về cuộc sống, lạ xa với thế thái nhân tình, lợt lạt cảm xúc và cuối cùng là sự trắng tay của người cầm bút. Mấy trường hợp khởi đầu ầm ĩ, ồn ào, được đôi chú bác tung hê, ca tụng nay đã lặn hun hút. Đâu là mới mẻ, đâu là cách mạng, đâu là thành công? Sự lăng xê, tiếp thị không thay thế được tác phẩm. Khái niệm đổi mới thơ có lẽ đã bị hiểu nhầm khi người ta chủ trương viết thế nào chứ không phải viết cái gì. Thực ra, viết cái gì cũng quan trọng như viết thế nào. Tư tưởng nội dung và hình thức nghệ thuật đều phải đạt 100% nếu tác phẩm ấy muốn đạt đến độ hay. Cả hai quyện chặt lấy nhau, tuy hai mà một như giọt lệ bi lãng mang trong nó nỗi đau và khát vọng của con người. Chính vì thế mà nó có vị mặn. Thơ của thời đổi mới ít vị mặn dù nó có vẻ lúng la lúng liếng hơn. Điệu đàng quá, điệu đàng không chịu nổi chẳng mang lại sức sống mới cho thơ, những tuyên ngôn cao giọng hùng hồn cãi vã lại thành quả sáng tạo cụ thể èo uột của họ. Hãy nhìn lại đi. Chưa có những tên tuổi đích thực làm cho chúng ta phải tâm phục khẩu phục.Tác giả bài này không dám chê bai ai cả, chỉ viết đúng những gì mình cảm nhận được trong lòng yêu thi ca rất mực cùng khát vọng nền thơ Việt vươn xa bay cao.
Sự thật là thơ vẫn chùng chình trong cuộc tìm đường đổi mới bởi những gì mà “phái” tiên phong cách tân mang đến quả là yếu ớt, mỏng manh và chưa tạo được “trường” hấp dẫn cuốn hút như nhiều người làm thơ, đọc thơ mong mỏi. Phần lớn, người ta cảm thấy thơ khó hiểu hơn, tắc tị hơn, ảm đạm hơn, u ám hơn, rối rắm hơn. Xác thơ nhiều hơn hồn thơ. Những “hộp” thơ ngổn ngang, rối bời chữ. Sự cằn cỗi thi ca không tưới tắm cho xanh rợp cây đời.
Thơ đang thiếu hậu thuẫn từ phía người đọc bởi nhiều nguyên nhân nhưng theo tôi do hai điều cốt yếu là: ít thơ hay và tính nhập thế của thơ vô cùng thấp.
Hồn vía Việt, giọng điệu Việt…đậm đà trong Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… và sau này đến những Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử…cũng thế. Thơ mới 1930 – 1945 không ít bâng khuâng Đường thi và lục bát, dân ca. Thơ muôn năm là dòng chảy liên tục, không bị đứt gãy cũng như tinh thần và tâm hồn sâu kín của dân tộc được truyền lưu từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nên hiểu thơ, trước hết là thân phận con người chứ không phải là nghề nghiệp mưu sinh. Thơ là hồn, là linh, là phần âm của con người trần thế. Thơ là dân tộc, là xứ sở trước khi là nhân loại, là thế giới. Tôi thường tâm niệm thế.
Mạo muội nghĩ rằng đúc kết của cổ nhân (Hiệu Nhiên – Trung Quốc) vẫn nguyên giá trị tham khảo với người làm thơ: Thơ có 6 chỗ cần đạt đến (Thi hữu lục chí). Đó là: Hiểm nhưng không hóc tắc; Kỳ nhưng không quái; Đẹp mà tự nhiên; Lao tâm khổ tứ nhưng không để lại dấu vết ; Lời gần mà ý xa; Phóng khoáng nhưng không vu vơ.
Không thể tùy tiện ghép các ngôn từ lại là thành thơ. Thơ mang trong nó những câu chuyện của cuộc đời, buồn vui thế sự, tư tưởng tình cảm. Thơ khác văn xuôi và càng khác câu nói bình thường bởi nó có thi tứ, có thi ảnh, tiết tấu nhịp điệu…Nói tóm lại nó phải có lề luật, quy tắc thơ. Câu dài, câu ngắn. Có vần, không vần. Êm xuôi, trúc trắc. Nhanh, chậm. Đậm, nhạt. Nặng, nhẹ. Duy tình, duy lý. Cũ, mới. Trước hết, cũng đều phải tạo ra được ấn tượng thẩm mỹ. Phải tuân thủ quy luật thơ, đó là quy luật của cảm xúc như Xuân Diệu từng nói.
Lo toan cho thơ mới mẻ thời nào cũng có. Làm thơ là sáng tạo, là công việc của kẻ không lặp lại mình, không bắt chước người. Người làm thơ ít người dửng dưng với đổi mới cách tân. Nhưng đổi mới thế nào, cách tân ra sao mới là điều đáng nói. Mở miệng rên la hay gào thét cũng có thể là thơ nhưng cũng có thể không là gì cả. Chàng kỵ mã thi ca có thể tạo ra được những đường phi ngoạn mục nhưng cũng có thể ngã ngựa từ bước vó đầu tiên vì không biết cầm cương. Không phải những clip ngôn ngữ tình tang được tung lên mạng mới được gọi là thơ đổi mới. Đưa chất tục, tính dục vào thơ cũng không gì mới cả. Điều đáng nói là cái tục, cái dục đó được thể hiện như thế nào thôi. Thơ nằm ngoài sự hời hợt và thực dụng, cũng không phải là trang sức của con người.
Thơ xứng đáng được tôn vinh là linh hồn cuộc sống. Đổi mới thơ là làm cho thơ cần thiết với cuộc sống hơn. Nó nhập vào nhịp sống đời thường tự nhiên và thân thiết. Phát hiện những bí ẩn của cuộc sống và diễn đạt nó bằng cảm xúc tràn trề, bằng sự thấu hiểu xa rộng, bằng những cấu tứ độc đáo, bằng những sáng tạo ngôn ngữ đó là đổi mới. Hành trình đổi mới cũng là hành trình bám riết dân tộc, bám rễ cuộc sống, nhận ra trong sự xung đột xã hội những giá trị nhân văn tươi mới. Là hướng tới sự giản dị, giản dị để truyền cảm được xúc động, xúc động, xúc động cao nhất. Điều ấy, thực ra bao thế hệ nhà thơ trong nước, ngoài nước đã làm mà R.Tagore (Ấn Độ) là một dẫn chứng vô cùng thuyết phục: Thơ tôi đã rũ sạch mọi điểm trang lòe loẹt, không còn kiểu cách, huyênh hoang. Vật trang sức sẽ làm hại tình thân giữa đôi ta, sẽ ngăn cách Người với tôi, và khi va chạm thành tiếng xủng xẻng sẽ át cả tiếng người thì thầm…hay: cuộc tập dượt phức tạp nhất chính là cuộc tập dượt đưa tới vẻ giản đơn tột cùng của một hòa âm.
Có lẽ nhờ thế mà thơ R. Tagore sống mãi, mới mãi không chỉ với nhân dân Ấn Độ mà với cả nhân loại chúng ta./.
Theo CPV

Theo cinet.vn