Sáng 10/8, tại Hà Nội, Hội đồng Văn học dịch, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của văn học dịch hiện nay”.
Hội thảo đã thu hút sự tham dự của nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả và những người quan tâm đến văn học dịch ở Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu cùng nhìn nhận, đánh giá thực trạng của văn học dịch 10 năm qua; nêu lên những thành tựu, hạn chế để từ đó tìm nguyên nhân và đưa ra giải pháp. Các đại biểu đã tập trung vào một số nội dung: Vị trí, vai trò của văn học dịch Việt Nam; Nguyên tắc dịch văn học; Tính sáng tạo trong dịch văn học; Thành tựu và hạn chế của văn học dịch Việt Nam trong 10 năm qua; Làm thế nào để phát triển đội ngũ dịch giả...
Khái quát về nền văn học dịch của Việt Nam thời gian gần đây, dịch giả Thúy Toàn cho rằng: Việc thực thi Công ước quốc tế về bản quyền tác giả phần nào đã góp phần làm cho thị trường sách lành mạnh lên. Nhìn lại thời gian qua, những cuốn sách có giá trị và được dịch tốt xuất hiện ngày càng nhiều, có chiều hướng đi lên rõ ràng. Có thể ghi nhận, không dưới trăm đầu sách có giá trị của nhiều dịch giả khác nhau đã được xuất bản những năm gần đây, trong đó có những người đã nổi danh như: Dương Tường, Trần Đình Hiến, Trịnh Lữ, Châu Diên... Bên cạnh đó, ngày càng xuất hiện nhiều thêm những dịch giải mới có tâm huyết trong việc lựa chọn sách để dịch, thúc đẩy chất lượng văn học dịch vươn lên, cung cấp cho bạn đọc những tác phẩm mới, hay của thế giới.
Dịch giả Nguyễn Văn Dân chỉ rõ: Trong 10 năm qua, tất cả những hiện tượng của văn học dịch được độc giả tiếp cận nhanh chóng và thảo luận rất sôi nổi. Có nhiều ý kiến đóng góp mang tính xây dựng, xuất phát từ những động cơ nghiêm túc, mong muốn có một nền văn học dịch phát triển. Thành tựu của văn học dịch trong 10 năm trở lại đây, có nhiều đóng góp không nhỏ cho văn học nước nhà. Nhiều tác phẩm dịch có chất lượng tốt đã nhận được những giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.
Nói về Thông dịch (hoặc phiên dịch, dịch thuật), dịch giả Trần Đình Hiến cho rằng: Dịch thực chất là giao lưu giữa hai nền văn hóa mà nhiều khi yếu tố văn hóa cho một dịch phẩm thành công quan trọng hơn ngôn ngữ. Văn hóa rất quan trọng với người dịch, cần phải có phông văn hóa sâu rộng của cả hai nền văn hóa. Nếu bỏ qua bối cảnh văn hóa thì không thể đạt được sự giao lưu giữa hai ngôn ngữ. Bên cạnh đó, không nên coi nhẹ sự khác biệt giữa văn hóa bản địa với văn hóa nước ngoài, đặc biệt với văn hóa phương Tây. Sự khác biệt đó thường dẫn đến bỏ sót hoặc làm méo mó ý tưởng văn hóa.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng: Dịch thuật văn học là thể loại rất đáng được quan tâm. Phần lớn trên thị trường sách Việt Nam hiện nay là sách dịch, nhờ vậy mà người đọc Việt Nam không bị lạc hậu so với tình hình văn học thế giới. Nhiều bản dịch được xuất bản song song với tác phẩm mới của nước ngoài. Vấn đề đặt ra là dịch cho hay. Bên cạnh đó, cần quan tâm tới việc dịch từ tiếng Việt ra nước ngoài. Nhà thơ cũng đưa ra một số đề nghị đối với cách in thơ dịch, đó là: in nguyên bản, dịch nghĩa và bản dịch thơ (nghệ thuật) để người đọc có thể lĩnh hội được hết cái hay của nguyên bản cũng như sự lao động công phu của người dịch.
Dịch giả Phạm Xuân Nguyên đưa ra những đề nghị: Cần phải thống kê đã có bao nhiêu cuốn sách dịch trong thời gian qua: Tác phẩm, thể loại, tác giả, dịch giả? Ngoài việc phát triển, đào tạo đội ngũ dịch thuật cũng cần quan tâm đến phê bình dịch, vì hiện nay chúng ta chưa có nền phê bình dịch và biên tập dịch để đánh giá về nghệ thuật dịch. Các NXB đang ở tình trạng không có đủ người đọc chuẩn cho bản dịch tiếng Việt chứ chưa nói đến đọc đối chiếu. Bên cạnh đó, người dịch những tác phẩm kinh điển Việt Nam cần được ghi nhận công lao vì họ có công giúp cho tiếng Việt rất nhiều, giúp cho tư duy Việt phát triển.
Với tham luận “Những việc cần làm để văn học dịch phù hợp với vấn đề cách tân”, nhà thơ Bằng Việt đưa ra nhận định về những vấn đề văn học dịch tính từ năm 1986 đến nay và giải pháp để công tác dịch thuật tốt hơn. Nhà thơ nhấn mạnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam định hướng cho sách dịch hiện nay, tạo ra một quỹ để mua và thẩm định các sách cần dịch; Lập nên một trung tâm tư vấn hoặc một cơ quan thẩm định về mặt dịch thuật, trong đó tập hợp được các chuyên gia giỏi về lĩnh vực văn học nghệ thuật để có đủ trình độ nhận xét và thẩm định tác phẩm khi chọn dịch. Song song việc dịch từ nước ngoài vào trong nước, phải quan tâm đến việc giới thiệu có hệ thống, có bài bản văn học nghệ thuật từ trong nước ra nước ngoài; quan tâm đến việc bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ những người dịch cao cấp của ít nhất 6 ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập, tiếng Nga...; tổ chức các câu lạc bộ, các trung tâm cho đội ngũ dịch thuật...
Sau Hội thảo này, những ý kiến góp ý sẽ được Hội Nhà văn Việt Nam xem xét, bổ sung, kiến nghị với Đảng và Nhà nước./.
CPV

Theo cinet.vn