Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được đánh giá là một trong những nhà văn thành công nhất trong khoảng 20 năm trở lại đây ở mảng văn học cho giới trẻ. Thành công về giải thưởng, thành công về doanh thu bán sách và trên hết là thành công khi ghi được dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Những ngày đầu tháng 9/2012 vừa qua, nhà văn lại tiếp tục gây xôn xao làng sách với 2 tác phẩm mới, một do anh viết và một viết về anh.
Hồi ức trên đường đời
Nếu xếp số sách nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã từng viết thì ít nhất cũng được một chồng sách cao gấp 3 lần chiều cao của nhà văn. Thế nhưng, hầu hết tác phẩm đều viết về lứa tuổi thanh thiếu nhi, các tác phẩm viết cho chính tác giả chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay và Sương khói quê nhà chính là một trong số đó.
Nhà văn Phong Diệp có lần đã nhận xét: “Tôi nghĩ là giờ Nguyễn Nhật Ánh có viết gì thì độc giả vẫn sẽ đọc, vì anh đã tạo dựng được một thương hiệu riêng, trở thành thần tượng của nhiều độc giả”. Điều này là chính xác với trường hợp Sương khói quê nhà, ngay sau khi ra mắt, sách đã nhanh chóng được tái bản với số lượng 5.000 bản, một con số thuộc hàng mơ ước trong làng sách văn học hiện nay.
Điều đáng nói là tuyển tập tản văn mới này khác rất nhiều so với các tác phẩm trước của anh. Vẫn cái nhìn tinh tế, vẫn cách hành văn nhẹ nhàng nhưng thâm thúy, thế nhưng lại thiếu đi một chút chất dí dỏm quen thuộc. Điều đó thực ra hoàn toàn phù hợp vì Sương khói quê nhà là tuyển tập những tản văn anh đã đăng trên Báo Sài Gòn Giải Phóng từ năm 2010 đến nay. Nhan đề sách cũng là nhan đề một bài viết trong sách với nội dung hoài niệm về quê hương, một chốn quê tuổi thơ tuy không chiếm một quãng thời gian dài trong cuộc sống nhưng lại giữ một vị trí lớn trong trái tim tác giả. Mà là hoài niệm thì không như tiểu thuyết, có chuyện vui nhưng cũng không ít hồi ức buồn. Giống như chuyện về cậu bạn thủa nhỏ Lợi sứt, một nhân vật đầy hấp dẫn trong truyện vừa Cô gái đến từ hôm qua với phong cách phảng phất hình ảnh cậu bé Tom Sawyer của Mark Twain. Thế nhưng, Lợi sứt ngoài đời thật lại ghi dấu trong lòng tác giả bằng một câu chuyện buồn của tình thương, lòng đố kỵ và cả sự hối hận.
Hoàng tử bé của văn học Việt Nam?
Con hẻm nhỏ số 177 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 là một chốn hồng trần của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, ở đó anh có một quán ăn nhỏ làm nơi kiếm sống có tên Đo Đo, tên ngôi làng thuở ấu thơ, có một tiệm sách nho nhỏ tên Kính Vạn Hoa, tên bộ sách đồ sộ nhất của anh. Và trong tiệm sách nhỏ đó tái hiện một bàn viết làm việc (ảnh) thời mới tập viết văn, chỗ đó có một máy đánh chữ cũ, chiếc máy bay đồ chơi bé tí và một cuốn sách đã phai màu thời gian nhan đề Hoàng tử bé của tác giả Antoine de Saint-Exupéry, bản dịch của Bùi Giáng. Cuốn sách mà như chính nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã thổ lộ là có ảnh hưởng lớn đến các sáng tác của anh sau này.
Đó cũng chính là nguyên nhân cuốn sách tiểu sử Nguyễn Nhật Ánh - Hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ do nhà thơ Lê Minh Quốc biên soạn. Đây là tác phẩm thứ hai trong tủ sách “Nhà văn của em” viết về một nhà văn vẫn đang sống và làm việc, như lời nhà thơ Cao Xuân Sơn, Giám đốc chi nhánh NXB Kim Đồng tại TPHCM thì cuốn sách có một giá trị tư liệu vô cùng quan trọng vì nó đã được chính nhân vật kiểm tra và công nhận. Điều này khác với các tác phẩm dạng tiểu sử khác viết về những tác giả đã khuất bóng, tư liệu thường không thật chính xác. Là một tác phẩm dạng tiểu sử, người biên soạn, nhà thơ Lê Minh Quốc không đi sâu tìm cách giải thích “Hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh” mà chỉ dốc hết sức giới thiệu trọn vẹn hình ảnh nhà văn, từ thuở nhỏ đến khi thành danh.
Và phải nói rằng, Lê Minh Quốc đã rất thành công, đặc biệt là khâu sưu tầm tài liệu, có rất nhiều hình ảnh trong sách độc đáo đến nỗi chính tác giả phải ngơ ngác mãi, không hiểu Quốc lấy đâu ra như tấm hình nhà văn khi mới 7 tuổi (1962) chụp cạnh mẹ - tuổi tắm mưa không mặc quần áo, rồi tấm ảnh chụp với các bạn học lớp 10 ở Tam Kỳ năm 1970, với đồng đội thanh niên xung phong (1980)…
Theo SGGP


Theo cinet.vn